Chị Nguyễn Ngọc Trà My là một người yêu thích cây cối và làm vườn. Dù sống ở đâu chị cũng rất thích thú với việc trồng trọt, khi thì trồng rau xanh tốt, lúc lại trồng hoa, trồng cây ăn trái, cây cảnh... Chị Trà My có quan điểm, nhà dù to dù nhỏ cũng nên có cây xanh, ngoài tác dụng lọc không khí, cây xanh có tác động tích cực đến tâm lý, suy nghĩ, giảm stress, căng thẳng cho mỗi người.
15 loại cây cảnh không chỉ tốt trong phong thủy mà còn có tác dụng lọc sạch không khí, nhà nào cũng nên có 1 cây
Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra trồng cây giúp giảm các chứng rối loạn tinh thần, lo âu, mệt mỏi, tăng khả năng suy luận, khả năng nhận thức và đặc biệt là có thể cải thiện các mối quan hệ của chúng ta. Hơn nữa, màu xanh của cây cối còn giúp ngôi nhà thêm đẹp, làm dịu mát và đỡ mỏi mắt, giúp mỗi người thêm yêu hơn ngôi nhà của mình.
Cây xanh có tác dụng hút bụi, hấp thụ các chất độc hại ở thể hơi, hấp thụ các bức xạ thiết bị điện tử phát ra từ tivi, máy tính, điện thoại, thiết bị phát wifi...
Cây xanh có khả năng lọc được các chất độc hại khác như khói, bụi, vi khuẩn, nấm mốc và rất nhiều các loại hóa chất như formaldehyde (chất này thường có trong ghế sofa, đệm, thảm trải sàn, đồ nhựa), trichloroethylene (có trong các chất tẩy rửa, lau sàn), benzen (có trong xà phòng, sơn nhà)...
Đặc biệt, một số cây cảnh có cơ chế sinh học ngược còn hấp thụ cacbonic và cung cấp oxy cả ngày lẫn đêm cho con người, cải thiện giấc ngủ cho chúng ta.
Căn nhà chung cư của gia đình chị Nguyễn Ngọc Trà My luôn xanh mát bóng cây.
Chị Trà My vốn yêu thiên nhiên nên nhà của chị luôn xanh mát với các chậu cây.
Bất kỳ góc nhỏ nào cũng có thể bắt gặp những chậu cây xanh.
Cây xanh trong nhà
Theo kinh nghiệm nhiều năm trồng và chăm cây của chị Trà My, cây xanh trong nhà nên chọn các loại cây có sức sinh trưởng và phát triển tốt ở môi trường thiếu điều kiện ánh sáng tự nhiên như bên ngoài.
Chị Trà My thường đến tận vườn cây để chọn trực tiếp, nghe tư vấn của chủ vườn. Chị thường chọn cây có lá dày, to, mọng, cây có gốc to, già, sinh trưởng khỏe, nên chọn cây có tuổi thọ cao, ít sâu bệnh gây hại và ít tốn công chăm sóc...
Ngoài ra, chị cũng khuyên nên trồng thêm các loại cây thủy sinh bởi loại cây này khá dễ sống, chỉ cần thay nước đều đặn hàng tuần là cây sẽ sống mãi. Cây thủy sinh sống trong nhà thường sẽ sinh trưởng chậm hơn ngoài trời. Chị cũng thường thử nghiệm trồng cây thủy sinh từ củ khoai lang, khoai tây, cà rốt, hành tây... để tạo vẻ đẹp bắt mắt cho ngôi nhà của mình.
Chậu cây được decor khéo léo ở một góc nhỏ.
Chị My trồng xen kẽ nhiều tầng cây.
Bàng Sing làm duyên cho ngôi nhà.
Chị thường đặt cây lưỡi hổ ở phòng ngủ.
Chị Trà My gợi ý một số loại cây thích hợp sống trong nhà và ít tốn công chăm sóc như: cây tùng bồng lai, bàng cảnh, hạnh phúc, ngũ gia bì, thiết mộc lan, ngọc bích, cọ cảnh, thường xuân, lưỡi hổ, lan ý, vạn niên thanh, trầu bà, đuôi xông, cung điện vàng, dứa cảnh nến, cỏ lan chi, mã hoàng tử, tùng la hán, đa búp đỏ, tường sinh, trầu bà cẩm thạch, dương xỉ, lan quân tử.... Chị khuyên nên tránh trồng cây chuối cảnh vì cây này trẻ em ăn phải sẽ dễ bị ngộ độc.
Riêng phòng ngủ chị trồng cây lưỡi hổ vì cây này có thể thải oxi vào ban đêm, tuy nhiên cây này cũng khá độc nên cần lưu ý dặn các bé tránh xa, không sờ tay vào.
Cách chăm sóc cây trong nhà
Mặc dù là cây ưa bóng mát, quen sống trong nhà, tuy nhiên chúng cũng cần quang hợp để phát triển nên cần đặt cây cạnh cửa ban công, cửa sổ để ánh sáng có thể chiếu vào được tới cây. Khoảng 3 - 6 tháng chị Trà My cho cây ra ngoài (ban công) hít thở khí trời vài ngày. Tuy nhiên đặc biệt tránh không nên di chuyển cây trong nhà nhiều, vì cây cần có thời gian để thích nghi với điều kiện, ánh sáng, môi trường xung quanh.
Những chậu cây điểm tô sinh động cho không gian mà chúng hiện diện.
Khoai lang trồng thủy canh.
Tưới nước cho cây
Đã là cây thì luôn cần nước, tùy mỗi loại cây cần nhiều hay ít nước mà bạn căn thời gian tưới hợp lý. Nên cưới cây vào sáng sớm và chiều tối, không tưới cây vào buổi trưa, nhất là cây đứng ngoài ban công hoặc các vị trí có ánh nắng chiếu vào, tưới vào buổi trưa đang nóng cây dễ bị chết.
Chị Trà My khuyên mọi người nên tìm hiểu thêm về đặc tính cây trồng để hiểu cây đó thích ẩm ướt hay có thể chịu hạn. Thông thường cây ưa ẩm cần lượng nước nhiều hơn, các cây mọng nước thì phải tưới nước cách nhau và giữ đất khô thoáng. Nên quan sát đất trong chậu, thấy đất khô thì tưới nước, quan sát cả đáy chậu, nếu đĩa lót cây ngập nước cần thấm khô đi và chờ 5 - 7 ngày sau hãy tưới lại để tránh cây chết do ngập úng. Nên tưới cây bằng nước sạch, có nhiệt độ thường.
Ngoài ra, chị cũng thường để ý kỹ lá cây, nếu lá chuyển vàng hoặc nâu, cây gầy đi, bị khô nghĩa là cây thiếu nước. Nếu lá cây nhũn, ủng và rụng cuống, hư thối nghĩa là cây đang bị thừa nước.
Cây được tưới nước đủ ẩm.
Chọn chậu cây
Cây đẹp nhưng chậu cây cũng quan trọng lắm, chị Trà My khuyên nên chọn 3 loại chậu là chậu gỗ, chậu gốm sứ, chậu đất nung có lỗ thoát nước bên dưới, lót bằng đĩa để cây dễ dàng thoát nước, không nên chọn chậu nhựa và tránh các thể loại xốp.
Vệ sinh cho cây: Để các chậu cây trồng được đẹp, cây được xanh tươi và phát triển tốt hơn, ngoài việc chăm sóc, chị Trà My thường xuyên lau bụi trên lá. Nên cắt tỉa cành cây, lá cây để cây bớt rậm rạp, loại bỏ các lá già giúp cây dễ dàng phát triển. Đồng thời, chị thường xuyên dùng bình xịt để xịt mát cho lá cây, giúp cây sạch thoáng và tăng thêm độ ẩm.
Chậu cây làm duyên cho từng góc nhỏ.
Bón cho cây
Cây trồng trong chậu một thời gian sẽ hết dinh dưỡng, do đó chị Trà My bón cho cây bằng một số loại phân không mùi như B1 pha loãng, phốt pho, kali, ni tơ.
Do yếu tố trồng trong nhà, chị đưa ra lời khuyên không nên xới đất lên bón phân mà nên hòa loãng phân với nước để tưới cho cây, hoặc đơn giản hơn thì rắc phân trên bề mặt để phân tan chậm xuống đất, từ từ ngấm vào đất sau mỗi lần tưới nước.
Ngoài trong nhà ra thì ban công bạn cũng điểm tô thêm các cây trồng cho xanh mát ngôi nhà, cách chăm cũng giống như chăm cây trong nhà nhưng dễ dàng hơn và có đa dạng loại cây, hoa, rau cỏ để trồng hơn do ban công có nhiều ánh nắng và gió tự nhiên.
Ngoài trồng cây trong nhà, chị My còn trồng cây ở ban công.
Một góc xanh tươi.
Vẻ đẹp của thiên nhiên khi kéo rộng rèm phòng khách.
Nhờ những kinh nghiệm hữu ích được đúc rút qua quá trình trồng và chăm sóc cây, căn hộ của chị Nguyễn Ngọc Trà My luôn xanh tươi, đẹp mắt, mang đến tinh thần thư thái, vui vẻ cho các thành viên trong gia đình.
Nguồn ảnh: NVCC