Ngôi nhà diện tích 80 m2 (5 x 16m) là món quà của những người con dành tặng bố mẹ. Yêu cầu của gia chủ là có được một không gian tối giản nhưng vẫn đáp ứng được đầy đủ công năng cần thiết, với chi phí tiết kiệm.
Nhóm kiến trúc sư đã chọn phong cách tối giản đương đại, cùng các giải pháp kiến trúc bền vững như thông gió chiếu sáng tự nhiên, kết hợp sử dụng vật liệu thân thiện và tái chế.
Ngôi nhà với hệ mái dốc gợi hình ảnh nếp nhà truyền thống xưa. Ảnh: SPACE+ Architecture
Để hài hòa với những mái nhà truyền thống của cư dân lân cận, ngôi nhà có hình dáng mái dốc, gợi hình ảnh về những dải núi bên bờ vịnh Cam Ranh. Ưu điểm của mái dốc là góp phần tạo hình kiến trúc, tạo nét đẹp cho ngôi nhà, đồng thời thoát nước mưa nhanh hơn, hạn chế thấm dột. Hình thái mái chóp dốc còn hỗ trợ chống bão.
Vì mặt chính nhà nằm ở hướng Đông Bắc, thường nắng nóng và chói mắt vào buổi sớm nên ngay phía tầng trệt được thiết kế một mái hiên rộng hai mét, tạo thành không gian đệm mà không cản trở tầm nhìn từ phòng khách ra sân trước. Không gian đệm cũng giúp hạn chế tiếng ồn, khói bụi từ giao thông bên ngoài.
Ở tầng hai, một hệ cửa lùa hai lớp lấy cảm hứng từ mành tre truyền thống kết hợp với lớp lam nhôm phía ngoài có tác dụng khuyếch tán ánh sáng, giảm độ chói của ánh nắng chiếu vào nhà.
Mặt sau nhà phía Tây Nam phải chịu bức xạ mặt trời nóng bức. Để khắc phục kiến trúc sư đã tạo ra các mảng tường đặc. Phía sau nhà lại có một khu vườn lớn với những cây cổ thụ xanh mát nên cũng giảm thiểu nắng nóng. Hệ cửa sổ phía sau nhà cũng được tích hợp hai lớp gồm kính và hệ lam để ngăn nắng Tây khi cần thiết.
Sơ đồ thông gió và chiếu sáng tự nhiên của ngôi nhà. Ảnh: SPACE+ Architecture
Trong nhà, thiết kế liên thông khiến phòng khách và bếp như tràn vào với nhau khiến không gian thêm thông thoáng, dù chiều rộng nhà chỉ 5m. Bàn ghế sofa, kệ tivi đồng bộ với bàn ghế ăn, tủ bếp... từ phong cách, chất liệu, kiểu dáng cho đến màu sắc nhằm tạo sự hài hòa, thống nhất.
Trong những ngôi nhà Việt, bếp thường được đặt phía sau hoặc bên hông nhà nhằm tránh mùi thức ăn, Tuy nhiên tại công trình này, khu vực bếp được bố trí ngay giữa nhà, dưới giếng trời. Theo lý giải của kiến trúc sư và phản hồi của gia chủ, bếp đặt dưới giếng trời giữa nhà giúp gia đình quây quần bên nhau, nhìn thấy và trao đổi với nhau từ mọi hướng. Dù đang ở tầng trệt hay trên lầu đều có thể cảm nhận được không khí ấm cúng của gia đình bên gian bếp hay mâm cơm.
Giếng trời hình tròn giống như một mặt trời tí hon, thiết kế ngay phía trên khu vực bếp ăn, chiếu sáng toàn bộ trung tâm nhà. Từ giếng trời, gia chủ có thể cảm nhận sự thay đổi của thời gian dựa vào bóng nắng phản chiếu. Về công năng, giếng trời cũng là nơi giúp cho bếp ăn được thông thoáng nhờ hiệu ứng ống khói. Khói bếp và mùi thức ăn tỏa sẽ được hút lên phía trên và thoát ra bên ngoài.
Giếng trời vừa đưa ánh sáng và gió tự nhiên vào nhà mà nó còn trở thành điểm nhấn của căn nhà. Ảnh: SPACE+ Architecture
Khoảng thông tầng kết hợp giếng trời từ tầng một tới mái tạo ra không gian đối lưu, giúp điều hòa không khí. Không gian này còn mang nhiệm vụ kết nối, khi các thành viên trong gia đình dễ dàng tương tác với nhau theo cả phương ngang (phòng này với phòng kia) và phương dọc (tầng này với tầng kia).
Các phòng công năng tiếp xúc với giếng trời bằng cửa chính, cửa sổ... được thiết kế với tiêu chí đơn giản, ít đồ đạc và chi tiết. Cách thiết kế này giúp gió lưu thông từ trước hoặc sau các phòng ra giếng trời rồi được hút lên trên. Việc tận dụng khéo léo quy luật thông gió tự nhiên đã giữ cho không khí trong nhà luôn trong lành, thông thoáng.
Theo kiến trúc sư phụ trách Trần Công Danh, để đảm bảo chi phi đầu tư như ban đầu đề ra, các giải pháp kiến trúc bền vững được áp dụng để tiết kiệm năng lượng. Phần lớn các vật dụng như giường, tủ, bàn ghế... được tái sử dụng từ ngôi nhà cũ mang nhiều kỷ niệm và giá trị về tinh thần, mang đến sự thân thuộc và gần gũi bên trong một ngôi nhà hoàn toàn mới.
Ngôi nhà hoàn thành tháng 11/2022 với tổng chi phí gần 1,5 tỷ đồng.
Trang VyThiết kế: SPACE+ Architecture Kiến trúc sư chủ trì: Trần Công Danh