Ngôi nhà nằm trong một ngôi làng ven sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm là của anh Nguyễn Duy Thanh, giảng viên khoa Kiến trúc (Đại học Xây Dựng Hà Nội).
Anh giải thích, do nhiều năm làm việc với bà con dân tộc thiểu số, yêu tinh thần, màu sắc truyền thống của vùng cao nên khi làm nhà, anh quyết định sử dụng nhiều chất liệu như trần trúc, mành tre, vải thổ cẩm dân tộc Mường, Thái, Dao.
Cùng với đó, anh cũng muốn đưa những vật liệu vốn thân thuộc tại nơi sinh ra như bê tông mài, gạch gốm, gạch hoa thông gió của làng gốm Bát Tràng vào công trình. Mong muốn thứ ba của anh là ngôi nhà phải tạo được không gian sống, học tập đa dạng và gần gũi thiên nhiên cho các con.
Từ bài toán trên, năm 2020 anh cùng đội ngũ kỹ sư bắt tay vào nghiên cứu thiết kế, xây dựng.
Mặt ngoài ngôi nhà. Ảnh: Duy Thanh
Công trình gồm ba tầng và một sân thượng. Tầng một (trệt) là không gian sinh hoạt chung gồm phòng khách, bếp ăn liên thông. Một sân thoáng mở ở phía trước là không gian đệm tránh khói bụi, tiếng ồn từ đường giao thông. Vệt cửa sổ ngang cao hơn 2 m nhằm cung cấp ánh sáng và thông gió, vẫn đảm bảo tính riêng tư.
Toàn bộ không gian sinh hoạt ở tầng một được kết nối bởi trần trúc đã được xử lý sấy nhiệt chống mối mọt. Trần trúc cũng là mảng màng trung hòa kết nối các chức năng trong nội thất
Tầng hai và ba là không gian phòng ngủ, phòng làm việc, phòng thờ. Nằm chính giữa ở tầng ba, hướng ra ban công lớn phía nam nên gian thờ có hệ thống mành tre kéo hạ đơn giản để đảm bảo sự riêng tư, trang nghiêm cùng giải pháp mở cửa hút khói hương.
Với mong muốn con trẻ lạm dụng thiết bị công nghệ như điện thoại, iPad, anh Thanh đã đưa 10 tấn sỏi trải lên tầng thượng, biến nơi đây vừa làm sân chơi cho con, vừa kết hợp là vườn trồng cây của cả gia đình.
"Tôi muốn các con có thể vui chơi ở sân được trải sỏi cuội tự nhiên, sáng tạo trò chơi với sỏi, không nhàm chán. Bên cạnh đó, việc đi chân trần trên sỏi cũng giúp massage chân, tăng tương tác của trẻ nhỏ với tự nhiên", kiến trúc sư Nguyễn Duy Thanh nói. Lớp sỏi cuội dày 15-20 cm cũng là một giải pháp chống nóng rất hiệu quả và là lớp bảo vệ trần bê tông tránh co ngót, nứt, thấm nước.
Anh cũng cho biết, trước khi quyết định đưa 10 tấn sỏi lên sân thượng, đã cùng đội ngũ kỹ sư đã tính toán kỹ các phương án kết cấu sàn để đỡ được lượng sỏi lớn, phương án thoát nước khi mưa nhưng đảm bảo kết cấu chung của toàn bộ công trình không bị ảnh hưởng.
Sân thượng được rải một lớp sỏi dày 15-20 cm trở thành sân chơi của con trẻ. Ảnh: Duy Thanh
Ngoài các thiết kế trên, ngôi nhà còn chú trọng ứng dụng các giải pháp để trong nhà luôn thoáng mát, tiết kiệm điện năng bằng việc mở hai khoảng giếng trời giúp không gian bên trong được thông gió và chiếu sáng tự nhiên.
Toàn bộ các phòng và các khu vệ sinh trong không gian đều mở với ít nhất hai hướng cửa đón gió và thoát gió.
Gia chủ tiết lộ, sau hai năm sử dụng anh nhận thấy sử dụng các vật liệu như lớp sỏi cùng tường bao bằng gạch bê tông nhẹ tạo hiệu quả cách nhiệt rất tốt. Việc trồng cây thành mảng lớn, tán rộng đặt đều trên mái cũng góp phần làm giảm nhiệt lượng truyền vào nhà.
Công trình được hoàn thiện năm 2021 với tổng chi phí xây dựng khoảng 2,8 tỉ đồng.
Như Loan