Đây là năm thứ hai MSB phát hành tài liệu này độc lập với báo cáo thường niên. Báo cáo được lập trên cơ sở 18 tiêu chí của tổ chức sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI). Các chỉ số phát triển bền vững gồm: môi trường (E), xã hội (S) và quản trị doanh nghiệp (G). Nội dung báo cáo trình bày dựa trên tham chiếu theo các tiêu chuẩn công bố thông tin do ủy ban tiêu chuẩn báo cáo bền vững toàn cầu (GSSB) thiết lập và mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.

008a2252-1719387797-8288-1719387875.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rqcqB_KgYP3V7LffyxhjnQ

Giao diện ứng dụng MSB và thẻ MSB. Ảnh: MSB

Với thông điệp "kiến tạo giá trị bền vững", báo cáo cung cấp thông tin về định hướng, thực hành triển khai và cam kết phát triển của ngân hàng. Từ đó, cung cấp góc nhìn đa chiều về hành trình phát triển bền vững trong từng hoạt động tại MSB. Ngân hàng kỳ vọng, báo cáo cũng có thể mang đến bức tranh đầy đủ về tác động của biến đổi khí hậu tới danh mục đầu tư dựa trên dự báo và phân tích các kịch bản khí hậu trong tương lai.

Ở khía cạnh môi trường, năm qua MSB đã giảm mức phát thải còn 73,66% so với 2022. Lượng tiêu thụ điện và nước giảm lần lượt 15,5% và 10,1%. Chương trình Paperless giúp ngân hàng giảm 3,3 triệu bản in, tương đương 58%. MSB tổ chức thu gom gần 700 kg lịch cũ và chuyển đến nhà máy tái chế, tạo thành 455 kg khăn giấy rút, giấy vệ sinh.

Về mặt xã hội, ngân hàng chi trả lương và phúc lợi trong năm 2023 đạt 2.838 tỷ đồng cho 6.308 cán bộ nhân viên. Tổng chi phí đào tạo năm gần 30 tỷ đồng với thời gian trung bình 51 giờ cho mỗi cán bộ quản lý, 47 giờ với nhân viên. Các hoạt động như Green day - ngày không rác thải nhựa, hiến máu nhân đạo được ngân hàng chú trọng thực hiện và nhận sự hưởng ứng của hơn 6.000 nhân viên.

Khía cạnh quản trị, MSB xây dựng Ủy ban Phát triển bền vững cùng khung phát triển bền vững bao gồm điều lệ, các quy chế, quy định; tiến hành họp định kỳ phân công vai trò cụ thể để để phê duyệt các chính sách cũng như kiểm soát hiệu suất thực hiện ESG.

Báo cáo cũng ghi nhận những dấu ấn xanh trong sự chuyển mình của ngân hàng. Từ 1/6/2023, các khoản vay mới đều qua quy trình đánh giá rủi ro môi trường - xã hội.

Với cơ cấu tín dụng, MSB cũng chú trọng hơn tới yếu tố phát triển bền vững. Kết thúc năm 2023, tổng dư nợ cho lĩnh vực tín dụng xanh của MSB là gần 6.000 tỷ đồng, cấp cho 148 khách hàng. Trong đó, vốn tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm đa số và hầu hết là vốn cho vay trung dài hạn.

Để tạo lập nguồn vốn cho nền kinh tế xanh, tháng 11/2023, MSB ký ý định thư (LOI) với FMO về khoản vay trung hạn trị giá 100 triệu USD dành riêng cho tệp khách hàng vừa và nhỏ (SME) và các dự án có tiêu chí xanh.

Nhà băng cũng tích cực nghiên cứu, thiết kế sản phẩm tín dụng xanh, đẩy mạnh các chính sách và chương trình giúp tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của khách hàng.

Đại diện ngân hàng xác định ba chủ đề ưu tiên trong định hướng phát triển bền vững. Đầu tiên là chú trọng hỗ trợ mọi tệp khách hàng tiến tới tài chính toàn diện và bền vững, là đối tác tin cậy cùng chuyển mình trong xu thế "xanh". Tiếp đến, MSB hướng mọi hoạt động thường nhật tới tiêu chí bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Ngân hàng cũng định hình khuôn mẫu là nhà tuyển dụng trách nhiệm, mang đến môi trường làm việc công bằng, giàu cơ hội phát triển cho nhân sự. Ngoài ra, ngân hàng mong muốn mang đến tác động tích cực tới nền kinh tế và cộng đồng thông qua các hoạt động từ thiện, tư vấn, hỗ trợ đa lĩnh vực.

Thái Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022