Sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), Hà Nội cùng cả nước bước vào giai đoạn mới: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất đất nước. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm chính trị - văn hoá của cả nước, rất nhiều công trình công cộng đã được thiết kế và khởi công xây dựng. 

Đóng vai trò chủ công trong việc thiết kế kiến trúc giai đoạn này là một số kiến trúc sư tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ trước năm 1945. Chỉ khoảng sau năm 1960 mới bắt đầu có sự tham gia của các kiến trúc sư được đào tạo trong nước hoặc trở về từ các nước XHCN.

Mặc dù mới bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài gần mười năm, hoàn cảnh kinh thế đất nước còn nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận với công nghệ và vật liệu xây dựng hiện đại rất hạn chế, kiến trúc giai đoạn 1955 – 1965 đã có những thành công nhất định trong việc tạo ra một bộ mặt đặc trưng, góp cho Hà Nội một số công trình rất đáng chú ý. 

1. Các công trình xung quanh quảng trường Ba Đình 

kientruchanoi1.jpgLễ đài Ba Đình xây dựng năm 1955 

Lễ đài Ba Đình được xây dựng năm 1955 chủ yếu bằng vật liệu gỗ để sử dụng kịp thời, do kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh thiết kế. Là người nắm rất vững kiến trúc cổ truyền Việt Nam, lại có nhiều kinh nghiệm thiết kế từ những năm trước cách mạng, tác phẩm đầu tiên của ông dành cho Thủ đô Hà Nội sau giải phóng là một thành công lớn về mặt khai thác kiến trúc truyền thống. Khối trung tâm lễ đài có hình khối tương đối đồ sộ, phía dưới là một chân đế vững chắc mang dáng dấo một tam quan, phía trên là phần lễ đài có mái che. Hình ảnh gây ấn tượng mạnh là bộ mái dốc gồm mái lớn ở giữa, hai bên có các mái nhỏ, các góc mái đều uốn cong theo kiểu đầu dao trong kiến trúc truyền thống. Hai bên khối trung tâm có hai lễ đài phụ, phía sau là hai mảng tường cao phía trên có các khẩu hiệu. Công trình có một số thành phần kiến trúc xử lý chưa thoả đáng: Phần mái che phẳng trên lễ đài chính nếu cũng được xử lý theo hình thức mái dốc thì có lẽ toàn bộ hệ mái công trình sẽ hoàn chỉnh hơn; hai mảng tường sau lễ đài phụ quá cao tạo ra sự án ngữ tầm mắt, làm giảm hiệu quả nổi bật khối trung tâm. 

kientruchanoi2.jpgLễ đài Ba Đình xây dựng năm 1960 

Nếu như ở lễ đài tạm còn mang nặng xu hướng hồi cố, thì lễ đài chính thức (được xây dựng bằng vật kiệu kiên cố) hoàn thành năm 1960, đã tỏ ra thành công hơn nhiều: Tỏ rõ là một công trình hiện đại nhưng vẫn mang đậm nét dân tộc Việt Nam, xứng đáng là trung tâm của quảng trường Ba Đình trong nhiều năm, đồng thời để lại một hình ảnh đẹp trong ký ức nhân dân thủ đô cũng như đồng bào cả nước. Khối bệ tam quan vẫn được nhắc lại nhưng có dáng dấp vuông vức, gọn gàng hơn. Phía trên là phần Lễ đài chính có một hàng cột được kết thúc bởi hai mảng tường đặc gợi nhớ cấu trúc “gian – chái” trong kiến trúc nhà ở cổ truyền, tạo được cảm giác nghiêm trang mà vẫn gần gũi. Phần kết phía trên là một mái bằng nhưng được xử lý rất tinh tế bằng các gờ chỉ được xây trát rất công phu ở phần diềm mái. Hai lễ đài phụ ở phía được cấu tạo ở dạng nền dốc bậc, cao vừa phải, càng làm tôn nối khối trung tâm. Cũng nhờ việc xử lý thích đáng cao độ các lễ đài phụ khiến người đứng trên quảng trường có thể thấy được hàng cây phía sau nhô lên khối lễ đài và lan toả khối cây xanh cạnh quảng trường càng làm công trình hài hoà với cảnh quan thiên nhiên. Ánh sáng rất được chú ý để tạo ra bóng đổ nhẹ nhàng từ khối tam quan đến hàng cột trên tầng hai tới phần diềm mái, cùng với gam màu sáng trên toàn bộ công trình tạo ra một quần thể kiến trúc tuy trang nghiêm mà vẫn thanh thoát. 

Hội trường Ba Đình là một công trình có qui mô lớn thời bấy giờ, lại nằm ở vị trí trang trọng là quảng trường Ba Đình nên được các tác giả - kiến trúc sư Trần Hữu Tiềm và kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện đặc biệt chú ý. 

Được thiết kế trên cơ sở quy hoạch quảng trường Ba Đình nhỏ hơn hiện nay và với ý định là một số bộ phận của cả tổng thể kiến trúc gồm hội trường cùng một dãy nhà 4 tầng làm trụ sở một số cơ quan chính phủ, sau này do điều kiện chiến tranh không xây dựng được, nên hội trường mà chúng ta cảm nhận được ngày nay không hoàn toàn đúng với ý đồ của các tác giả. 

Về công năng, hội trường bao gồm một phòng họp lớn 1000 chỗ cùng một số phòng họp nhỏ và các khu vực phù trợ. Với một kinh phí hạn hẹp, hội trường đã đảm bảo các tiện nghi cần thiết cho những kỳ đại hội, những cuộc họp lớn, những hội nghị quan trọng. 

kientruchanoi3.jpgHội trường Ba Đình

Nghệ thuật kiến trúc của Hội trường Ba Đình có nhiều điểm đáng suy ngẫm. Công trình là một khối kiến trúc đăng đối, như vậy thì về mặt nguyên tắc là không phù hợp với vị trí góc phố của nó, cũng do vậy mà nhiều tác giả khi đề cập tới công trình này thường phê phán hình thái bố cục chung cũng như phương cách tổ hợp mặt bên, phía quay ra đường Bắc Sơn của Hội trường. Nhưng theo chúng tôi, do không thấy được tổng thể cụm công trình mà các kiến trúc sư – tác giả đã thiết kế nên chúng ta cũng không thể cảm nhận được toàn bộ ý đồ mà các tác giả định trình bày. Tuy vậy mặt chính nhìn ra quảng trường Ba Đình vẫn là một mảng hoành tráng với hàng cột cao giữa hai mảng tường đặc, có sự chuyển tiếp bởi hai mảng gạch hoa, tầng trên cùng là một dải nằm nang với hàng cửa nhỏ tạo sự kết thúc vững chắc. Lối vào chính hội trường được tổ chức trang trọng với nhiều bậc cấp, hai bên có hàng đèn hình giá nến khá duyên dáng. Tuy còn một số nhược điểm như hàng cột phía trước khá mảnh so với toàn bộ hình khối công trình, việc ốp đá một phần mảnh tường phía sau hàng cột len lỏi xung quanh các cửa tạo cảm giác vụn, hội trường đã trở thành nột bộ phận gắn bó với quảng trường Ba Đình trong ấn tượng chung của mỗi người Việt Nam trong nhiều năm. 

2. Kiến trúc các công trình hành chính 

Sau khi tiếp quản Thủ đô, nhu cầu về nhà làm việc cho các cơ quan rất lớn, vì vậy các công trình hành chính được xây dựng khá nhiều: Trụ sở Uỷ ban trị thuỷ Sông Hồng và trường nghiệp vụ Bộ Kiến trúc (nay là trụ sở Bộ Xây dựng), khu Liên Cơ Vân Hồ, các trụ sở Tổng cục Lâm nghiệp, Uỷ ban khoa học Xã hội, Tổng cục Thống kê và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ công nhiệp, Bộ Nội vụ …

Phía đông công viên Thống Nhất lúc bấy giờ đã có quy hoạch mở con đường nói phố Lê Đại Hành với đường Đại Cồ Việt. Nằm trên con đường tương lai này, phía tây có khu triển lãm Vân Hồ là khu triển lãm lớn nhất Hà Nội thời ấy. Đối diện với khu triển lãm là trụ sở hai cơ quan Uỷ ban trị thuỷ Sông Hồng và trường Nghiệp vụ Bộ Kiến trúc do kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Chân thiết kế. Bao gồm hai khối nhà cao 4 tầng hình chữ U đặt cạnh nhau, một cầu thang lớn được dự kiến nối hai khối nhà, mặt bằng được bố trí theo kiểu hành lang bên ở các cánh nhà chính, ở các cạnh nhỏ tổ chức mặt bằng hành lang giữa, các khu vực phù trợ như sảnh, cầu thang đều rộng rãi, các cửa sổ mở rộng, hai lớp kính - chớp. 

kientruchanoi4.jpgTrụ sở Bộ Xây dựng 

Hình thức kiến trúc tương đối giản dị mà vẫn tạo vẻ khang trang. Tầng một được nhấn mạnh tạo cảm giác vững chãi, có các điểm nhấn ở các sảnh vào. Ba tầng trên giống nhau, cấu thành bởi các cửa sổ lớn, mở đều đặn, có các gờ cửa chạy ngang. Phía trên kết thúc bởi sê nô đưa ra khá rộng. Là trụ sở cơ quan xây dựng đầu tiên ở Hà Nội, phong cách này của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Chân đã ảnh hưởng lan sang các kiến trụ sở xây dựng trong giai đoạn này như các trụ sở Uỷ ban Khoa học Xã hội, Tổng cục Lâm nghiệp… 

Công trình hành chính thành công nhất trong giai đoạn 1955 – 1965 phải nói tới là Trụ sở Tổng cục Thống kê - Uỷ ban kế hoạch Nhà nước (nay là trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Nằm tại ngã ba đường Hoàng Diệu và phố Hoàng Văn Thụ, nơi dự kiến xây dựng một quảng trường giao thông hình tròn, tác giả kiến trúc sư Đoàn Văn Minh đã khéo léo tổ chức hình khối công trình theo hình cong lõm ôm lấy quảng trường tương lai.

kientruchanoi5.jpg

kientruchanoi5a.jpgTrụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Với một công trình có mặt bằng theo kiểu hành lang bên đơn giản, hội trường lớn thẳng từ chính sảnh, các phòng làm việc dọc theo hành lang, phần cánh nhà dành cho việc bố trí các cầu thang phụ, khu vệ sinh… nhưng nghệ thuật tổ hợp kiến trúc công trình rất thành công làm cho toà nhà có phần nổi trội so với các trụ sở cơ quan xây dựng cùng thời.

Điều đáng chú ý đầu tiền là khối nhà chính cao 5 tầng uốn lượn theo hình cong lõm hoàn toàn hoà hợp với vị trí khu đất, các cánh nhà quay ra phố Hoàng Diệu và Hoàng Văn Thụ chỉ còn 4 tầng nhưng vẫn tạo được vẻ bề thế nhờ hanh cánh nhà 5 nhịp gập vuông góc. Tầng một được nhấn mạnh như một chân đế vững chãi nhờ lượng cửa mở ít và gờ chỉ lớn đặt ngang mức sàn tầng hai tạo thành một băng ngang chạy quanh nhà. Cửa sổ ba tầng trên được nối kết bằng hệ thống gờ chỉ theo chiều đứng tạo một không khí tương phản với tầng một. Phần sê nô tạo sự kết thúc phía trên được trang trí rất tinh tế. Đặc biệt có một tầng thứ 5 chỉ tạo thành băng ngang trên khối nhà chính, đồng thời làm toàn bộ hình khối toà nhà trở nên sinh động. Tiền sảnh theo kiểu “tam quan” phổ biến thời bấy giờ cũng được tác giả sử lý khéo léo nhờ bốn cột tròn và các gờ chỉ làm nó trở nên bề thế hơn và ăn nhập vào tổng thể nhà hơn ở các công trình khác cùng thời. 

Nhìn chung kiến trúc toà nhà tạo được ấn tượng về một công trình hành chính Việt Nam trang nghiêm mà vẫn bay bổng, các hình thức kinh điển được tác giả vận dụng linh hoạt, các chi tiết làm công trình mang dáng vẻ dân tộc được tác giả xử lý thích đáng. 

3. Kiến trúc các trường đại học

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ, ngay từ đầu những năm 1960 đã có rất nhiều trường học lớn được xây dựng và đưa vào sử dụng: Trường Nguyễn Ái Quốc, các trường đại học Thương nghiệp, Kinh tế - Kế Hoạch, Bách Khoa, trường Trung - Cao Cơ điện, học viện Thuỷ Lợi - Điện Lực, các trường trung cấp Nông lâm, Ngân hàng, các trường đào tạo cán bộ Công đoàn, Phụ nữ …

Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) là trường đào tạo cán bộ chính trị lớn, tác giả thiết kế là các kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Chân, Trần Hữu Tiềm. Toạ lạc trên một khu đất rộng rãi gần quốc lộ 32, các công trình của trường được xây dựng theo một bố cục đăng đối, chính giữa là hội trường lớn phía trước tạo một quảng trường cây xanh nhỏ, hai phía là các khối nhà học 3 tầng. Một bố cục có dụng ý mang lại vẻ nghiêm trang cho một trường cán bộ chính trị, nhưng với một tỷ lệ cân xứng hợp lý giữa công trình và xây xanh vẫn cho ta một cảm giác chan hoà, gần gũi. 

kientruchanoi6.jpgHọc viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh 

Nghệ thuật kiến trúc của trường thành công nhờ sự phối kết các toà nhà có độ cao không quá lớn với một quần thể cây xanh được bố cục có ý đồ rõ nét. Hội trường là công trình trọng tâm, có hình thức trang trọng với hàng cột lớn, hai phía là các mảng tường hoa. Tỷ lệ giữa sảnh trung tâm và hai cánh nhà hài hoà, tạo ra khối công trình khá đẹp mà không cần đến những chi tiết trang trí cầu kỳ. Toà nhà được đặt lùi lại sau một quảng trường cây xanh, với các lối đi lại cùng những bồn cây thấp, vừa đáp ứng công năng của một giảng đường lớn có khả năng đón tiếp nhiều ngưòi, vừa tạo ra một tầm nhìn cảm thụ thích hợp cho toàn bộ khu vực giảng đường.

Thành công của kiến trúc trường Nguyễn Ái Quốc ảnh hưởng nhiều đến một loạt các trường học lớn lúc bấy giờ với cách bố trí đăng đối, nằm giữa trục đối xứng là giảng đường lớn, hai bên là các nhà học, nhưng ít thành công hơn. 

Một công trình đại học lớn rất đáng chú ý là Học viện Thuỷ Lợi - Điện Lực (nay là Đại học Thủy lợi) do kiến trúc sư Đoàn Văn Minh thiết kế. Trường được bố trí xây dựng bên cạnh trục đường Hà Nội – Hà Đông, lúc bấy giờ định qui hoạch thành một trục đường giao thông lớn với nhiều công trình văn hoá nằm hai bên, chúng ta có thể thấy dấu tích của qui hoạch này qua một loạt trường học lớn đã kịp hoàn thành: Học viện Thuỷ Lợi - Điện Lực, trường Cán bộ Công đoàn, trường Trung – Cao Cơ điện (nay là một phần trụ sở Đại học Quốc gia), các trường trung cấp Kiến trúc, trung cấp Bưu điện … ngoài ra còn một công trình văn hoá lớn chưa kịp xây dựng là Cung văn hoá Thủ đô (dự kiến đặt cạnh Gò Đống Đa, đối diện với trường Công đoàn). 

kientruchanoi7.jpgĐại học Thủy Lợi 

Trên dải đất chạy dài theo trục đường giao thông, khối nhà học – thí nghiệm của Học viện trải theo mặt phố, phía sau là khu ký túc xá, nhà ăn… Phương cách tổ chức mặt đứng phần nào giống với toà nhà Tổng cục Thống kê - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, nhưng cách bố cục không gian lại mang nét riêng hoàn toàn. Mặc dù trải dài hàng trăm mét, sự phong phú của nhịp điệu theo mặt bằng và mặt đứng tránh cho toà nhà cảm giác nhàm chán, mà ngược lại, rất hấp dẫn. Khối sảnh đột khởi lên 6 tầng, hai cánh bên cao 5 tầng, toàn bộ khối nhà này lùi sân tạo sự nhấn mạnh trục trung tâm, đồng thời mở ra một không gian khoáng đãng phía trước công trình. Khối nhà tiếp tục kéo dài nhưng độ cao giảm xuống 4 tầng, mặt bằng nhô ra phía trước thành 2 cánh cung vuông góc ôm lấy khoảng sân – cây xanh, rồi khối nhà 4 tầng lại được bẻ góc 1 lần nữa để chảy song song theo mặt đường. Kết thúc hai cánh là 2 dãy nhà 3 tầng hình chữ L, nối với khối nhà chính bằng hai hành lang cầu ở tầng 1. Toàn bộ toà nhà tạo cảm giác bề thế nhưng rất linh hoạt, có khả năng đóng góp tốt cho bộ mặt kiến trúc khu trục đường và khu vực. 

Đại học Bách khoa là trường học lớn nhất được xây dựng trong giai đoạn 1955 – 1964. Trường do các kiến trúc sư Liên Xô (cũ) thiết kế, được xây dựng bằng trang thiết bị và nhiều vật liệu ngoại với công nghệ hiện đại lúc bấy giờ. Bố cục phi đăng đối với các lớp nhà học cao 3 tầng xếp song song theo hướng Bắc – Nam, giữa các nhà được nối bằng hành lang cầu. Giảng đường lớn bố trí vuông góc với các dãy nhà học và xưởng thí nghiệm. Ngôn ngữ kiến trúc Modern với những băng kính lớn, mặc dù có đưa vào một số hình thức che nắng nhưng vẫn mang dáng dấp chung của một công trình xứ lạnh làm phong cách kiến trúc công trình phần nào đứng tách riêng khỏi ngôn ngữ kiến trúc chung của giai đoạn này.

kientruchanoi8.jpgĐại học Bách khoa Hà Nội 

Sau những thể hiện ban đầu, tới đầu những năm 1960, một số công trình công cộng lớn cho thủ đô đã được chuẩn bị tích cực để khởi công: Trụ sở Quốc hội, Cung văn hoá Thủ đô, trục đường Hà Nội – Hà Đông cùng các công trình hai bên… Cuối năm 1964, Mỹ tiến hành leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, các kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản phải tạm dừng, chỉ còn một số công trình đã hoàn thành về cơ bản được tiếp tục hoàn thiện để đưa vào sử dụng. 

Mười năm không phải là thời gian đủ dài để tạo dựng một phong cách kiến trúc hoàn toàn mới. Đất nước vẫn còn chiến tranh, khả năng về tài chính còn hạn hẹp, do vậy mà khả năng tiếp cận với công nghệ xây dựng tiên tiến rất hạn chế. Đội ngũ thiết kế chủ yếu dựa vào các kiến trúc sư tốt nghiệp từ trước cách mạng, vừa trải qua 9 năm kháng chiến, các kiến trúc sư được đào tạo mới chưa nhiều. Như vậy thì những tìm tòi tạo ra được bản sắc riêng cho kiến trúc giai đoạn đặc biệt này là rất đáng trân trọng. 

Hà Nội đang ở vào thời kì phát triển đô thị rất mạnh, việc bảo tồn bản sắc đô thị đang đặt ra cấp bách đối với những giá trị kiến trúc đã tồn tại. Chúng ta đã và đang tiến hành nghiên cứu - đánh giá - bảo tồn phố cổ, phố cũ rất đáng khích lệ. Vậy thì một mảng kiến trúc đặc trưng cho một giai đoạn phát triển của thủ đô không lẽ gì lại bị bỏ qua. Việc nghiên cứu, đánh giá và bảo tồn những công trình có giá trị của giai đoạn 1955 – 1965 cũng cần được nhanh chóng tiến hành nhằm rút ra những kết luận xác đáng, giúp cho việc đưa ra những chính sách và quy chế bảo tồn toàn bộ di sản kiến trúc Hà Nội. 

KTS. Trần Quốc Bảo - Giảng viên chính khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022