Vào năm 2014, Ryan Hogue kiếm được 85.000 USD/năm (xấp xỉ 2,12 tỷ đồng) với tư cách là một lập trình viên. Thu nhập đó đủ để Ryan Hogue trang trải chi phí sinh hoạt nhưng anh cảm thấy mình đã dành quá nhiều thời gian cho công việc.

Ryan Hogue biết rằng có những cơ hội để kiếm thu nhập thụ động trong thương mại điện tử. Vì vậy, vào năm 2016, sau khi thử nghiệm "dropshipping" (một mô hình kinh doanh trong đó người bán không cần giữ bất kỳ sản phẩm nào trong kho), Ryan Hogue đã xem một bài đăng trên Reddit và được truyền cảm hứng để làm công việc in ấn theo yêu cầu.

Đến năm 2020, Ryan Hogue cảm thấy mình đã kiếm đủ tiền, anh quyết định bỏ công việc của lập trình viên và tập trung toàn thời gian cho công việc in ấn của mình.

Ngày nay, ở tuổi 33, Ryan Hogue kiếm được trung bình 14.600 USD/tháng (364 triệu đồng) từ thu nhập thụ động trong công việc kinh doanh in ấn theo yêu cầu. Điều tuyệt vời nhất mà Ryan Hogue cho biết, đó là anh chỉ làm việc một giờ mỗi ngày.

Ryan Hogue kể: "Thiết kế áo phông đầu tiên của tôi là một con quái vật hồ Loch Ness được vẽ khá xấu. Tôi bắt đầu sử dụng Adobe Photoshop nhưng cảm thấy quá khó để vẽ mà không tham gia bất kỳ khóa học nào.

ryan-1668048520141.jpg

Ryan Hogue (bên trái) kiếm được trung bình 14.600 USD/tháng (Ảnh: CNBC).

Bây giờ tôi sử dụng All Sunsets, Creative Fabrica và Vexels để tạo ra các thiết kế của mình. Các trang web này rất phù hợp cho những người bán bản in theo yêu cầu, những người không có nhiều kinh nghiệm thiết kế đồ họa, vì bạn có thể tải xuống các hình minh họa sử dụng cho mục đích thương mại thay vì tự làm.

Chi phí để làm thành viên của trang All Sunsets là 59 USD/năm (1,47 triệu đồng), Creative Fabrica là 4 USD/tháng (100.000 đồng) và Vexels là 22 USD/tháng (548.000 đồng).

Khi đưa ra các thiết kế, tôi nghiên cứu những từ khóa nào được khách hàng ưa chuộng, sử dụng tiện ích mở rộng DS Amazon Quick View và PrettyMerch Chrome. Đôi khi tôi in những chiếc áo lấy cảm hứng từ những khoảnh khắc văn hóa đại chúng và những sự kiện sắp diễn ra".

Ryan Hogue chia sẻ, khoảng 50% thu nhập thụ động của anh đến từ Amazon, nơi anh bán nhiều mặt hàng nhất. Chàng thanh niên thích nền tảng này vì không phải trả trước tiền cho hàng lưu kho.

Quá trình làm việc của Ryan Hogue khá đơn giản: Đầu tiên, anh sẽ tạo thiết kế áo phông và lưu dưới dạng tệp PNG, sau đó tải ảnh sản phẩm lên Amazon Merch on Demand, chọn loại sản phẩm và thêm mô tả. Sau đó, trang web này tạo ra một bản vẽ 3D về chiếc áo sẽ trông như thế nào ngoài đời thực.

Mỗi khi khách mua hàng, Amazon sẽ xử lý khâu sản xuất, vận chuyển và dịch vụ khách hàng. Người bán hàng kiếm được phí bản quyền từ 13% đến 37%, tùy thuộc vào loại sản phẩm và giá niêm yết.   

Sản phẩm bán chạy nhất của Ryan Hogue là áo phông. Anh thu 19,99 USD/chiếc áo (497.000 đồng), tính phí bản quyền 26% cho mỗi lần bán, tương đương với 5,23 USD lợi nhuận (131.000 đồng).

Ngoài áo phông, Ryan Hogue còn bán các thiết kế của mình trên áo nỉ, cốc, mũ và các phụ kiện khác như vỏ điện thoại.

Ryan Hogue luôn lên danh sách các sản phẩm của mình để tạo ra lợi nhuận ít nhất 5 USD (124.000 đồng) cho mỗi lần bán hàng. Với áo nỉ, anh chàng thu lợi nhuận 10 USD/chiếc (249.000 đồng).

Một nền tảng khác mà Ryan Hogue sử dụng là Printful, theo anh, đây là một cách không tốn kém để đưa sản phẩm đến với nhiều người hơn. Printful in, đóng gói và vận chuyển các thiết kế mà Ryan Hogue liệt kê trên eBay và Etsy.  

Ryan Hogue nói, trong giờ làm việc, anh chủ yếu tạo ra các thiết kế mới, lập danh sách sản phẩm và tìm hiểu thêm về các công cụ có thể giúp anh tự động hóa công việc kinh doanh của mình.

Ryan Hogue cũng lập một kênh YouTube và tạo các khóa học trực tuyến để chia sẻ kiến thức của mình. Chàng thanh niên muốn mọi người biết rằng, họ không cần bằng cấp về thiết kế đồ họa để thành công trong lĩnh vực kinh doanh in ấn theo yêu cầu. Họ chỉ cần một chút sáng tạo và rất nhiều nỗ lực.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022