Tôi hiện sống cùng vợ, bố mẹ và hai con trong một ngôi nhà 3 tầng ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Khu đất vuông vắn, có lối đi nhỏ bao quanh. Tổng diện tích nhà ở lên tới hơn 200 m2.

Nhà xây vào năm 2016 nhưng khách tới chơi vẫn khuyên vợ chồng tôi có điều kiện kinh tế thì nên đổi sang nơi ở mới cho rộng rãi, đồng bộ hơn. Những lúc nghe góp ý như vậy, tôi chỉ biết cười trừ. Nhà tôi có diện tích rộng nhưng đồ đạc rất nhiều, lại không thống nhất phong cách nên luôn có cảm giác chật chội và trông như xây từ rất lâu.

photo-0-15197858120812061906061.jpg
Các gia đình nhiều thế hệ hay tranh cãi về việc lưu giữ lại đồ dùng từ nhà cũ. Ảnh minh họa: Uhp.

Thực tế khi xây nhà, vợ chồng tôi quyết định sắm mới toàn bộ nội thất mang phong cách hiện đại, đơn giản. Chúng tôi mặc định sẽ bỏ lại bàn ghế, giường tủ ở ngôi nhà cũ ở quận Thanh Xuân. Tới ngày chuyển nhà, tôi báo với bố mẹ chỉ cần thu xếp quần áo là được. Nhưng hai ông bà khăng khăng đòi giữ lại đủ thứ giường, tủ quần áo, kệ để đồ và cả bộ sofa gỗ, sập ngồi khá lớn ở nhà cũ.

Chúng tôi nói, nhà mới đã có nội thất đầy đủ, kê vừa kín, không có nhà kho. Bố mẹ tôi dằn dỗi, các con không biết tiết kiệm tiền, quý trọng các kỷ niệm của gia đình. Quả thật nhiều món đồ nhà tôi vẫn còn tốt nhưng không hợp với thiết kế của nhà mới và khá cồng kềnh, chiếm diện tích.

Vì bố mẹ đã già, sức khỏe yếu nên vợ chồng tôi đành chịu nghe theo lời ông bà. Tôi phải gọi điện cho bên cung cấp đồ gỗ, năn nỉ họ lấy lại đồ hoặc nhờ ký gửi ở xưởng để bán cho khách. Hàng đặt mua thì đắt nhưng bán thì lại mất giá rất nhiều dù chúng tôi chưa dùng. Chúng tôi bị thiệt hại cả trăm triệu đồng sau vụ thay đổi nội thất bất ngờ này. Không chỉ vậy, tới giờ, chúng tôi vẫn chưa thu lại được tiền ở một số nơi.

Hôm chuyển nhà, thay vì chỉ cần thuê một chuyến xe ôtô nhỏ để chở các vật dụng thiết yếu, chúng tôi buộc phải thuê tới 3 lượt xe để chở gần như toàn bộ nội thất gỗ ở nhà cũ về nơi ở mới. Việc tháo dỡ giường, tủ, công thuê chuyển từ các tầng của nhà cũ ra xe cũng tiêu tốn khá nhiều tiền.

photo-1-15197858120831619987235.jpg
Nếu biết tận dụng hợp lý, đồ nội thất cũ sẽ đem lại cảm giác thân quen cho nơi ở mới. Ảnh: Hoàng Dũng.

Suốt 40 năm sống ở Hà Nội là 40 năm bố mẹ tôi tích trữ mọi thứ. Gia đình tôi chỉ mua thêm, chứ hầu như không bao giờ vứt bất cứ thứ gì. Những năm tháng sống thiếu thốn thời bao cấp khiến bố mẹ tôi luôn tiếc nuối khi ai đó vứt đi những món đồ có vẻ còn dùng được. Bố tôi bảo: "Cái gì tận dụng được thì cần giữ lại. Giường hỏng thì cưa ra làm thành ghế gỗ".

Khi dỡ đồ ra, bố mẹ không đồng ý cho bỏ một số thứ không thể lắp lại vì gỗ đã ọp ẹp hoặc các chỗ bắt ốc vít bị bở. Chúng tôi đành phải để tạm trên sân thượng hoặc phía sau nhà khá bày bừa. Những chiếc tủ, kệ hoặc đồ dùng nhỏ để rải rác khắp 3 tầng nhà.

Bởi thế, dù ngôi nhà tôi mới xây chưa đầy 2 năm nhưng cảm tưởng như đã làm từ rất lâu. Nhiều khi khách tới chơi, tôi cũng thấy ái ngại khi dẫn đi xem các phòng. Không gian sinh hoạt chung bề bộn, phòng của ông bà toàn đồ cũ nhưng phòng ngủ của con cháu lại toàn đồ mới, hiện đại. Tôi cảm thấy xấu hổ khi nhìn thấy ánh mắt của nhiều người như muốn nói tôi chỉ chăm lo cho chỗ ngủ nghỉ của mình mà không quan tâm tới bố mẹ.

Thỉnh thoảng, tôi lựa lúc bố mẹ vui vẻ để vận động thay đổi nhưng lại gây ra những cuộc cãi vã. Những lúc như vậy, tôi đành phải chịu thua mặc kệ những món đồ mới tinh, hiện đại xen lẫn nhiều đồ cũ kỹ đã hỏng dần theo thời gian.

Từng sửa chữa nhà cho một số gia đình nhiều thế hệ, KTS Nguyễn Hoàng cho biết, anh đã gặp nhiều trường hợp bố mẹ già và con cái mâu thuẫn về việc giữ lại đồ đạc cũ. Hầu hết người cao tuổi ở Việt Nam trải qua thời thời kỳ khó khăn, thiếu thốn dài nên luôn có ý thức tận dụng tối đa.

KTS Hoàng thường khuyên các gia chủ trẻ tuổi nên bàn bạc kỹ với bố mẹ trước khi xây sửa nhà nên giữ hoặc bỏ thứ gì. Anh cũng dành thời gian để trò chuyện nếu gia đình yêu cầu bởi người thứ ba có chuyên môn góp ý thường hiệu quả hơn.

Với các hộ có nhiều đồ đạc cũ, gia chủ vẫn có thể tận dụng lại trong không gian sống mới. Các kiến trúc sư giỏi sẽ đưa ra được các giải pháp hợp lý để biến đồ cũ thành một phần của nơi ở mới. Đồ gỗ dùng nhiều năm làm mới bằng cách sơn, dầu bóng sẽ khiến cho bạn có cảm giác ấm áp, thân quen.

Ngoài ra, các gia đình nên tính tới chuyện làm nhà kho để lưu trữ những món đồ còn tốt để tận dụng sau này. Tuy nhiên, định kỳ hàng năm, gia chủ nên kiểm tra lại nếu thứ gì ít sử dụng cần loại bỏ, tránh để đồ hư hỏng trong nhà.

Theo An Yên

VnExpress

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022