Trao đổi với Báo An ninh Thủ đô, anh Nguyễn Văn Quân, cư trú tại tầng 4, khu tập thể Thành Công (Hà Nội) cho biết, cả gia đình đang ăn cơm và cảm nhận rõ sự rung lắc của tòa nhà. Có người cảm thấy chóng mặt, choáng váng như say tàu, xe.

Chị Nguyễn Ngọc Thanh sống ở tầng 20, một tòa chung ở tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, cảm thấy rõ đợt rung lắc kéo dài trong khoảng 10-15 giây. Nhiều khu vực khác tại Hà Nội cũng ghi nhận hiện tượng này, nhất là tại các chung cư cao tầng. Một số nơi còn ghi nhận đồ đạc bị rung, xô lệch…

11615730324200459716277063366688187810898243-n-1595828917834-1412.jpg

Một người dân sống trong tòa chung cư cao tầng ở khu vực Thanh Xuân, Hà Nội cũng cho biết chị thấy rung lắc nhưng không nghĩ là có động đất, mà tưởng mình bị chóng mặt.

Liên quan đến hiện tượng trên, trao đổi trên báo Dân trí, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, sự rung lắc tại các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội mà mọi người cảm nhận được là do ảnh hưởng của trận động đất tại khu vực tỉnh Sơn La.

Theo đó, vào hồi 05 giờ 14 phút 51 giây (giờ GMT) ngày 27 tháng 7 năm 2020 tức 12 giờ 14 phút 51 giây (giờ Hà Nội) ngày 27 tháng 7 năm 2020, một trận động đất có độ lớn 5.3 xảy ra tại vị trí có tọa độ (20.83 độ vĩ Bắc, 104.65 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 14 km. Động đất xảy ra tại khu vực tỉnh Sơn La. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 vùng chấn tâm.

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Hà Nội từng nhiều lần bị ảnh hưởng bởi dư chấn của các trận động đất lớn ở khu vực khác. Gần đây nhất, sáng 28/11/2019, hai trận động đất liên tiếp ở khu vực Trùng Khánh, Cao Bằng và biên giới Việt Nam (Cao Bằng) -Trung Quốc đã khiến một số khu vực bị rung chấn, trong đó có Hà Nội. Nhiều tòa nhà cao tầng đã có hiện tượng rung lắc nhẹ...

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022