Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm 10/5 cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) -- thước đo lạm phát chính - vào tháng 4 giảm 0,1% so với cùng kỳ 2024, gần sát với mức dự báo giảm 0,09% được đưa ra trong cuộc khảo sát của Bloomberg. Trong quý I/2025, chỉ số này đã hạ 0,1%.
Giảm phát là hiện tượng giá hàng hóa và dịch vụ liên tục đi xuống trong thời gian dài, thường đi kèm với suy giảm nhu cầu tiêu dùng, đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Tháng qua, giá thực phẩm Trung Quốc giảm 0,2% trong khi giá dịch vụ tăng 0,3%.

Diễn biến CPI Trung Quốc. Nguồn: SCMP
Các mặt hàng khác và dịch vụ cá nhân tăng 6,6%, giá quần áo tăng 1,3%, còn chi phí nhà ở nhích nhẹ 0,1%. Lạm phát cơ bản - không gồm giá thực phẩm và năng lượng - tăng 0,5% so với cùng kỳ, bằng với mức ghi nhận trong tháng 3.
Cùng với giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2,7% tháng trước, đánh dấu tháng đi xuống thứ 30 liên tiếp và là mức hạ mạnh nhất trong vòng 6 tháng qua. Bà Dong Lijuan, chuyên gia thống kê trưởng Cục Thống kê Trung Quốc cho biết đà giảm giá trong tháng 4 chủ yếu do "các yếu tố nhập khẩu quốc tế".
"Giá dầu, khí tự nhiên và kim loại màu trên thị trường quốc tế đi xuống đã ảnh hưởng giảm giá trong một số ngành", bà Dong Lijuan nói.
Thị trường bất động sản yếu, nợ hộ gia đình cao và tâm lý việc làm bất ổn làm suy giảm đầu tư và tiêu dùng, giữ áp lực giảm phát ở mức cao. Cùng lúc, nền kinh tế đối mặt với rủi ro bên ngoài gia tăng từ các rào cản thương mại.
"Trung Quốc vẫn đang đối diện với áp lực giảm phát kéo dài. Áp lực này có thể gia tăng trong những tháng tới khi xuất khẩu có khả năng suy yếu", Zhiwei Zhang, Kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management nhận định.

Khách hàng mua thực phẩm tại một khu ăn uống ở Thượng Hải ngày 4/5. Ảnh: Reuters
Diễn biến đồng thời của giá sản xuất giảm và tiêu dùng đi xuống cho thấy Trung Quốc cần thêm các biện pháp kích thích kinh tế. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng có triển vọng hạ nhiệt căng thẳng khi bắt đầu khởi động vòng đàm phán thương mại với Mỹ tại Thụy Sĩ hôm 10/5.
"Ngay cả khi hai bên đạt tiến triển, mức thuế cũng khó quay về ngưỡng trước tháng 4", ông Zhang nói. Chuyên gia này đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của chính sách tài khóa chủ động hơn để kích cầu nội địa và xử lý bài toán giảm phát.
Nhằm bù đắp sự thiếu hụt từ xuất khẩu, Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Một số địa phương đang phân bổ thêm ngân sách để khuyến khích chi tiêu. Đơn cử, tỉnh Tứ Xuyên hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho các khoản vay tiêu dùng lớn như mua xe, thiết bị điện tử, nội thất và đồ gia dụng.
Chính phủ trung ương cũng đẩy mạnh du lịch bằng cách mở rộng hệ thống cửa hàng miễn thuế, tăng hạn mức hoàn thuế và nới lỏng yêu cầu thị thực cho công dân nhiều quốc gia. Bà Zhiwei Zhang khẳng định các chính sách kích cầu hiện hành đang phát huy hiệu quả. "Nền tảng kinh tế Trung Quốc vẫn ổn định và có khả năng chống chịu", bà đánh giá.
Năm ngoái, CPI của Trung Quốc chỉ tăng 0,2%, tương đương với mức năm 2023. Nước này đã điều chỉnh mục tiêu CPI 2025 còn 2%, thấp hơn mức chuẩn 3% duy trì trong các năm trước.
Phiên An (theo Reuters, SCMP)