Đặc trưng rõ nét của các thành thời Nguyễn, đặc biệt là thành ngoài (phòng thành), là kiểu kiến trúc phòng thủ Vauban. Ở Việt Nam, thành đầu tiên được xây dựng theo kiểu Vauban là thành Sài Gòn (xây năm 1790 bởi Nguyễn Ánh – Vua Gia Long). Sau khi thống nhất đất nước, các đời vua nhà Nguyễn đều cho xây dựng các thành, đồn theo kiểu kiến trúc Vauban. Tuy nhiên, những tòa thành thời Nguyễn đều có sự pha trộn đặc điểm kiến trúc truyền thống phương Đông như vọng lâu, gác canh được xây bằng vật liệu nhẹ như gỗ, lợp mái ngói âm dương, và cột kèo có chạm trổ hoa văn.

thanhluy.jpg

Một điểm lưu ý khác là các tòa thành thời Nguyễn có quy mô khác nhau để phân biệt Đô thành và Tỉnh thành, dựa trên hệ thống luật xây dựng do Bộ Công và các cơ quan chuyên trách thời Nguyễn thiết lập. Đây chính là cơ sở để đảm bảo kinh đô và các tỉnh thành có sự quy hoạch mang tính bền vững cố kết. Như vậy, dựa vào hệ thống luật và bộ máy quản lý hành chính mà các tòa thành thời Nguyễn có thể chia làm những loại sau: Đô thành (Kinh thành Huế), Trấn thành – Tỉnh thành (thành ở các tỉnh), Phủ thành – Huyện thành và đồn – pháo đài.

Kinh thành Huế

Kinh thành Huế được bắt đầu xây dựng vào năm 1805, cơ bản hoàn thành vào năm 1832 – đời vua Minh Mạng. Kinh thành Huế gồm 3 vòng thành (Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành). Vòng thành ngoài được xây theo kiểu Vauban, là phần kiến trúc quân sự quan trọng nhất. Phía ngoài Kinh thành là hệ thống hào bao quanh bốn mặt. Cách hào khoảng 200m phía ngoài là hệ thống sông Hộ thành. Đây là con sông đào bao bọc Kinh thành ở ba mặt trái, phải và sau, rồi tất cả đổ ra sông Hương phía trước Kinh thành (hình 1).

thanhluy2.jpgHình 1: Kinh thành Huế khoảng năm 2006 (Ảnh: Kei Mizuno, Đại học Kyoto)

Hoàng thành là nơi tập trung các cơ quan đầu não của triều Nguyễn, có dạng hình chữ nhật với kích thước 606x622m3 , tường cao 4m. Hoàng thành có bốn cửa ra vào, có hồ Kim Thủy bao quanh. Tử cấm thành nằm bên trong Hoàng thành, phía sau điện Thái Hòa. Đây là nơi dành cho vua và gia đình. Tử cấm thành có kích thước 324x290m, tường cao 3,72m. Hai vòng thành này về cơ bản không ảnh hưởng kiến trúc Vauban mà vẫn giữ nguyên cách xây dựng và bố trí kiến trúc phương Đông. Bên trong Hoàng thành là những cung điện, cơ quan làm việc, và các công trình khác dành cho vua và các cung phi, hoàng hậu, hoàng tử,… như điện Thái Hòa, cung Diên Thọ, phủ Nội vụ, Duyệt Thị đường, điện Cần Chánh và điện Càn Thành.

Kích thước Kinh thành được quy định cụ thể theo định chế của triều Nguyễn [11: 13]. Ví dụ, Kinh thành có chu vi 2487 trượng 3 thước, cao 1 trượng 5 thước. Thành có 10 cửa, tất cả đều xây bằng gạch, cao hai tầng. Trước cửa Ngọ môn là Kỳ đài ba tầng, cao 4 trượng 4 thước. Các pháo đài được đặt vòng quanh bốn mặt thành. Mỗi mặt Đông, Tây, Nam và Bắc đều có năm pháo đài, ngoài ra có bốn pháo đài đặt ở bốn góc thành. Ở góc Đông Bắc có đắp thêm một tầng thành nữa gọi là đài Trấn Bình. Chu vi vòng thành khoảng hơn 10.000m. Tường thành xây cao khoảng 6,46m, dày trung bình khoảng 21m [13: 175]. Về vật liệu, Kinh thành Huế ban đầu được đắp bằng đất, về sau các mặt tường được xây bó bằng gạch vồ.

Tỉnh thành thời Nguyễn

Dưới thời Nguyễn, kiểu cấu trúc Vauban được xây dựng cho các thành tỉnh như Hà Nội, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hưng Yên, Hưng Hóa, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Vinh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Biên Hòa, Vĩnh Long, và Phú Yên. Kích thước các thành tỉnh đều phải tuân theo quy định của triều Nguyễn [11: 14]. Ví dụ, tất cả các tỉnh thành, tùy theo địa thế rộng hẹp mà chu vi có thể 200, 300 trượng, hoặc có thể lên đến 1000 trượng. Tuy nhiên, chiều cao thành không được quá một trượng. Có hào bao bọc xung quanh, chiều rộng hào chỉ từ bốn đến năm trượng. Thành có thể được đắp bằng gạch hoặc đá, nền lát đá Thanh. Thành có bốn cửa: Trước, sau, tả và hữu.

Năm 1831, Vua Minh Mạng cho bỏ các tổng trấn và chia cả nước thành 29 tỉnh. Mỗi tỉnh đều xây một tòa thành làm nơi đóng quân và lỵ sở hành chính gọi là tỉnh thành. Các tỉnh thành này có thể có hình dạng khác nhau nhưng đều dựa trên kiểu Vauban, ban đầu đắp tường đất, sau ốp gạch, đá hoặc đá ong tùy vào điều kiện địa phương. Quy mô các thành đều tuân theo những quy định như đã nói trên với chu vi từ 300-400 trượng. Riêng thành Nam Định là thành có chu vi lớn nhất: 830 trượng 7 thước 3 tấc. Còn thành Hà Tiên thì nhỏ nhất với chu vi 93 trượng 2 thước [11: 143].

Thành Hà Nội được vua Gia Long cho xây đắp theo kiểu Vauban vào năm 1803. Năm 1805 thì xây năm cổng thành. Từ năm 1820, xây hành cung và các công trình bên trong. Thành này lúc đầu là trấn thành, có chiều cao 1 trượng 1 thước 2 tấc. Sau đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), Hà Nội trở thành tỉnh thành nên năm Minh Mạng thứ 16, vua cho giảm bớt đi 1 thước 8 tấc cho đúng quy định. Hình 2 cho thấy thành Hà Nội có dạng hình vuông, mỗi cạnh có hai phần lồi dùng bố trí pháo đài. Ngoài ra bốn góc có bốn pháo đài góc. Thành có năm cửa, mỗi mặt Đông, Tây và Bắc có một cửa nằm chính giữa. Riêng mặt Nam, mặt chính của tòa thành, có hai cửa. So với các thành cùng thời thì việc có hai cửa ở mặt chính là khá đặc biệt và có tác dụng che chắn các công trình bên trong trở nên kín đáo hơn. Sau này, thực dân Pháp đã cho san bằng thành Hà Nội và hiện chỉ còn lại kỳ đài và cửa Bắc. Về vật liệu thì triều Nguyễn đã cho sử dụng lại gạch vồ thời trước để xây thành.

thanhluy3.jpgHình 2: Thành Hà Nội thời Nguyễn (Nguồn: [4: 138])

Quảng Trị thời Nguyễn được dùng làm Dinh (tỉnh) trực thuộc Kinh sư vào năm 1808 và cho đắp thành lũy. Thành được đắp bằng đất tại địa phận xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng. Đến năm 1837 thì thành được xây bằng gạch4 . Vị trí thành nằm trên vùng đất cao, ngay vị trí thành đắp bằng đất cũ nhưng được “nhân cũ sửa lại” [16: 425]. Năm Tự Đức thứ 6 (1853) thì tỉnh Quảng Trị bị bỏ để làm đạo thành, nhưng sau đó lại quay lại tỉnh thành vào năm 1876.

Tổng thể thành Quảng Trị có dạng hình vuông, gồm hai vòng thành và mang kiến trúc kiểu Vauban. Bốn góc thành nhô ra dùng làm bốn pháo đài có hào thành bao quanh. Thành có bốn cửa (cổng) ra vào. Mỗi cửa thành đều có chiếc cầu bắc qua hào thành. Chu vi thành khoảng 2046,8m, tường thành cao 4,25m [16: 137]5 . Cửa thành bằng gạch, gồm hai tầng: tầng 1 là phần nền có lối ra vào dạng vòm cuốn và tầng 2 là vọng lâu lợp ngói âm dương.

Nội thành gồm có các công trình kiến trúc cho bộ máy hành chính tỉnh Quảng Trị theo chế định của triều Nguyễn. Công trình quan trọng nhất là hành cung (nơi vua nghỉ ngơi mỗi lần ngự giá) có quy mô gồm một tòa 3 gian – 2 chái, sau có dựng thêm hai tòa nhà 5 gian – 2 chái ở hai bên. Trước hành cung là kỳ đài và phía sau là khu vực công đường. Khu vực công đường này gồm có dinh tuần phủ, dinh án sát, dinh bố chánh, dinh lãnh binh, nhà kiểm học, trại quân, nhà bếp, nhà kho, khám đường và nhà ngục. Kiểu mẫu, cách thức xây dựng những công trình này được quy định theo chế định của vua Minh Mạng vào năm 1832 [16: 321-322]. Đến năm 1834 thì một số công trình được nâng cấp mở rộng thêm theo chỉ dụ của vua Minh Mạng.

Sau năm 1885, người Pháp đã xây dựng một số công trình bên trong thành Quảng Trị. Bản đồ thành Quảng Trị do Nguyễn Thứ vẽ năm 1889 cho thấy ngoài những công trình cũ được xây dựng thời Nguyễn thì đã có nhiều công trình xây mới như nhà lao, bốt gác, kho lương thực, bưu điện và đồn cảnh sát (hình 3).

thanhluy4.jpgHình 3: Thành Quảng Trị năm 1899 (Nguồn: BAVH, tập XVI, NXB Thuận Hóa 2003, tr. 60)

Phủ thành và huyện thành thời Nguyễn

Thời Nguyễn, dưới tỉnh có phủ, huyện và châu. Ở phủ, huyện, châu có thể xây dựng một công trình phòng vệ là một tòa thành nhỏ. Tòa thành này có thể kiên cố hoặc cũng có thể chỉ là hàng rào tre có hào bọc xung quanh. Nhìn chung các thành phủ và thành huyện phần lớn đắp đất (chỉ có bốn huyện Lục Ngạn, Kim Hoa, Việt Yên, và Gia Bình xây gạch, huyện Hiệp Hòa thì xây đá ong) và được xây theo quy định của Bộ Công: Thành phủ ngoài cao 9 thước, trong cao 6 thước, giữa lấp đất. Mặt dày 7 thước 7 tấc, chân dày 7 thước 9 tấc. Thành huyện cao 8 thước 5 tấc, trong cao 5 thước 5 tấc, giữa lấp đất. Mặt dày 6 thước 3 tấc 5 phân, chân rộng 6 thước 5 tấc [16: 101].

Về sau, vua định lại quy thức thành xây gạch ở các phủ huyện, rồi hạ lệnh cho giám thành cứ theo kiểu mẫu, số trượng, số thước, vẽ thành bản đồ do Bộ Công ấn triện vào và đưa cho các địa phương. Từ sau trở đi, hễ thành nào xây thì theo quy thức mới trên mà làm [16: 198]. Hình dáng các thành này phổ biến có dạng hình vuông và hình lục giác (thành Bắc Ninh).

Đồn và pháo đài

Đồn và pháo đài thời Nguyễn thường được xây bằng gạch, đá với quy mô khá nhỏ vì là nơi đặt pháo súng để trấn thủ. Đồn và pháo đài thường có dạng hình tròn, bán nguyệt hoặc hình vuông. Ví dụ pháo đài Trấn Hải được xây tại cửa biển Thuận An vào năm 1813. Pháo đài này có dạng hình tròn và chu vi thành bao quanh là 71 trượng 2 thước, tường cao 15 thước.

Đặc trưng kiến trúc các công trình bên trong thành

Xét một cách tổng quan thì hầu hết các công trình trọng yếu bên trong thành quách dưới thời Nguyễn như hành cung, dinh, thường có kết cấu bằng gỗ (trừ kỳ đài và cột cờ). Các công trình này đều được xây dựng dựa trên các định chế do triều Nguyễn ban hành. Ví dụ: Nhà phan vọng (nơi các quan văn võ chầu mừng) ở các tỉnh thành thường là nhà 3 gian 2 chái, hành cung có thể 5 gian 2 chái hoặc 3 gian 2 chái. Ở thành Quảng Trị, nhà hành cung có quy mô 3 gian 2 chái, bốn mái xung quanh, bề ngang 3 trượng 6 tấc, dài 5 trượng 5 thước 1 tấc [16: 321]. Thời vua Minh Mạng thứ 7 thì cho xây hai nhà tả hữu phía trước hành cung mỗi tòa 5 gian 2 chái. Dựng thêm một tòa nhà trước ở trước hành cung 7 gian 2 chái và 2 tòa nhà tả hữu 5 gian 2 chái và cả sở trại quân, để phòng vua đi tuần chơi đóng lại để nghỉ chân [11: 54]. Phía sau hành cung là cơ quan công đường, nơi ở và làm việc của các quan lại thuộc bộ máy hành chính của tỉnh như dinh Tuần phủ, dinh Án sát, dinh Bố chánh, dinh Lãnh binh, … Các công trình này đều có hệ kết cấu kiểu nhà rường, khung gỗ lim hoặc kiền, mái ngói liệt, xung quanh thường xây tường hoặc ván gỗ. Nền bằng gạch vồ hoặc gạch Bát Tràng. Quy mô các công trình này được quy định theo luật thời vua Minh Mạng năm 1832 [16: 321-322].

Hệ kết cấu gỗ các công trình bên trong tỉnh thành giai đoạn này (vua Gia Long và vua Minh Mạng) thường có những dạng sau (xem thêm ở [10, Phụ lục III]):

  • Trùng thiềm điệp ốc (hay Trùng diêm trùng thiềm): dạng này có hai mái (trước và sau) thường sử dụng với chức năng của cung điện, miếu điện hay tẩm điện và đóng vai trò là kiến trúc chủ (chính) trong một quần thể tổ hợp các công trình kiến trúc (hình 4). Những công trình được xây theo dạng này có thể kể đến như điện Thái Hòa (kiến trúc chủ của Hoàng thành), điện Minh Thành (kiến trúc chủ của lăng Gia Long), điện Sùng Ân (kiến trúc chủ của lăng Minh Mạng). Kết cấu chủ đạo là hệ khung gỗ gồm hai ngôi điện hợp thành thường gọi là Tiền điện & Chính điện, bộ vì từ 8 đến 10 hàng cột, hệ mái được chia làm hai tầng gồm 12 mái. Mái lợp ngói hoàng lưu ly (đối với công trình dành cho vua) hoặc thanh lưu ly. Trên nóc mái trang trí các mô tip như “Lưỡng long tranh châu”, “Lưỡng long chầu nguyệt”,… Đây là thể loại kiến trúc có thứ bậc cao nhất trong hệ thống kiến trúc cung đình Nguyễn hiện còn.

thanhluy5.jpgHình 4: Thể loại kiến trúc “Trùng thiềm điệp ốc” (Nguồn: [10])    

  • Mái đơn – Thượng thu hạ thách: dạng này có một mái, thường được sử dụng cho những công trình phụ, bổ trợ cho các công trình kiến trúc chủ như Tả/Hữu Vu ở lăng Gia Long, Tả/Hữu phối điện, Đông/Tây phối viện ở lăng Minh Mạng, Thổ Công từ (Thế Miếu) hay điện Long Đức (Thái Miếu)… Mái lợp ngói ống hoặc ngói âm dương. Kết cấu chủ đạo là hệ khung gỗ, bộ vì từ 4 đến 6 hàng cột, hệ mái một tầng hoặc hai tầng, bốn mái hoặc 8 mái tùy theo mức độ quan trọng của công trình (hình 5 & 6). Ngoài ra, những công trình có thứ bậc thấp hơn nữa như Thần Trù (Thế Miếu) cũng được xếp trong thể loại này bởi vì sự đồng nhất của sơ đồ kết cấu hệ khung và mái có hai tầng thu nhỏ về phía trên (Thượng thu hạ thách).

thanhluy6.jpgHình 5: Thể loại “Mái đơn” (Nguồn: [10])

thanhluy7.jpgHình 6: Thể loại “Mái đơn” với hệ mái hai tầng kiểu “Thượng thu hạ thách” (Nguồn: [10])    

  • Lâu các: Đây là những công trình có hai tầng trở lên với hệ kết cấu gỗ có bộ vì từ sáu đến tám hàng cột, tám đến 12 mái tùy theo số tầng là hai hay ba. Trên nóc mái cũng thường có những trang trí “Lưỡng long vờn châu”, “Lưỡng long chầu nhật”,… Các hộc tường có những hoa văn họa tiết như “Tứ linh”, “Long – Phụng”,… Một số công trình thời Nguyễn thuộc dạng này như Minh lâu (lăng Minh Mạng), Hiển Lâm các (Thế Miếu) và Thông Minh đường/Tịnh Minh lâu (cung Diên Thọ) (hình 7).

thanhluy8.jpgHình 7: Thể loại kiến trúc Lâu các (Nguồn: [10])    

  • Môn lâu: Thường sử dụng làm các cổng chính của một khu vực quan trọng trong quần thể kiến trúc lăng tẩm, Kinh thành như Ngọ môn (cổng chính Hoàng thành), tam quan và Hiển Đức môn (cổng chính khu vực tẩm của lăng Gia Long và lăng Minh Mạng). Kết cấu chính là gỗ, bộ vì thường có bốn hàng cột, cao hai tầng với tám mái (trừ Ngọ môn có bộ vì tám hàng cột, hai tầng 48 mái) (hình 8).

thanhluy9.jpgHình 8: Thể loại kiến trúc Môn lâu (Ngọ môn) 

thanhluy10.jpg

Kết luận

Thành thời Nguyễn giai đoạn vua Gia Long và Minh Mạng gồm có Đô thành (Kinh thành), Trấn – Tỉnh thành, Huyện thành, Phủ thành, Đồn và Pháo đài. Nhìn chung, thành thời Nguyễn đắp đất rồi ốp gạch, nền thường lát đá Thanh. Kích thước thành phụ thuộc vào quy mô cơ quan hành chính là Đô, Trấn, Tỉnh, Huyện,… Các thành đều xây theo kiểu kiến trúc Vauban, thường có hình vuông. Một số thành khác có dạng hình lục giác, bán nguyệt hoặc hình tròn. Xung quanh thành có hào, trên có chỗ đặt các pháo đài.

Đối với các công trình bên trong thành, kết cấu các công trình kiến trúc thời Nguyễn giai đoạn này thường là hệ khung gỗ chịu lực, kiểu nhà rường. Hệ kết cấu gỗ này làm bằng gỗ lim hoặc kiền và thường có những dạng sau: Trùng thiềm điệp ốc, Mái đơn-thượng thu hạ thách, Lâu các và Môn lâu. Hệ khung gỗ có thể để mộc hoặc sơn son thếp vàng trang trí. Tường bằng gạch hoặc ván gỗ. Vật liệu xây dựng nền móng thường là gạch vồ hoặc gạch Bát tràng. Mặt ngoài và phần chân tường hoặc thành thường ốp đá thanh (có thể thấy ở Kinh thành Huế. Mái các công trình này thường lợp bằng ngói ống, ngói hoàng lưu ly và thanh lưu ly đối với công trình quan trọng. Đối với công trình có thứ bậc thấp hơn thì lợp bằng ngói âm dương, ngói liệt, hoặc mái tranh. Trên nóc mái thường được trang trí các mô típ đặc trưng thời Nguyễn như “Lưỡng long chầu nguyệt”, “Lưỡng long tranh châu” và “Lưỡng long triều nhật”. Ở các hộc trang trí thì thường có những họa tiết như “Tứ linh”, “Long – phụng” và “Bát bửu”. Những trang trí này được đắp bằng vữa vôi hoặc pháp lam.

Chú thích:

  1. Đại học Khoa học, Đại học Huế. Nội dung bài viết dựa trên kết quả chuyên đề 10 của Nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo nghị định thư 2014-2016 do PGS. TS. Nguyễn Văn Tận chủ trì.
  2. Vauban là tên của một kỹ sư người Pháp (1633-1707). Ông được bổ nhiệm làm thống chế và thành viên Hàn lâm Viện Khoa học Pháp vào năm 1699 nhờ vào tài năng và trình độ của ông trong lĩnh vực kiến trúc quân sự. Dưới thời vua Louis thứ 14, ông đã đảm nhiệm hàng trăm công trình pháo đài và thành lũy nhằm bảo vệ nước Pháp. Ông là người đã tạo ra kiểu xây dựng phòng thủ quân sự mang tên “thành lũy vững chắc” (fortified city) mà ngày nay mọi người người thường gọi là kiểu thành lũy phòng thủ Vanban.
  3. Một số nghiên cứu đề cập kích thước Hoàng thành Huế là 604x622m
  4. Phần lớn các tài liệu trước đây đều cho rằng thời điểm thành được xây gạch là vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837). Tuy nhiên, theo [16: 138] và [2: 62] thì thành Quảng Trị xây bằng gạch vào năm Minh Mạng thứ 8 (1827).
  5. Các tài liệu của triều Nguyễn như Khâm định đại nam hội điển sự lệ, Đại nam nhất thống chí, và Đồng Khánh dư địa chí, hay những nghiên cứu trước đây, khi đề cập về kích thước thành Quảng Trị hiện vẫn không thống nhất.

TS.KTS. Nguyễn Ngọc Tùng, NCS. Võ Ngọc Đức, PGS.TS. Nguyễn Văn Tận

Tài liệu tham khảo:

[1] A. Laborde (1921). Tỉnh Quảng Trị. B.A.V.H, tập VIII. NXB Thuận Hóa 2001, tr. 185-213.[2] Đỗ Bang (1982). Thành cổ Quảng Trị. Tạp chí Khảo cổ học, Số 3, tr. 61-65.[3] Đỗ Bang (2011). Hệ thống phòng thủ miền trung dưới triều Nguyễn. NXB Văn hóa – thông tin.[4] Đỗ Văn Ninh (1983). Thành cổ Việt Nam. NXB Khoa học xã hội, tr. 129-173.[5] L. Cadière và H. Cosserat (1929). Các đồn binh ở Quảng Trị và Quảng Bình vào năm 1885 – 1890. B.A.V.H, tập XVI. NXB Thuận Hóa 2003, tr. 5-32.[6] Lê Thị Thủy. Phòng thủ Quảng Trị dưới triều Nguyễn. Khóa luận tốt nghiệp cử nhân Khoa Xã hội nhân văn – Đại học Phú Xuân Huế.[7] Nguyễn Đình Toàn (2011). Kiến trúc Việt Nam qua các triều đại. NXB Xây Dựng, tr. 141-204.[8] Nguyễn Khắc Ngữ (1981). Mỹ thuật cổ truyền Việt Nam. Tủ sách nghiên cứu sử địa, tr. 287-273.[9] Nguyễn Thừa Hỷ, Đỗ Bang, Nguyễn Văn Đăng (1999). Đô thị Việt Nam dưới thời Nguyễn. NXB Thuận Hóa.[10] Nguyễn Văn Tận, Hoàng Văn Hiển, Đặng Minh Nam, Võ Ngọc Đức, Nguyễn Quang Tuấn, Lê Vĩnh An, Mai Khắc Ứng (2013). Nghiên cứu, xây dựng cứ liệu khoa học phục vụ trùng tu, phục hồi và tôn tạo cụm di tích Văn Thánh, Võ Thánh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Trường Đại học Khoa học Huế: Nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo nghị định thư 2010-2013.[11] Nội các triều Nguyễn. Khâm định Đại nam hội điển sự lệ, tập 13. Viện Sử học. NXB Thuận Hóa 1993.[12] Ô. Jabouille (1921). Một trang viết về lịch sử Quảng Trị tháng 9-1885. B.A.V.H, tập X. NXB Thuận Hóa 2002, tr. 433-477.[13] Phan Thuận An (1999). Kinh thành Huế. NXB Thuận Hóa.[14] Phan Tiến Dũng (2004). Một số quy chế về xây dựng dưới thời Nguyễn (1802-1884). Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 11, tr. 10-18.[15] Quốc sử quán triều Nguyễn (1962), Ðại Nam thực lục chính biên, tập 4, 5. Nxb Sử học, Hà Nội.[16] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Ðại Nam thực lục tập 3. Nxb Giáo Dục, Hà Nội.[17] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập 1. Viện sử học phiên dich và chú giải. NXB Thuận Hóa 2006.[18] Sở văn hóa thông tin – bảo tàng Quảng Trị (2004). Thành cổ Quảng Trị. Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị, tr. 57-69.[19] Nguyen Ngoc Tung, Hirohide Kobayashi and Masami Kobayashi (2011). Effect of Hue Citadel on the Layout of Traditional Garden Houses Located in its Area, Vietnam. Journal of Civil Engineering and Architecture, USA. Vol. 5: 918-927.[20] Viện Khoa học công nghệ xây dựng & Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (2012). Trùng tu tôn tạo các cổng Kinh thành Huế.

(Theo Tạp chí Kiến trúc)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022