Ấm ức phát khóc vì một mình làm bài tập nhóm
Cụ thể, trong clip ghi lại hình ảnh một nữ sinh bật khóc kèm dòng chữ: "Hôm nay mình học cả ngày, lớp mình có một bài tập nhóm, mình nhắn tin năn nỉ các bạn làm bài để kịp nộp cho cô nhưng không ai làm, có làm thì làm cho có. Giờ mình phải tự một mình ngồi đây làm bài thuyết trình ấy… Mình ghét bài tập nhóm".
Ngay lập tức, nhiều người đã để lại bình luận thông cảm và động viên nữ sinh. Bên cạnh đó, không ít người cũng đã chia sẻ câu chuyện của chính mình khi phải chịu trách nhiệm cho bài tập của cả nhóm. Có thể thấy, "teamwork" - "taowork" là một tình trạng phổ biến mà ai cũng gặp phải ít nhất một lần.
Clip Ngọc Ngân vừa khóc vừa chia sẻ sự ấm ức vì phải làm bài tập cho cả nhóm thu hút nhiều sự chú ý (Ảnh: Chụp màn hình).
Trao đổi với phóng viên, nữ sinh trong clip cho biết: "Mình là Ngọc Ngân, hiện đang là học sinh lớp 12. Trong lần làm bài tập này thì mình là trưởng nhóm, nhóm được cô phân công cố định là 5 thành viên. Cô nói là mỗi nhóm phải đủ 10,11 thành viên thì mới được nên những bạn sau vào là do tự nguyện".
Mình giao việc cho từng thành viên, nhưng tối hôm sau nhắn tin hỏi thì bạn phụ trách làm PowerPoint bảo chưa biết phải làm sao. Mấy bạn tìm nội dung và hình ảnh thì chưa ai gửi, mình có nhắc các bạn tranh thủ làm nhưng hôm sau chỉ có một bạn đưa nội dung thôi".
Ngọc Ngân cảm thấy vô cùng ấm ức và tủi thân vì bản thân là nhóm trưởng nhưng lại không được các thành viên tôn trọng. Vì vậy, nữ sinh đã quay lại một clip để đỡ tủi thân rồi đăng lên nền tảng TikTok. Chính cô bạn cũng không ngờ clip được lên xu hướng và nhận về nhiều sự quan tâm đến vậy.
Phải làm sao để tránh "teamwork" trở thành "taowork"?
Sau khi trải qua lần làm bài tập nhóm không được như mong muốn, Ngọc Ngân đã có cho mình nhiều bài học kinh nghiệm. Nữ sinh chia sẻ: "Bài học mình rút ra được là khi làm việc nhóm thì nên làm với các thành viên phù hợp. Bản thân mình cũng cần chủ động hơn trong việc tìm thành viên hợp tác với mình".
Cần nhiều biện pháp từ học sinh và giáo viên để việc làm bài tập nhóm được hiệu quả (Ảnh: Pexels).
Không khó để nhận ra rằng, tình trạng một vài cá nhân có trách nhiệm và năng lực trở thành người "gánh team" và ôm đồm công việc cho cả nhóm đang ngày càng phổ biến. Để giải quyết tình trạng này, cần sự thay đổi của không chỉ các thành viên, trưởng nhóm mà ở cả giáo viên và nhà trường.
Là một giáo viên thường xuyên giao bài tập nhóm cho học sinh, cô Vũ Thị Hằng (giáo viên trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình) nhận ra rất nhiều lợi ích từ việc cho học sinh làm việc tập thể. Tuy nhiên, việc "teamwork" trở thành "taowork" cũng là một vấn đề khiến cô suy nghĩ.
Cô Vũ Hằng đã thực hiện một số phương pháp để hạn chế tối đa tình trạng này xảy ra. Cô chia sẻ: "Hoạt động nhóm hay bất cứ một hoạt động nào được tổ chức trong giờ học cũng có ưu và nhược điểm. Vì vậy quan trọng là giáo viên cần hiểu rõ bản chất hoạt động đó để sử dụng hiệu quả trong giờ học của mình.
Để tránh hiện tượng chỉ có một vài cá nhân chịu trách nhiệm công việc cho cả nhóm, giáo viên nên yêu cầu nhóm có bảng phân chia nhiệm vụ rõ ràng, có phiếu đánh giá đóng góp hoạt động nhóm lẫn nhau giữa các học sinh khi kết thúc hoạt động nhóm. Nên bốc thăm người trình bày chứ không cho nhóm chỉ định".
Làm bài tập nhóm là một trong những hình thức giúp học sinh làm quen với các công việc tập thể, trau dồi các kỹ năng và giúp các bạn gắn kết với nhau hơn.
Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi những "tác dụng phụ" mà hình thức này mang lại. Cần có những biện pháp không chỉ từ học sinh, sinh viên mà từ cả giáo viên, giảng viên và nhà trường để hạn chế tối đa tình trạng này.