Theo các kiến trúc sư, không gian sống tiết kiệm năng lượng chính là một phần trong xu hướng kiến trúc xanh hiện nay. Kiến trúc xanh góp phần cùng các ngành nghề khác tạo nên một thế giới Net Zero (phát thải ròng carbon bằng 0) vào năm 2050, như cam kết của các quốc gia tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26). Đối với cá nhân các gia đình sử dụng, kiến trúc xanh sẽ giúp tiết kiệm hóa đơn tiền điện hàng tháng, đặc biệt có ý nghĩa trong những giai đoạn cao điểm nắng nóng.

Để tạo dựng một không gian tiết kiệm năng lượng, cần kết hợp nhiều yếu tố đan xen. Theo Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền, người được vinh danh 100 kiến trúc sư toàn cầu tại Đại hội Hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) tổ chức ở Hàn Quốc năm 2017, yếu tố cần đầu tiên là thiết kế diện tích phù hợp với công năng. Nhiều năm làm tư vấn thiết kế, ông Truyền gặp nhiều gia chủ mong muốn một không gian rộng, một phần do sở thích, một phần do tư tưởng "nhà cao cửa rộng". Đôi khi có những người thích thể hiện, thích phòng này phòng kia của mình lớn hơn hàng xóm hay bạn bè...

"Gặp những đơn đặt hàng như thế, tôi vẫn khuyên các chủ nhà nên thiết kế diện tích vừa đủ, vừa đúng, làm lớn quá sẽ lãng phí. Ví dụ, một phòng ngủ 50 m2, chưa kể toilet, đặt chiếc giường King Size vẫn bị lọt thỏm trong không gian, nhìn không cân đối, vừa không đẹp vừa lãng phí", vị kiến trúc sư chia sẻ.

Chính sự lãng phí không gian sẽ kéo theo sự lãng phí của nhiều thứ khác, trong đó có năng lượng. Ngoài diện tích thì chiều cao của không gian cũng cần phù hợp với công năng sử dụng, không nên làm cao quá. Tỷ lệ giữa chiều cao, chiều ngang, chiều dài phải hài hòa mới tạo nên một không gian đẹp và tối ưu về mọi mặt.

Để góp phần tiết kiệm năng lượng, các phòng cần được thông gió tự nhiên và tiếp xúc với thiên nhiên. Tuy nhiên, không phải cứ nhiều ánh sáng tự nhiên hay nhiều gió đều tốt, vì sẽ có những tác dụng ngược. Ví dụ, nhiều nắng quá sẽ gây tốn điện khi sử dụng điều hòa làm mát. Hay một số ngôi nhà thiết kế không phù hợp, mở giếng trời ở bếp, khi nấu ăn, gia chủ phải đội mũ vì nắng chiếu vào nhiều quá. "Việc đưa yếu tố thiên nhiên vào nhiều quá đôi khi cũng gây bất lợi cho người sử dụng, vô tình đốt nóng không gian, nhất là khi Việt Nam nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa", ông Truyền nhận xét.

z5480245257068-9cf84c3d3f53326-6004-5900-1718076456.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=b_nanjRgYawFx0uCFkZBLA

Một không gian được thông gió và đón ánh sáng tự nhiên. Ảnh: Cát Mộc

Cách chọn vật liệu ngoại thất và nội thất cũng có ảnh hưởng nhất định đến khả năng tiêu tốn năng lượng của ngôi nhà. Chuyên gia khuyến cáo nên lưu ý chọn vật liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, ngăn chặn các tác nhân gây hại của thiên nhiên và phù hợp công năng sử dụng của không gian. Đơn cử, một ngôi nhà hướng Tây, buổi chiều rất nắng. Nếu dùng vách kính có thể "đốt nóng" không gian suốt buổi chiều. Đặc biệt khi trong nhà không có đối lưu không khí, có thể gây lên hiệu ứng nhà kính của vách tường kính. "Chỉ vài cửa sổ vách kính mà thiết kế không hợp lý có thể đốt nóng không gian bên trong nhà cao hơn bên ngoài vài độ C", kiến trúc sư cho biết.

Với kiến trúc ngoài mặt tiền, nếu có thể nên làm kiến trúc hai lớp, ví dụ có lớp lam gỗ, gạch bông gió, tạo khoảng không gian đệm bên ngoài trước khi ánh nắng lọt vào bên trong nhà.

Về hướng gió, kiến trúc sư lưu ý chỉ nên đón nhận hướng gió tốt. Ví dụ ở miền Bắc, gió đông bắc ảnh hưởng đến sức khỏe con người vào mùa Đông thì cần có giải pháp kiến trúc che chắn phù hợp.

Vật liệu cho nội thất cần phù hợp công năng sử dụng. Phòng ngủ, phòng bếp sẽ có những nhiệm vụ khác nhau. Nếu lát sàn bếp bằng vật liệu gỗ, sau một thời gian sàn sẽ bị hư hại do độ ẩm xung quanh khu vực chậu rửa gây ra. Ngược lại phòng ngủ lát gạch đá hoa sẽ không có độ mát vào mùa hè và độ ấm vào mùa đông.

Việc cải thiện vi khí hậu chung quanh ngôi nhà cũng góp phần tạo nên một không gian sống xanh và tiết kiệm năng lượng. Với những công trình có không gian sân vườn rộng, việc trồng cây xanh, làm hồ nước đón đúng vị trí hướng nắng và hướng gió trước khi đi vào ngôi nhà có thể giúp ngăn bớt bụi mịn và bụi bẩn vào bên trong, đưa hơi ẩm vào không gian sống, góp phần giảm nhiệt độ bên trong.

Đặc biệt, để tạo một không gian sống tiết kiệm năng lượng, việc chọn trang thiết bị nội thất, nhất là đồ điện gia dụng có ý nghĩa quan trọng. Các thiết bị cần hợp công năng sử dụng của không gian và cần tiêu thụ ít năng lượng

"Thông thường khi tư vấn thiết kế, tôi vẫn khuyên các chủ nhà không nên đặt tivi trong trong phòng ngủ vì nhiều yếu tố bất lợi. Việc nằm xem ti vi có thể gây tổn hại cột sống, chưa kể ánh sáng xanh từ tivi sẽ không tốt cho giấc ngủ", kiến trúc sư Truyền chia sẻ. Ông dẫn chứng thêm, chọn đèn cho bàn ăn không nên chọn loại đèn sợi đốt vì vô tình sẽ tỏa nhiệt lớn, làm giảm cảm giác ăn ngon miệng.

Kiến trúc sư cũng khuyến cáo với những thiết bị điện tử, điện lạnh gia dụng như tủ lạnh, máy giặt, tivi, nhất là điều hòa nên chọn dòng sản phẩm ứng dụng công nghệ inverter để tiết kiệm điện năng tiêu thụ.

Máy điều hòa hiện là một trong những thiết bị được sử dụng nhiều trong các gia đình, khi thời tiết ngày càng nắng nóng. "Tôi thường hướng dẫn khách hàng cách tính nhẩm nhanh là cứ 15 m2 sàn thì dùng máy điều hòa công suất 1 HP, bởi vì trừ một số không gian đặc biệt như căn hộ duplex, phòng thông tầng, chiều cao của các căn phòng ở Việt Nam thường khoảng 2,8 - 3 m", ông Truyền nói.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý, vị trí lắp điều hòa cẩn đảm bảo đối lưu không khí nhiều nhất có thể trong không gian và không thổi trực tiếp vào người. Vị trí đặt dàn nóng và dàn lạnh không nên quá xa để tránh gây tốn điện và giảm hiệu suất làm lạnh.

psx-20240508-165441-1718075881-2663-1718076456.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=p1HCMS7OL7Pouv7zcP4O0w

Điều hòa ứng dụng công nghệ inverter tiêu thụ ít điện năng hơn điều hòa cơ. Ảnh: Bá Hội

Liên quan đến các tính năng giúp tiết kiệm điện trên điều hòa, ông Trần Văn Cân, Trưởng phòng Phát triển sản phẩm Casper Việt Nam cho biết, công nghệ inverter có thể giúp điều hòa tiết kiệm khoảng 40% điện năng tiêu thụ so với máy cơ cùng công suất.

Theo nhu cầu tiêu dùng, các nhà sản xuất ngày càng tích hợp nhiều công nghệ tiết kiệm điện vào sản phẩm. Đơn cử chế độ Sleep (sau khoảng thời gian cố định được thiết lập, máy sẽ tự động tăng nhiệt độ lên để nhiệt độ phòng phù hợp với thân nhiệt của người sử dụng (thông thường là cứ sau 30-60 phút, nhiệt độ sẽ tăng lên 1 độ C). Ngoài ra, hầu hết các dòng điều hòa hiện nay đều được trang bị chế độ hẹn giờ bật/tắt và có thể điều khiển trên remote.

Ví dụ như dòng EcoPrime của Casper mới ra mắt mùa hè năm nay, bên cạnh hai tính năng trên còn tích hợp chế độ I-save giúp tiết kiệm điện. Người dùng chỉ cần một nút bấm trên điều khiển, máy sẽ tự thay đổi nhiệt độ và các chế độ phù hợp để tiêu thụ lượng điện năng tối ưu nhất. Các mẫu của dòng sản phẩm này đều đạt hiệu suất năng lượng 5 sao.

Ngoài các cơ chế giúp tiết kiệm điện, để phù hợp với nội thất và tiện dụng khi lắp đặt, các nhà sản xuất cũng chú trọng đến thiết kế. Như dòng EcoPrime, bên cạnh thiết kế bề mặt nhám, góc cạnh phù hợp với mọi không gian, màu sắc nội thất, nhà sản xuất còn sử dụng lối thiết kế thông minh Easy Care, sản phẩm nguyên khối, hạn chế ốc vít, có lẫy mở nắp bung, chỉ cần một kỹ thuật viên cũng có thể dễ dàng lắp đặt bảo dưỡng.

Thái Bình

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022