phong-tam-2-2-4852-1656754723.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xA0a1rn5hriRj0yQuJ1_9g

Bồn sục jacuzzi, một thiết bị cần thiết cho phòng spa. Ảnh minh họa: Hà Thành

Tuỳ hoàn cảnh mà phòng thư giãn kiểu spa có thể là một phòng tắm hay phòng spa chuyên biệt. Chủ nhân có thể trang bị những thiết bị thích hợp.

Bồn sục jacuzzi

Đây là thiết bị cơ bản nhất có thể trang bị thay bồn tắm trong phòng tắm thông thường hay phòng spa chuyên biệt.

Bồn jacuzzi có rất nhiều loại hình dáng và kích thước to nhỏ khác nhau. Có loại bồn cá nhân và bồn tập thể ngồi được 4-5 người. Điều đáng lưu ý với thiết bị này là nguồn điện để vận hành. Vì vậy, nếu có ý định sử dụng bồn sục, trong quá trình thiết kế và thi công phải có nguồn điện chờ tại vị trí bồn.

Buồng tắm massage

Có thể là một buồng tắm đứng cố định được xây dựng theo thiết kế hay một cabin tắm rời đặt trong phòng tắm. Buồng tắm massage ngoài một vòi sen chính chảy từ tường hay từ trần thì còn có một hệ thống vòi tia với áp lực mạnh bắn ra từ tường hay thành cabin; có tác động lên cơ thể người sử dụng tạo thành liệu pháp massage.

Nếu không sử dụng cabin bán sẵn, có thể thiết kế hệ thống vòi với những đầu phun chôn âm tường, tuy nhiên giải pháp này khá phức tạp cho việc thi công, nhưng đổi lại có thể có được khoang tắm rộng rãi. Còn nếu sử dụng cabin bán sẵn thì không gian tắm sẽ bị hạn chế. Cabin tắm massage cũng cần một nguồn điện cấp để vận hành hệ thống bơm và các thiết bị chiếu sáng, âm thanh.

Phòng xông khô (sauna)

Sauna là tên gọi khác của phòng xông hơi khô được làm bằng gỗ, sử dụng máy xông hơi khô và đá xông hơi tạo hơi nóng trong phòng lên tới mức cụ thể tùy theo người dùng, hơi nóng ngấm vào da thịt làm các lỗ chân lông giãn nở giúp toát mồ hôi và các chất có hại cho sức khỏe ra ngoài.

Những yếu tố khác

Thiết bị là quan trọng nhất nhưng để có một phòng spa đúng nghĩa, còn những yếu tố khác như diện tích, không gian, tầm nhìn, chất liệu, màu sắc, ánh sáng, âm thanh, mùi hương...

Với phòng spa gia đình, diện tích tối thiểu 8-10 m2, nhất thiết phải có khoảng mở (cửa sổ) ra không gian bên ngoài. Nếu phòng spa ở tầng trệt thì lý tưởng nhất là có khoảng mở ra không gian vườn với cây xanh, để tạo cảm giác nhẹ nhàng, thư thái.

Chất liệu của phòng spa ưu tiên những loại vật liệu gần gũi và thân thiện như gỗ, sỏi đá tự nhiên... Màu sắc nên sử dụng màu sáng kết hợp những màu trung tính, không nên sử dụng màu quá nóng. Ánh sáng cần kết hợp cả ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo, tránh quá tối hay chói gắt. Âm thanh và mùi hương cũng vậy, phải tạo nên sự êm đềm, nhẹ nhàng trong không gian.

Cân nhắc khi làm phòng tắm thư giãn spa tại nhà

Đầu tư cho một phòng spa đầy đủ và tiêu chuẩn, với những thiết bị xịn, chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu hay cả tỷ đồng – một khoản không hề nhỏ. Nếu không được sử dụng hiệu quả, khoản đầu tư này sẽ thành lãng phí. Gia chủ cần lưu ý, đã sử dụng spa thì cần có thời gian, mà nhiều người lại quá bận không có thời gian để ngâm mình trong bồn hay ngồi sauna.

Ngoài ra, việc lau dọn phòng trước và sau khi sử dụng cũng là nỗi e ngại của rất nhiều chủ nhân. Tốn điện, tốn nước cũng là một yếu tố không thể bỏ qua... Tâm lý chung thường cái mình đã có lại dễ chán, không thiết tha nữa. Khi đó người ta lại thích đi ra ngoài để sử dụng dịch vụ hơn, bởi ở đó có nhiều cái mới lạ, và hơn nữa là cảm giác mình được làm thượng đế.

Kiến trúc sư Nguyễn Trần Đức Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022