Mướp đắng vừa là rau vừa là vị thuốc quý giúp thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ chữa tiểu đường rất tốt. Ngoài quả, lá và thân cây mướp đắng đều có thể được chế biến làm trà dược với nhiều công dụng.
Đây là loại cây rất dễ trồng, bạn hoàn toàn có thể trồng mướp đắng trong thùng xốp hay chậu, đặt ở ban công. Cây mướp đắng rất dễ chăm sóc, chỉ sau vài tháng sẽ cho quả và bạn có thể sử dụng để chế biến nhiều món ngon.
Trồng mướp đắng trong thùng xốp rất dễ, chỉ sau 2 tháng có thể thu hoạch quả. (Ảnh: Sohu)
Cách trồng mướp đắng ở ban công
- Lựa chọn hạt giống: Để trồng mướp đắng trong thùng xốp hay trong chậu ở ban công, tốt nhất bạn nên chọn những giống chịu nhiệt, cho năng suất cao… Muốn mướp đắng nảy mầm nhanh, trước tiên bạn ngâm hạt trong nước ấm để loại bỏ lớp keo dính trên bề mặt hạt, dùng vải bọc lại và cho vào nước sạch ngâm trong 12 giờ. Sau đó, bạn vớt hạt ra, bọc trong gạc và đặt ở môi trường từ 28 đến 30 độ C để tăng tốc độ nảy mầm. Sau khoảng ba hoặc bốn ngày, mầm cây sẽ nhú lên.
- Cấy cây con: Trước tiên, hãy trồng cây con trong giá thể dinh dưỡng, tưới nước đều đặn. Khi cây lớn và phát triển được khoảng 5-6 lá, bạn có thể trồng mướp đắng trong thùng xốp hay trong chậu ở ban công.
- Khi trồng mướp đắng, bạn nên chọn đất sét để giữ nước và phân bón tốt hơn. Chậu trồng có thể là chậu hoa nhựa hoặc thùng xốp, bề ngang tối thiểu 35. Bạn nên tưới nước ngay sau khi cấy.
- Làm giàn cho cây: Khi cây mướp đắng dài khoảng 30cm, bạn cần làm khung cho dây leo. Trong suốt thời kỳ sinh trưởng của mướp đắng, các chồi cuối, hoa đực và dây leo phải được loại bỏ càng sớm càng tốt, chỉ để lại lá để tập trung chất dinh dưỡng cần thiết cho mướp đắng phát triển. Ở giai đoạn giữa và cuối chu kỳ sinh trưởng, cần chú ý cắt bỏ những lá già, lá bệnh và những dây leo yếu dư thừa để tăng cường thông gió và hấp thụ ánh sáng.
Khi trồng mướp đắng, cần làm giàn để cây có chỗ leo. (Ảnh: Sohu)
- Tưới nước: Khi cây còn nhỏ, bạn nên sử dụng bình dạng phun sương để tránh ảnh hưởng bộ rễ. Khi cây lớn hơn, nên tưới nước 2 lần mỗi ngày và tưới đẫm gốc vì cây cần nhiều nước để phát triển.
- Bón phân cho cây: Khi trồng mướp đắng ở ban công, bạn không nên dùng phân hóa học vì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe gia đình. Nên bón phân chuồng 1-2 tuần một lần. Bạn cũng có thể sử dụng chế phẩm vi sinh và phân bón cho rau, quả hoặc tự ủ bã đậu, rau củ để làm phân bón hữu cơ cho cây.
- Thụ phấn: Đây là việc làm rất cần thiết khi bạn trồng mướp đắng trong thùng xốp hay trong chậu ở ban công . Việc thụ phấn nhân tạo trong giai đoạn ra hoa có thể làm tăng tốc độ đậu quả, thường được thực hiện vào khoảng 8-10h. Cách làm: Dùng tăm bông chấm phấn từ hoa đực trưởng thành lên hoa cái. Nếu không thụ phấn nhân tạo, cây cũng kết trái nhưng ít hơn.
- Thu hoạch: Khi quả to và có màu xanh sáng bóng thay vì màu sẫm, đó là lúc quả đã sẵn sàng để thu hoạch. Thông thường, từ lúc gieo hạt đến lúc thu hoạch quả mướp đắng, bạn chỉ phải chờ tầm 2 tháng.
Quả mướp đắng chuyển sáng màu xanh sáng bóng là có thể thu hoạch. (Ảnh: Sohu)
Trồng mướp đắng trong thùng xốp tuy đơn giản nhưng cây dễ bị sâu bệnh như rệp, sâu xanh, rầy, đốm lá... Bạn nên sử dụng dung dịch tự chế từ gừng, tỏi, ớt rượu hoặc nước rửa chén pha loãng để phun cho cây, phòng trừ sâu bệnh.