Theo tiêu chuẩn Việt Nam, chiếu sáng tự nhiên được phân chia thành các nhóm giải pháp: Chiếu sáng trên, chiếu sáng bên và chiếu sáng hỗn hợp (cả trên và bên).
Chiếu sáng tự nhiên qua vật liệu kính giúp con người chủ động bởi các yếu tố thời tiết, nhiệt độ... Ảnh: Hà Thành
Những lợi ích
Ánh sáng tự nhiên cho chất lượng tốt nhất, không ánh sáng nhân tạo nào sánh nổi. Nó làm nổi rõ hình khối, đường nét kiến trúc, tạo chiều sâu cho không gian, tạo nên giá trị thẩm mỹ và xúc cảm cho con người trước công trình kiến trúc. Ánh sáng tự nhiên biến đổi theo giờ, theo ngày, theo mùa, theo thời tiết... tạo nên những trạng thái, sắc thái khác nhau, vô cùng phong phú và đa dạng. Ngoài ra, ánh sáng tự nhiên làm không khí và môi trường trong lành- khô ráo- sạch sẽ, tạo tâm lý thoải mái, dễ chịu, cung cấp nhiều năng lượng cho con người trong hoạt động.
Lợi ích lớn nhất của ánh sáng tự nhiên đối với công trình kiến trúc chính là miễn phí. Việc xây dựng công trình không mất chi phí cho hạ tầng kỹ thuật của hệ thống chiếu sáng liên quan (như chiếu sáng nhân tạo). Tất nhiên để khai thác ánh sáng tự nhiên hiệu quả cần phải nghiên cứu sâu cho khâu thiết kế, liên quan đến các giải pháp kiến trúc và vật liệu.
Hiện nay, trong nhiều bộ tiêu chuẩn Kiến trúc xanh, Kiến trúc sinh thái; chiếu sáng tự nhiên là một phần không thể thiếu.
Những bất cập
Ánh sáng mặt trời là một nguồn sáng đặc biệt, không ổn định và con người chỉ có thể đón nhận và điều chỉnh (nếu có) ở nơi tiếp nhận. Đó là một trong những đặc điểm cơ bản và cũng là nguyên nhân của một số bất cập. Đa phần đó là việc tiếp nhận ánh sáng không đúng, không tương thích với môi trường hoạt động con người trong công trình kiến trúc.
Để điều tiết ánh sáng, một số công trình sử dụng giải pháp dùng gạch lỗ, nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của việc thừa sáng. Ảnh: Hà Thành
Có chiếu sáng tự nhiên cho mỗi không gian, về cơ bản là tốt, nhưng nếu thiếu và thừa sáng thì lại là điều bất tiện. Sáng quá có thể gây chói gắt, ảnh hưởng tới hoạt động sinh hoạt và làm việc, gây tổn hại cho sức khỏe. Việc mở rộng kết cấu bao che đặc kín, sử dụng nhiều kính trong suốt để đón ánh sáng tự nhiên cũng đồng nghĩa với việc có thể đón ánh nắng nóng vào trong nhà, hay lên bề mặt kính - tạo nên hiệu ứng nhà kính, làm tăng nhiệt độ môi trường trong công trình kiến trúc.
Ánh sáng và ánh nắng nếu chiếu sâu vào trong nội thất lâu dài có thể ảnh hưởng, gây hư hại một số loại vật liệu, các đồ đạc nội thất. Cũng có trường hợp, không gian được thiết kế quá phụ thuộc vào chiếu sáng tự nhiên, mà trong điều kiện không tốt về thời tiết, ánh sáng tự nhiên yếu, thành ra khu vực đó lại thiếu sáng. Hoặc trong một số trường hợp đặc biệt, việc khai thác chiếu sáng tự nhiên gây hậu quả xấu như việc ánh sáng phản quang thông qua bề mặt vật liệu nhẵn bóng, phản chiếu tới những chỗ không cần thiết gây ảnh hưởng không tốt cho sinh hoạt và thẩm mỹ.
Khi không thể điều chỉnh được nguồn sáng, thì chỉ có thể điều chỉnh ở nơi tiếp nhận ánh sáng. Để chiếu sáng tự nhiên hiệu quả và tránh những bất cập từ nguồn sáng tự nhiên thì yếu tố này phải được chú trọng trong thiết kế, xây dựng cũng như sử dụng, vận hành công trình.
Trong mỗi không gian có tính chất sử dụng khác nhau, hay trong từng thời điểm, cần nguồn sáng có cường độ khác nhau; vì vậy cần có những giải pháp để điều tiết ánh sáng, "lọc sáng" sao cho phù hợp. Đó là những kết cấu linh hoạt để chắn sáng, là những hệ lam, tường hoa, mành rèm, cây xanh...; cũng có thể dùng vật liệu cùng màu sắc cho phù hợp. Khi đó, chiếu sáng tự nhiên sẽ đem lại hiệu quả và hạn chế tối đa những tác động tiêu cực.
Kiến trúc sư Nguyễn Trần Đức Anh