Các KTS tại Studio 3XN đã thiết kế dự án mở rộng khách sạn GSH (Green Solution House). Công trình hướng tới giảm phát thải carbon, hầu hết sử dụng vật liệu gỗ tự nhiên. Khách sạn sinh thái bao gồm 24 phòng, một phòng hội nghị và khu vực spa trên tầng thượng của tòa nhà.
Khách sạn “âm carbon” trên đảo Bornholm, Đan Mạch
Mục tiêu của dự án hướng tới giảm phát thải lượng CO2 với tuyên bố: “Đây là công trình âm carbon đầu tiên ở Đan Mạch”. Công trình “âm carbon” được hiểu là lượng carbon hấp thụ vào sẽ nhiều hơn lượng phát thải ra trong suốt vòng đời sử dụng
Để đạt được mục tiêu đó, kết cấu công trình sử dụng dạng gỗ nhiều lớp được xếp vuông góc với nhau (cross-laminated timber), tạo ra độ bền chắc nhưng trọng lượng chỉ bằng 20% bê tông. Phần nội thất sử dụng nhiều vật liệu tái chế khác nhau. Tại phòng hội nghị, các KTS tận dụng những mảnh vụn từ mỏ đá ở địa phương để làm vật trang trí. Những mảnh vụn này đồng thời cũng giúp điều tiết nhiệt độ trong khách sạn GSH.
“Nếu muốn giảm thiểu tác động đến môi trường thì ngành Kiến trúc – Xây dựng cần phải có các bước tiến mới, vì hoạt động xây dựng phát thải lượng CO2 rất lớn, sử dụng rất nhiều nguồn tài nguyên. Chúng tôi nghĩ đây là dự án tiên phong“, chia sẻ bởi Kasper Guldager Jensen, 1 thành viên của dự án.
“Ý tưởng rất đơn giản, chúng tôi tin rằng muốn đạt được mục tiêu về môi trường mà vẫn đảm bảo về mặt kinh tế thì cần sự hợp tác chặt chẽ từ KTS và chủ đầu tư. Chúng tôi tạo ra bản kế hoạch chi tiết về hiệu quả năng lượng của toà nhà và thiết kế hướng tới là một nơi du lịch nghỉ dưỡng. Đồng nghĩa với việc vừa có lợi cho môi trường vừa có lợi cho chủ đầu tư”.
Hấp thụ carbon sẽ bù đắp cho lượng phát thải trong quá trình sử dụng
Trong quá trình sinh trưởng, CO2 được “lưu trữ” 1 phần trong cây, cho đến khi khai thác, sử dụng trong xây dựng thì chúng vẫn tiếp tục “lưu trữ” lượng CO2 đó.
Sau công trình này, văn phòng tiếp tục áp dụng công nghệ và cấu trúc cross-laminated timber cho nhiều công trình khác. Đồng thời sẽ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng mặt trời để có thể bán lại cho lưới điện năng lượng địa phương và sử dụng hệ thống thông gió tự nhiên loại bỏ sự phụ thuộc vào các hệ thống máy móc.
Công trình được làm từ vật liệu tái chế và tất cả các thành phần của toà nhà đều có thể tái sử dụng
Chúng tôi sử dụng các khớp nối có thể đảo ngược trong suốt quá trình xây dựng để đảm bảo phần mở rộng và các thành phần của nó có thể được tháo dỡ và tái sử dụng khi cần thiết, tránh tạo ra ô nhiễm chất thải xây dựng.
Thiết kế của khách sạn GSH nhằm minh chứng cách kiến trúc có thể áp dụng các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn và sử dụng các giải pháp công nghệ xanh. Phần mở rộng của khách sạn được xây dựng bằng vật liệu có thể tháo rời, tái chế và có thể phân hủy sinh học, sử dụng sản xuất năng lượng tại chỗ. Nó đang được phát triển với mục tiêu là không có carbon ròng trong cả quá trình xây dựng và vận hành thông qua việc sử dụng vật liệu xanh, chiến lược là có thể tái sử dụng tại chỗ các yếu tố từ các tòa nhà hiện có.
Biên dịch | Hoàng Anh (Nguồn: Dezeen)
XEM THÊM
- Chúng ta cần tạo ra một xã hội không phát thải carbon từ những bài học trong đại dịch
- Powerhouse – Tòa nhà âm carbon thuộc dự án khôi phục hành tinh của Snøhetta
- Dự án bể chứa carbon trong tòa nhà cao nhất thế giới sẽ ra đời?