"Nhiều căn nhà chỉ có một mặt thoáng phía trước, lại nằm sâu trong ngõ nhỏ nên xe chữa cháy khó tiếp cận khi xảy ra sự cố", kiến trúc sư Nguyễn Trần Đức Anh (Hà Nội) bình luận về khả năng phòng cháy, chữa cháy của mẫu nhà ở đô thị tại Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM.
Cũng theo kiến trúc sư này, nhà ống ở Việt Nam còn có nhiều vấn đề khác về kiến trúc.
Ảnh minh họa: Shutterstock.
Chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất
"Các gia chủ thường chủ quan về nguy cơ xảy ra hỏa hoạn nên không có phương án phòng cháy chữa cháy và thoát hiểm khi thiết kế, xây dựng nhà ở", kiến trúc sư Đức Anh phân tích. Gần 20 năm làm nghề, ông từng bị một số chủ nhà mắng là "nói gở mồm" khi chủ động tư vấn và đưa ra giải pháp thoát hiểm.
Không làm lối thoát hiểm nên khi sự cố xảy ra, chủ nhà chỉ có thể thoát thân bằng cửa ra vào. Vấn đề ở chỗ, trong các ngôi nhà ống, lối ra vào cũng là chỗ để xe cộ, gây khó khăn khi di chuyển. Kiến trúc sư Trần Việt Phú (Hà Nội) nói thêm: "Nhiều gia đình bố trí chỗ để xe cùng tầng với bếp. Trường hợp hỏa hoạn xuất phát từ bếp, lửa rất dễ bén sang xe máy và gây ra hậu quả nghiêm trọng".
Quá tận dụng diện tích
"Sau sự chủ quan là tâm lý muốn tận dụng từng cm đất", kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh (Hà Nội) nhận định. Nhiều gia chủ lấn chiếm, tận dụng hết vỉa hè để nhà được rộng hơn. Ở các tầng trên, họ cũng không nghĩ đến chuyện làm ban công, logia mà xây hết để tăng diện tích phòng ở. Trên thực tế, sự tham lam này chỉ có thể làm diện tích ở tăng lên nhưng chất lượng sống lại giảm xuống. Ngôi nhà trở nên kín, bí bách, không khí không được lưu thông, không có "khoảng đệm" để ngăn chặn những tác động tiêu cực của môi trường... gây tác động xấu đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Nhà quá kín
Các căn nhà ở đô thị, nhà phố thường ít mặt thoáng, thậm chí chỉ có duy nhất một mặt thoáng phía trước. Tuy nhiên, do lo ngại vấn đề an ninh, nhiều gia chủ chọn bít kín các khoảng hở, ban công và cửa sổ rất bé hoặc được quây lồng sắt. Cửa chính của nhiều ngôi nhà còn được "bảo hiểm" bằng ít nhất hai lớp, cửa gỗ và cửa sắt (hoặc cửa cuốn). Đối với các hộ kinh doanh ở mặt đường, mặt tiền thường bị che kín bởi biển quảng cáo quá cỡ.
Đây là một trong những nguyên nhân chính cản trở thoát hiểm hoặc cứu hộ khi cần thiết.
Thiếu thiết bị cứu hộ
"Nhiều nhà mặt phố tận dụng nơi ở làm chỗ kinh doanh nhưng không đáp ứng quy chuẩn phòng cháy chữa cháy của cửa hàng như hệ thống báo cháy, bình chữa cháy", kiến trúc sư Phú phân tích. Các gia đình này cũng hay tích nhiều mặt hàng ở nhà, khiến nơi ở thành một cái kho mà không biết điều này vừa khiến không gian chật chội vừa tạo điều kiện cho sự cố xảy ra.
Hệ thống điện không đảm bảo
Các ngôi nhà cũ (với tuổi đời khoảng 20 năm trở lên) hầu như không có sự tư vấn của kiến trúc sư nên hệ thống điện có thể không thiết kế theo tiêu chuẩn. Trải qua quá trình sử dụng dài, hệ thống bị lão hóa, xuống cấp cũng dễ gây sự cố.
Mặt tiền hẹp, xây tận dụng đất không để ban công, cửa sổ rất bé hoặc được quây lồng sắt... là những yếu tố làm giảm chất lượng sống của người dân ở trong nhà ống đô thị Việt Nam. Ảnh: Shutterstock.
Để cải thiện không gian sống và đảm bảo an toàn cho các thành viên, kiến trúc sư khuyến cáo một số điều sau.
Bố trí thêm lối thoát hiểm trong nhà
Muốn đảm bảo an toàn cho nhà ống, điều quan trọng nhất là có các lối thoát hiểm. "Hãy hiểu đơn giản là phải có chỗ để chạy", kiến trúc sư Quang Minh nói.
Tùy theo đặc điểm của khu vực xây dựng mà mỗi gia chủ và đơn vị thiết kế linh hoạt trong việc tổ chức lối thoát hiểm. Ví dụ, lối thoát hiểm có thể ở ban công, cửa sổ, sân thượng, trên mái, cửa chính hoặc cửa sau. Trường hợp có cấu kiện bằng hoa sắt hoặc lồng sắt, gia chủ nên trổ các cửa có bản lề và khóa để có thể mở từ trong.
Chừa đất cho những khoảng hở
"Dù không bắt buộc, mỗi căn nhà vẫn nên có thông tầng và giếng trời. Trường hợp hỏa hoạn, khói và nhiệt sẽ thoát bớt ra ngoài, hạn chế tích tụ trong nhà gây sốc, choáng cho người ở", kiến trúc sư Lê Bảo Quốc Minh (TP HCM) cho biết. Việc tạo ra những khoảng hở cũng giúp ngôi nhà thông thoáng hơn, ít phải dùng đèn điện, tiết kiệm tài chính cho gia đình.
Tuân thủ quy định về biển quảng cáo
Cụ thể, đối với biển hiệu ngang, chiều cao tối đa là hai mét, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà. Đối với biển hiệu dọc, chiều ngang tối đa là một mét, chiều cao tối đa là bốn mét nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả và không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
Phân chia không gian hợp lý
Theo kiến trúc sư Phú, bếp và chỗ để xe máy không nên nằm cùng một tầng. Ví dụ, không gian để xe nằm ở tầng trệt còn bếp trên tầng hai.
Bên cạnh đó, gia chủ đừng biến nhà ở thành kho chứa đồ, tránh nguy cơ lửa lan nhanh và chặn lối đi.
Trang bị sẵn thiết bị cứu hộ
Bên cạnh các giải pháp kiến trúc, theo kiến trúc sư Đức Anh, mỗi gia đình nên chuẩn bị sẵn các công cụ hỗ trợ phòng tình huống nguy hiểm như bình chữa cháy, xà beng, búa, dây. Tốt nhất, mỗi tầng nên để một bình chữa cháy ở khu vực cầu thang.
Các gia đình, nhất là những hộ kinh doanh, nên tự trang bị hệ thống báo cháy và báo khói.
Lưu ý hệ thống điện
Hệ thống điện nên được thiết kế đủ tải, thi công đúng theo quy chuẩn và sử dụng thiết bị (dây dẫn, aptomat, ổ cắm, công tắc) có chất lượng. Chủ nhà không nên dùng quá nhiều thiết bị điện cùng một lúc trên một hệ thống (tầng hoặc phòng).
Trên hết, các gia chủ đừng chủ quan, cho rằng ngôi nhà của mình luôn luôn an toàn. "Mỗi người cần cẩn trọng với mọi hoạt động liên quan đến lửa như nấu ăn, thắp hương, hóa vàng mã, hút thuốc. Phải đề ra kịch bản, phương án thoát nạn và tỉnh táo xử lý khi tình huống nguy hiểm xảy ra", kiến trúc sư Đức Anh kết luận.
Minh Trang