Trước việc người nông dân trồng chuối ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) lâm vào cảnh khốn đốn vì bị thương lái ép giá xuống thấp đến mức không ngờ, hàng ngàn tấn chuối có nguy cơ bỏ hỏng vì thương lái không mua nhiều đơn vị, trường ĐH ở TPHCM và Đồng Nai đã chung tay vào chiến dịch “giải cứu” chuối cho nông dân huyện này.
Từ ngày 21/2, Đoàn thanh niên và Hội sinh viên trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM tổ chức bán chuối cho nông dân với mức chấp nhận được. Giá chuối được Hội sinh viên mua vào khoảng 5.000 đồng /kg từ vườn ở Trảng Bom, Đồng Nai và được vận chuyển về TPHCM bán lại với giá từ 7.000 - 9.000 đồng/kg. Khách đến mua chuối không chỉ là sinh viên, thầy cô, nhân viên trong trường mà rất nhiều người đi đường ghé ủng hộ..
Đinh Thị Quỳnh Anh – sinh viên năm 3 đồng thời là chủ nhiệm CLB truyền thông của trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm chia sẻ rằng công việc những ngày đầu khá vất vả và chưa quen nhưng các sinh viên rất hào hứng.
“Nhiều bạn sinh viên nam phải thức từ sớm 2-3h sáng đón các xe chở chuối từ Đồng Nai đến và đích thân các bạn vận chuyển vào trường kịp để bán cho khách. Hơn nữa đây là thời điểm vẫn phải học trên lớp nên chúng em vừa tham gia hoạt động bán chuối nhưng vẫn phải đảm bảo việc học.
Dù không phải là giải pháp rốt ráo nhưng phần nào đóng cũng đóng góp chút sức mình hỗ trợ cho nông dân nên chúng em cảm thấy vui”, sinh viên Quỳnh Anh bộc bạch.
Đến nay, với “chiến dịch cứu chuối” kéo dài hơn một tuần, sinh viên trường đã bán được gần 10 tấn chuối. Tương tự, Đoàn – Hội sinh viên trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) cũng đã chung tay bán hàng cho nông dân ngay tại cổng trường cơ sở 1 và cơ sở 6 của trường.
Không dừng lại ở giải pháp tạm thời là bán chuối nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt cho nông dân, các sinh viên trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm cũng đã tính đến hướng đi lâu dài hơn cho nhiều nông sản khác.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn – Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ và đào tạo trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết từ ngày 28/2 nhà trường bắt đầu phát động chương trình tìm kiếm ý tưởng đổi mới sáng tạo và ươm mầm khởi nghiệp với chủ đề: “Sáng tạo cho Nông sản Việt”.
Lý giải thêm về chương trình này, ông Sơn chia sẻ rằng “hoạt động liên quan đến việc khởi nghiệp của sinh viên hiện rất nhiều và rải rác ở nhiều lĩnh vực, nhân sự kiện “cứu chuối” vừa qua nhà trường muốn phát động một chương trình tập trung hơn. Đồng thời qua đó cũng mong muốn gửi một thông điệp đến các sinh viên rằng “khi khởi nghiệp thì các em nên có sự trải nghiệm”, hãy gắn với thực tế cuộc sống, giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội chứ không nên chỉ ngồi trên bàn giấy mà nói chuyện khởi nghiệp. Hãy tham gia để cảm được, hiểu được những vấn đề phát sinh mới có động lực để phát triển được ý tưởng”.
Theo ông Sơn, điều đáng mừng là ngay khi trường công bố chương trình đã nhận được đăng ký ý tưởng của sinh viên. Đó là ý tưởng của sinh viên Đoàn Công Duy học năm cuối ngành Công nghệ hoá học về việc làm bột chuối làm bột bổ sung trong các sản phẩm bột dinh dưỡng. Trong khi đó, sinh viên Trần Quang Huy thì đưa ý tưởng sản xuất bột thốt nốt để làm gia vị; sinh viên Phạm Chí Bảo đề xuất sản xuất tinh dầu bơ…
Bên cạnh đó, cũng có nhóm sinh viên đưa ý tưởng về xây dựng phương thức tính giá thành sản phẩm và kết nối thị trường cho nông dân; ý tưởng về công nghệ thông tin trong việc kết nối và chia sẻ thông tin nông sản,…. “Chương trình sẽ cho đăng ký đến hết ngày 31/3 tới, hi vọng sẽ có thêm nhiều ý tưởng độc đáo nữa của sinh viên”, ông Sơn nói.
Điểm khác biệt của chương trình tìm kiếm này ở chỗ các giảng viên không nằm vai trò Ban giám khảo (BGK) mà nằm vai trò người hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, các doanh nghiệp sẽ là BGK. Phần thưởng cho ý tưởng khả thi cao chỉ là một khoản tiền nhỏ khích lệ và cái lớn hơn các nhóm đoạt giải nhận được là các khóa huấn luyện về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với các nhà khoa học, các doanh nhân và có cơ hội nhận được đầu tư từ các doanh nghiệp. Từ những góp ý đó, các đề tài này có thể phát triển hoặc xây dựng ý tưởng mới khả thi cao.
Ông Sơn cho rằng chương trình không dừng lại chuyện tìm giải pháp cho việc bán chuối mà còn hướng đến những gì phục vụ cho hàng loạt nông sản khác như phương án về tài chính, về giảng dạy đào tạo, giống, phân bón, bảo quản, logistics nông sản, chế biến, thu hoạch… các doanh nghiệp sẽ tham gia đánh giá những ý tưởng này và sẵn sàng đầu tư nếu thấy khả thi. Đây cũng là hoạt động nghiên cứu khoa học dù có thể không lớn lao nhưng sẽ giải những bài toán thực tế mà chúng ta đang mắc phải cụ thể ở đây chính là những giá trị thương hiệu của nông sản Việt trong tương lai.
Lê Phương