NSND Quang Thọ là cái tên "tượng đài" trong làng nhạc đỏ, nhạc cách mạng Việt Nam. Những năm trước khi giải phóng đất nước, chàng thiếu niên của đoàn văn công đã cất cao tiếng hát hào hùng, tiếng hát át tiếng bom, bồi đắp thêm tinh thần và niềm tự hào dân tộc. Hơn 50 năm sau, anh công nhân mỏ than khi ấy đã trở thành người thầy của biết bao thế hệ ca sĩ, nghệ sĩ, là tấm gương sáng trong một gia đình truyền thống âm nhạc.

-17145855022031200199514.jpg

NSND Quang Thọ (Ảnh: Minh Tâm)

Đã khoảng 60 năm kể từ khi một chàng công nhân mỏ than Quảng Ninh tham gia đoàn văn công trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Vậy theo ông, giọng hát hay cảm xúc, điều gì là quan trọng nhất khi một ca sĩ thể hiện những ca khúc cách mạng?

Tất nhiên giọng hát thì có thể đào tạo được nhưng cảm xúc thì rất khó!

Tôi đã tham gia hát từ lâu lắm rồi, từ những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Khi bắt đầu cuộc chiến tranh chống phá hoại của đế quốc Mỹ, tôi đã tham gia hát, những bài tôi hát lúc đó là của các nhạc sĩ viết về giai đoạn lịch sử đó.

Điều rất quan trọng khi ca sĩ thể hiện một hoặc nhiều ca khúc Cách mạng là người ca sĩ phải hiểu tác phẩm đó, hiểu sự xuất xứ của nó, hiểu được những nhạc sĩ đã phải gian khổ như thế nào để có được những bài hát như thế, người ta đã phải đau đáu và suy nghĩ như thế nào cùng với vận mệnh của đất nước để sinh ra tác phẩm như thế. Những ca sĩ sau này phải thấu hiểu được tâm trạng của những người nhạc sĩ khi viết lên những bài hát như thế với lời và nét âm nhạc như thế thì khi hát mới đúng và hay được.

NSND Quang Thọ là người có nhiều đóng góp với nền âm nhạc nước nhà, từng giảng dạy cho rất nhiều thế hệ học trò nay đã thành danh trong làng âm nhạc Việt Nam. Điều gì khiến ông tự hào sau bao năm truyền lửa?

Tôi nhớ là khi dạy ở Nhạc viện, lớp trẻ như Khánh Linh, Tùng Dương và rất nhiều sinh viên trẻ hơn thế nữa, tôi dạy các em những tác phẩm truyền thống, bài hát Cách mạng của Việt Nam. Các em hát rất hay những bài hát đó, kể cả sau khi ra trường các em có hát những bài hát mới thì vẫn hát những bài Cách mạng, những ca khúc của các thập kỷ trước. Các em thể hiện những bài hát đó rất thành công và đem lại cho khán giả lớn tuổi cảm xúc khi thưởng thức, được nhớ lại những bài hát đã đi vào tiềm thức từ những năm rất xa xôi.

-17145855010281322814728.jpg

NSND Quang Thọ và học trò Tùng Dương (Ảnh: Dân trí)

Hiện nay, nền âm nhạc của Việt Nam đang có sự phát triển rất mạnh mẽ với các thể loại đa dạng. Làm sao để dòng nhạc cách mạng luôn được giữ gìn và phát triển?

Thời của chúng tôi cách đây 40, 50 năm về trước thì chỉ có một dòng nhạc, đó là dòng nhạc cách mạng. Xã hội bây giờ có rất nhiều dòng nhạc khác nhau nhưng không có dòng nhạc nào là xấu cả, dòng nhạc nào cũng có những ưu điểm của nó, có điều là chúng ta có đang làm đúng, làm hay.

Dòng nhạc cách mạng là tài sản, là những gì cao quý của một thời kháng chiến. Nếu không có dòng hát cách mạng, chắc chúng ta cũng không có được như ngày hôm nay nên chúng ta vẫn phải giữ. Đây là trách nhiệm của những người đi trước như chúng tôi và kể cả những ca sĩ trẻ bây giờ cũng phải giữ truyền thống đó. Vẫn phải có những hơi thở của những người đã đi trước, đã hát những ca khúc Cách mạng.

Vậy theo ông, làm thế nào để hơi thở của dòng nhạc cách mạng được lưu giữ và phát triển? Có điều gì mà ông muốn nhắn gửi đến thế hệ mai sau?

Đây là trách nhiệm của những người đi trước, muốn giữ được, tồn tại được dòng âm nhạc Cách mạng thì trước tiên phải gương mẫu. Tức là phải đề cao những giá trị chân thực nhất của dòng nhạc Cách mạng.

Sự giáo dục với các thế hệ trẻ là một điều vô cùng quan trọng. Chúng ta phải giáo dục và đưa được những nét đẹp trong âm nhạc Cách mạng đến được giới trẻ và làm sao khuyến khích để các em yêu thích, đến với dòng hát Cách mạng. Chúng ta phải giữ được những nét đẹp trong tiếng hát như ca ngợi tình yêu quê hương, yêu đất nước, yêu con người rất trong sáng, rất đẹp. Những ca khúc ca ngợi tình yêu tổ quốc, đồng bào đó chính là nhạc Cách mạng. Chúng ta giáo dục các em ở những điểm đó thì tự nhiên các em sẽ hứng thú trong các bài hát gọi là trong dòng hát Cách mạng.

Chúng ta ngoài sự giáo dục ở trong trường lớp, Nhạc viện, trung tâm dạy nhạc thì cần phải dạy dỗ, nhắc nhở, lưu lại cho các em học sinh trẻ bây giờ những tài sản vô giá là những bài hát Cách mạng mà cha ông chúng ta, những người đi trước đã viết.

Một điều nữa, tất cả chúng tôi - những ca sĩ đã lớn tuổi mong muốn trên các hệ thống tuyên truyền văn hóa có nhiều hơn nữa những tác phẩm âm nhạc Cách mạng để chúng ta luôn được nghe lại những bài hát, tác phẩm thanh nhạc viết về thời cha ông đấu tranh giữ nước như thế nào. Đó là điều hết sức quan trọng.

-1714585499374381372125.jpg

NSND Quang Thọ khi tham gia chương trình Ký ức vui vẻ trên VTV3.

Được biết, hai người con trai của NSND Quang Thọ hiện cũng đang theo đuổi con đường âm nhạc. Liệu định hướng âm nhạc của con trai có được ảnh hưởng từ ông?

Tôi có 2 người con trai cũng lớn tuổi rồi, cậu cả năm nay gần 40 tuổi là một giảng viên âm nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và cũng hát dòng hát chính thống như opera, nhạc thính phòng là chính. Ngoài ra cũng hát ca khúc cách mạng như ngày xưa chúng tôi hát, các ca khúc đương thời thanh niên họ thích, điều đó không thể không có được vì trong cuộc sống âm nhạc phải đa màu sắc. Thế nhưng điều cơ bản nhất là mình giữ được phong cách và cốt cách của âm nhạc chính thống. Tôi cũng rất tự hào vì những người đi theo mình, con cháu mình vẫn giữ được truyền thống đó.

Lần gần đây nhất NSND Quang Thọ cùng con trai kết hợp trong một ca khúc cách mạng là khi nào?

Rất nhiều lần kết hợp. Kể cả khi ghi hình hay biểu diễn trong các chương trình 2 bố con vẫn hát chung với nhau những bài hát cách mạng, ví dụ như: Trường ca sông Lô, Người Hà Nội, Cung đàn mùa xuân. Nhân đầu năm mới vừa rồi 2 bố con cũng hát chung một bài rất hay đó là bài Cung đàn mùa xuân.

Truyền thống của một gia đình theo dòng nhạc chính thống sẽ được nối tiếp như thế nào, thưa ông?

Nhà tôi đang ở có một trung tâm dạy nhạc và dạy hát là chính. Ngoài việc giảng dạy chính quy ở nhà trường thì cậu con trai cả của tôi vẫn dạy thêm cho các em có mong muốn được học hát. Đây là trách nhiệm của những người thầy dạy hát như chúng tôi.

Các cháu tôi vẫn còn bé, chưa học hát được, mới chỉ cho học đàn thôi nhưng có rất nhiều con cháu của những người bạn đã trưởng thành cũng đến để học hát. Chúng tôi cũng dạy các cháu những bài hát cách mạng, truyền đạt những kỹ thuật về thanh nhạc và cho các cháu hiểu thêm về những bài hát cách mạng.

Điều mà tôi trăn trở nhất là làm sao giữ được truyền thống của gia đình - là một gia đình làm âm nhạc đã mấy chục năm. Làm sao qua những bước thăng trầm của đất nước từ thời kỳ tiếng hát át tiếng bom, thời kỳ mưa bom bão đạn, thời kỳ sau khi giải phóng có rất nhiều nguồn âm nhạc chi phối nhưng bản thân chúng tôi vẫn duy trì và giữ được cốt cách từ xưa đến nay đã được đào tạo.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022