Kiến trúc của Trường Quốc tế Bloomingdale đã tạo nên một cuộc cách mạng trong thiết kế trường học tại Ấn Độ. Thay vì các lớp học hình hộp thông thường, thiết kế này mở ra một không gian kết nối linh hoạt, thúc đẩy sự chuyển động và tương tác tự do cho trẻ độ tuổi mầm non.
Tiên phong cho không gian trường học sáng tạo ở Ấn Độ
Các không gian học tập và vui chơi đan cài hài hòa, tinh tế. Trong đó, sân trong đóng vai trò quan trọng như mắt xích kết nối đa di năng, có thể biến hóa linh hoạt với nhiều vai trò khác nhau: Sân chơi, giảng đường, nhà hát… Trải nghiệm không gian độc đáo càng được tăng cường hơn nữa nhờ tường kính kịch trần và giếng trời trên mái, khi lớp học trở thành một phần của cảnh quan và ngược lại.
Xuất phát từ ý tưởng: “Tòa nhà, thay vì là một phần của cảnh quan, nên là một hình thức của cảnh quan tự thân”, theo đó, Bloomingdale đã tập trung vào hình khối để tạo nên sự hấp dẫn về mặt thị giác. Điều này được thể hiện rõ nét qua hệ mái uốn lượn mềm mại, mô phỏng con sóng hoặc có lẽ là những ngọn đồi xanh mát nhấp nhô. Nhìn từ xa, ngôi trường như hòa quyện với cảnh quan xung quanh. Khi lại gần, người ta mới có cơ hội thấy rõ ẩn ý sâu xa của thiết kế, nơi các em nhỏ được ấp ôm trọn vẹn, an toàn trong một “chiếc kén khổng lồ”.
“Logic sẽ đưa bạn từ điểm A đến điểm B. Trí tưởng tượng sẽ đưa bạn đi tới khắp mọi nơi”
Nhà bác học đại tài Albert Einstein đã từng nói: “Logic sẽ đưa bạn từ điểm A đến điểm B. Trí tưởng tượng sẽ đưa bạn đi tới khắp mọi nơi”. Và kiến trúc của Bloomingdale đã tạo ra một môi trường học tập lý tưởng như thế cho trẻ mầm non, đặc biệt là lứa tuổi tiền tiểu học - khi tâm thức các con đang sống trong thế giới của sự tưởng tượng, của thế giới cổ tích nhiệm màu.
Với kết cấu mở, trẻ em được tự do khám phá và trải nghiệm không gian xung quanh. Chúng có thể chạy nhảy, chơi đùa, leo trèo trên những bề mặt cong mềm mại của hệ mái hoặc học tập trong những lớp học ngập tràn ánh sáng, màu sắc. Nhờ vậy, trẻ em được hỗ trợ phát triển các giác quan, tăng cường sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Ngoài ra, không gian mở linh hoạt này còn khuyến khích sự tương tác xã hội, giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Đồng thời, trẻ cũng được cảm nhận rõ sự biến chuyển của ánh sáng và thời gian trong một ngày, giúp trẻ kết nối tốt hơn với thiên nhiên.
Quy trình thiết kế và xây dựng độc đáo
Một trong những điểm nhấn nổi bật của thiết kế là hệ mái uốn lượn phủ cỏ xanh mướt nằm trên kết cấu không gian thông thoáng, mà không cần được nâng đỡ bởi bất cứ trụ cột hay giá đỡ nào. Để tạo hình, các kiến trúc sư đã sử dụng công nghệ tính toán tiên tiến, cho phép họ mô phỏng và tối ưu hóa cấu trúc mái. Vật liệu đúc sẵn với các mối nối được tính toán chính xác nhằm tạo ra độ cong uyển chuyển.
Các kiến trúc sư cũng rất chú trọng trong việc lựa chọn vật liệu xây dựng đảm bảo tính bền vững, đồng thời tạo ra hiệu ứng thị giác độc đáo. Như cách sử dụng bê tông cốt thép và các tấm kính lớn không chỉ mở ra một không gian thoáng đãng mà còn thể hiện sự mạnh mẽ và bền bỉ của kiến trúc. Hoặc việc tích hợp lớp vỏ xi măng phía trên cấu trúc bề mặt kim loại tô điểm cho khối dáng bên ngoài nét vững chãi và tạo hiệu ứng thị giác hấp dẫn khi nhìn từ bên trong: Các yếu tố cấu trúc lộ ra dọc theo hệ trần tương phản với bề mặt cỏ bên ngoài, toát lên vẻ đẹp nguyên bản của vật liệu; sự chuyển động liên tục và luân phiên của ánh sáng, bóng tối.
Tên công trình: Trường Quốc tế BloomingdaleĐịa điểm: Ấn ĐộĐơn vị thiết kế: Andblack Design Studio Kết cấu: Schafbock design + workshop-Shehzad Irani Diện tích: 372m2 Năm hoàn thành: 2024 Nhiếp ảnh: Vinay Panjwani |
Lan Anh
(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống - số 221)