Thời gian trước, Hồ Ngọc Hà đã chia sẻ trên trang mạng xã hội cá nhân những hình ảnh 2 nhóc tỳ Lisa và Leon đang ngồi chơi với bộ Lego. Cô viết: "Hành trình đầy đủ kỹ năng, học mà chơi, chơi mà học... Mẹ cũng nhọc theo". Từ những hình ảnh được chia sẻ, có thể thấy 2 nhóc tì được mẹ đầu tư cho một bộ lego khá xịn xò, nhiều mảnh ghép. Cặp sinh đôi có vẻ thích thú, ngồi chơi rất chăm chú, tập trung.

Được biết, không chỉ 2 nhóc tỳ nhà Hồ Ngọc Hà mà cậu cả Richard nhà Tăng Thanh Hà cũng rất thích chơi Lego. "Ngọc nữ màn ảnh Việt" cũng từng chia sẻ về điều này. Cô tiết lộ trên trang cá nhân, một trong những món đồ chơi yêu thích của cậu cả là Lego. "Đến tuổi chơi Lego thế là mẹ cũng phải chơi theo", Tăng Thanh Hà viết, kèm theo bức ảnh Richard đang say sưa lắp ráp Lego.

photo-1-1713453163068100998874.jpg

Cả Richard nhà Tăng Thanh Hà và Lisa, Leon nhà Hồ Ngọc Hà đều thích chơi Lego

Thực tế, Lego là trò chơi rất quen thuộc của trẻ em Việt Nam và các nước trên thế giới. Đây là trò chơi mà các bé trai đặc biệt yêu thích. Về nguồn gốc, LEGO là một thương hiệu đồ chơi lắp ráp trẻ em của Đan Mạch ra đời từ năm 1932. LEGO trong tiếng Đan Mạch được viết tắt của từ "Leg Godt" nghĩa là "chơi hay".

Những "viên gạch" đồ chơi LEGO, hay Lego có nhiều hình dáng khác nhau như hình vuông, hình chữ nhật, hình thoi, hình tròn... với nhiều màu sắc bắt mắt. Khi chúng được sắp xếp, lắp ghép lại với nhau sẽ tạo nên các mô hình độc đáo như nhà cửa, xe cộ, rô bốt, công viên, công trình xây dựng... Chúng cũng có thể được tháo rời một cách dễ dàng nên được "tái sử dụng" nhiều lần rất tiện lợi.

Đã từ lâu, Lego được chứng minh là trò chơi thông minh, mang lại nhiều lợi ích, dạy cho trẻ nhiều kỹ năng. Cụ thể, trong quá trình chơi Lego trẻ sẽ học được những kỹ năng như:

- Tăng cường tính vận động: Vì khi chơi Lego, trẻ cần phải tập trung và vận dụng linh hoạt tay và mắt để tìm kiếm và kết nối các mảnh ghép lại với nhau.

- Rèn luyện tính kiên nhẫn: Trẻ phải thử nhiều lần thì mới lắp ráp được mô hình thành công.

- Học cách giải quyết vấn đề: Khi tìm sai mảnh ghép, trẻ sẽ phải tìm lại mảnh ghép đúng, thử lắp ghép lại, để từ đó lắp được mô hình như mong muốn.

- Làm quen với Toán học, Khoa học: Trong quá trình lắp ráp, trẻ sẽ sử dụng các viên gạch Lego khác nhau để tạo thành hình vuông, hình tam giác, hình chữ nhật... Ngoài ra, trẻ còn nhận thức được khái niệm về không gian ví dụ như làm thế nào để xây dựng mô hình vững chắc, không bị ngã.

Bên cạnh đó, chơi Lego cũng giúp trẻ phát triển các kỹ năng khác như kỹ năng sắp xếp khoa học, phát triển tư duy sáng tạo, hay phát triển kỹ năng xã hội thông qua việc chơi cùng bạn bè,...

Hiện tại giá các bộ Lego trên thị trường dao động từ hơn 100 nghìn đồng - 200 nghìn đồng/bộ trở lên. Với những bộ Lego lớn, cầu kỳ, nhiều mảnh ghép thì giá có thể lên tới tiền triệu/bộ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022