Trong thời gian giãn cách xã hội, một phụ nữ 65 tuổi ở Ấn Độ đã khiến con cháu phải ngạc nhiên khi bắt đầu sử dụng TikTok để có thể xem và theo dõi "Dancing Dadi" - cụ bà 62 tuổi nổi tiếng trên mạng xã hội với các clip vừa hát vừa nhảy múa.
Bà vốn là một người hoàn toàn không thích công nghệ, vậy mà đã mua một chiếc iPad, kết nối Internet tốc độ cao và tìm cách tạo tài khoản TikTok, tất cả chỉ để xem Dancing Dadi không bị gián đoạn.
Những người lớn tuổi, như người phụ nữ 65 tuổi nói trên và Dancing Dadi đều đang cố gắng phá bỏ những định kiến tiêu cực và lầm tưởng về tuổi già.
Nhiều người lớn tuổi dùng TikTok để xóa tan định kiến về tuổi tác (Ảnh: Shutterstock).
Nếu như người phụ nữ 65 tuổi xóa bỏ định kiến rằng người lớn tuổi không thể nắm bắt công nghệ hoặc hiểu các phương tiện truyền thông xã hội, thì Dancing Dadi đã phá vỡ định kiến rằng phụ nữ lớn tuổi không còn đủ năng lượng để nhảy hoặc thể hiện niềm vui thông qua chuyển động - và đang sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để chứng minh điều đó.
Nghiên cứu gần đây của Đại học Singapore đã chỉ ra rằng điều này không bất thường như bạn nghĩ. Nhiều người lớn tuổi tìm đến TikTok - mạng xã hội vốn được mặc định là dành cho Gen Z - để thay đổi trải nghiệm của quá trình lão hóa và chống lại định kiến về tuổi tác.
Những khuôn mẫu tồn tại như thế nào?
Khuôn mẫu là niềm tin, sự kỳ vọng hay mối liên hệ, về khả năng, sở thích và kiểu tính cách của một nhóm nào đó, thường được khái quát hóa quá mức và do đó không chính xác. Ví dụ, nam giới thường gắn liền với quyền lực và sự nghiệp, trong khi phụ nữ thường gắn với gia đình và thiếu quyền lực.
Tương tự như vậy, người lớn tuổi trên 60 tuổi thường bị mặc định là nhóm dân số ốm yếu, nhàm chán, không có khả năng sử dụng công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội.
Câu hỏi đặt ra là: Những mặc định như vậy có đúng không và chúng có đáng tin cậy trong quá trình ra quyết định hay không? Nhiều người trong chúng ta có thể không thừa nhận rằng mình nghĩ như vậy, nhưng khi đứng trước sức ép phải ra quyết định, liệu chúng ta có chống lại được với những hạn chế về nhận thức của bản thân và hình thành nên những ý kiến thiên lệch? Đó là cách mà các khuôn mẫu dẫn đến nhận thức thiên lệch, việc có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử.
Đập tan định kiến
Cách duy nhất để tháo gỡ tâm trí khỏi những định kiến trong tiềm thức của chúng ta là phá bỏ những định kiến này. Tuy nhiên, thách thức những định kiến, thay đổi xã hội và giảm thiểu những thành kiến trong tiềm thức dẫn đến phân biệt đối xử không phải là điều dễ dàng.
Nhưng những người muốn xóa tan định kiến tiêu cực của tuổi già đã bắt đầu một cuộc cách mạng truyền thông xã hội trên nền tảng video phổ biến của TikTok. Thông minh, hài hước và thường hướng đến giới trẻ, 41% người dùng TikTok dưới 24 tuổi - nhưng khoảng 14,5% người dùng trên 50 tuổi.
Không ít nội dung cho người già sáng tạo trên nền tảng TikTok thu hút cả triệu view (Ảnh: Up Media).
Giống như kết quả nghiên cứu của Đại học Singapore, ngày càng nhiều người lớn tuổi sử dụng TikTok như một phương tiện truyền thông xã hội để cho thế giới thấy cuộc sống, quan điểm và niềm vui của họ.
Các nhà nghiên cứu đã tổng hợp các video được xem nhiều nhất trên TikTok của những người trên 60 tuổi với ít nhất 100.000 người theo dõi. Kết quả là có tới 1.382 bài đăng với hơn 3,5 tỷ lượt xem. Sau đó, một phân tích chuyên sâu đã cho thấy cách người lớn tuổi chủ động tham gia TikTok để vượt qua những định kiến tiêu cực và thách thức quan niệm xã hội về "tuổi già".
Những người sáng tạo nội dung mang tính cách mạng này là những người dùng trên 60 tuổi và tạo ra nội dung lan truyền cho hàng triệu người theo dõi của họ. Những người này thể hiện sự khôn ngoan, hoạt bát, nghị lực và quyết liệt, chứng minh rằng ông ngoại có thể là những người làm nghề bán hàng và bà có thể là người quyến rũ.
Trong một thế giới quá quan tâm đến vấn đề hòa nhập, những người lớn tuổi thường ở cuối danh sách ưu tiên. Sự tham gia của họ vào TikTok đã nhắc nhở tất cả chúng ta về giá trị và tính nhân văn của một bộ phận xã hội vốn thường bị bỏ qua một bên.