Người trẻ mắc trầm cảm ngày càng nhiều

ThS.BS Lê Công Thiện (Viện sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Trầm cảm có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là từ 18-45 tuổi và đang có nguy cơ trẻ hóa”.

photo-0-1500164867969.jpg

Thanh niên xăm kín mặt.

Ngày 8/7, trên facebook phát trực tiếp một “ca” xăm toàn bộ khuôn mặt được coi là “vì thất tình” của thanh niên khoảng 20 tuổi, quê Long An.

Đa số comment phản đối hành động này, nhiều người thậm chí nặng lời chỉ trích hành động này là “điên rồ”, “chặt đứt tương lai của mình”, “bế tắc đến mức hủy hoại thân thể” v.v…

Không lâu trước đó, mạng xã hội cũng “nổ tung” vì một clip nữ sinh ở Nghệ An rạch cổ tay sau khi chia tay bạn trai. Chỉ trong vòng một ngày, số người theo dõi và share clip của nữ sinh này đã chạm mốc 30.000 lượt.

photo-1-1500164867982.jpg

Cô gái ở Nghệ An cắt tay ngay sau khi chia tay người yêu.

Theo bác sĩ Thiện, tất cả những ca trầm cảm chúng ta có thể nhìn thấy, nghe thấy đều chỉ là bề nổi của tảng băng. Không thiếu người âm thầm hành hạ bản thân hoặc tìm đến cái chết mà không có ý định đăng lên facebook hay thông báo cho người thân. Thậm chí lượng bệnh nhân nhập Viện hàng ngày để chữa trầm cảm cũng chỉ phản ánh một con số rất nhỏ người thực sự cần chữa trị.

Bác sĩ Thiện nhấn mạnh: "Riêng tại Hà Nội đã có khoảng gần 10 trung tâm khám chữa và tư vấn tâm thần, chưa kể các phòng khám riêng. Rất nhiều phụ huynh phải đấu tranh rất lâu trước khi cho con đi khám tâm thần vì ngại mang tiếng trong nhà có người “điên”.

Các hệ lụy của trầm cảm cũng ngày càng đa dạng và khó đối phó hơn. Thể nặng nhất là bệnh nhân bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn hoặc tìm cách tự sát. Ở Việt Nam chưa có thống kê cụ thể về số lượng những người tử vong do trầm cảm.

Tại Mỹ (theo nghiên cứu của trường Đại học Y Colorado Anschutz), hội chứng ngược đãi bản thân (Self-harm) là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong tại bang Colorado (Hoa Kỳ) từ khoảng năm 2004 đến 2014, đứng trước cả các nguyên nhân gây tử vong khác như tai nạn xe cộ, điều kiện y tế và bị sát hại.

Bất cứ thất bại nào cũng có thể gây trầm cảm

"Thử thách Cá voi xanh” không phải là một câu chuyện “của nước ngoài”, nó đã lan đến Việt Nam. Một bệnh nhân của bác sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Phượng (Bệnh viện tâm thần Mai Hương, Hà Nội) kể rằng cậu bị trò chơi này kích thích, và chỉ cảm thấy mình “có ý nghĩa” khi bắt đầu dùng dao rạch lên cơ thể.

Theo Ths tâm lý Nguyễn Lan Anh, những cơn trầm cảm thể nặng hầu như đều bắt đầu từ những khủng hoảng dạng vừa của tuổi vị thành niên. Khi đó, những khủng hoảng vẫn còn ở mức đơn thuần và có thể kiểm soát, như khủng hoảng ước mơ (không biết mình muốn gì để chọn trường, chọn nghề), khủng hoảng giao tiếp (không được nhiều người yêu quý), khủng hoảng giới tính v.v…

Càng lớn lên, các mối quan hệ xã hội phức tạp dần, “cơn khủng hoảng” có thể phình to thành trầm cảm. Nếu không được can thiệp, chữa trị sớm thì “hậu quả khôn lường”.

Đầu năm nay, cả nước Nga giật mình vì một thanh niên 21 tuổi, đã kích động một trò chơi “chết người” tên là “Thử thách Cá voi xanh”. Theo đó, người này chọn 20 người trong số 20.000 người quan tâm đến trò chơi để đưa ra các nhiệm vụ trong 50 ngày như dùng dao khắc hình cá voi trên tay, xem phim kinh dị, cắt mạch máu, giữ thăng bằng trên mái nhà cao tầng, thức dậy lúc 4h sáng, giết một con vật và cuối cùng là tự sát vào ngày cuối cùng.

Trò chơi này đã trở thành trào lưu trong giới trẻ, gây ra cái chết của 130 thiếu niên ở Nga và nhanh chóng lan sang Anh khiến cảnh sát Anh liên tục phải cảnh báo, tuyên truyền ngăn chặn xu hướng này ở các trường học.

Bác sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Phượng (Bệnh viện tâm thần Mai Hương, Hà Nội) cho biết: “Áp lực học hành, thi trượt, thất tình, mặc cảm giới tính, không tìm thấy ý nghĩa sống, thậm chí “đua đòi”, muốn chứng tỏ mình “ngầu” v.v… khiến nhiều thanh niên rơi vào tình trạng ngược đãi bản thân từ thể nhẹ đến nặng, nhất là ở lứa tuổi teen (từ 13-19 tuổi). Đây là giai đoạn quá độ giữa “thiếu niên” và “trưởng thành”, thuật ngữ tâm lý học gọi là thời kỳ “giông bão và stress”.

Cũng theo bác sĩ Phượng, “Thử thách Cá voi xanh” không phải là một câu chuyện “của nước ngoài”, nó đã lan đến Việt Nam.

Một bệnh nhân của chị kể rằng cậu bị trò chơi này kích thích, và chỉ cảm thấy mình “có ý nghĩa” khi bắt đầu dùng dao rạch lên cơ thể. Trước đó bệnh nhân thi trượt cấp 3 và mong ước đi du học Mỹ nhưng gia đình không đáp ứng. Cậu sa đà vào “Thử thách cá voi xanh” và đã phải dùng thuốc để điều trị.

ThsBs Lê Công Thiện (Viện sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Nhiều bệnh nhân có nguyên nhân phát bệnh rất bất ngờ, ví dụ như: cãi nhau trên facebook, bị người yêu chụp ảnh nude tống tình, thi trượt, đổ vỡ thần tượng v.v…

Nếu bình thường, biết cách xử lý thì nó chỉ là một sang chấn tinh thần nho nhỏ. Nhưng nếu người nhà không kịp thời phát hiện và can thiệp, bệnh nhân có thể phải dùng thuốc cả đời hoặc tự vẫn. Đối với tất cả mọi triệu chứng trầm cảm, thời gian phát hiện càng sớm thì khả năng hồi phục càng khả quan”.

photo-2-1500164867992.jpg

Đi du lịch là một cách chữa trầm cảm hiệu quả.

Tự chữa trị

Theo kinh nghiệm của bác sĩ Nguyễn Ngọc Phượng, rất nhiều bệnh nhân đã tự “chữa trị” cho mình và chấm dứt tình trạng trầm cảm nhờ vào những liệu pháp khá đơn giản.

Đi du lịch, tách mình khỏi môi trường tù túng ngột ngạt là một phương pháp dễ thực hiện và có hiệu quả tương đối cao. Có đến gần 50% bệnh nhân của bác sĩ Phượng vượt thoát được stress nhờ vào phương pháp này mà không cần dùng thuốc.

Bác sĩ Phượng tích cực khuyên bệnh nhân và người nhà “đi du lịch” từ sau khi đọc được thông tin trên trên tạp chí Schizophrenia Bulletin: ở đó các nhà nghiên cứu của một trường Đại học tại Anh kết luận: thanh thiếu niên sống ở nông thôn ít bị trầm cảm hơn so với ở thành phố 40%.

Một số bệnh nhân phản hồi lại: họ cảm thấy không khí bên ngoài tự do và “ít xét nét” hơn thành phố. Thêm nữa, đi xa một chuyến, có điều kiện cho những căng thẳng lắng lại, sẽ thấy thế giới bên ngoài rất rộng lớn, nhiều người trong số đó sau đó trở thành những người mê du lịch và thường xuyên dùng cách “đi chơi” để giải tỏa căng thẳng.

Một cách khác để giải tỏa tâm trạng xấu là tìm một thú vui nào đó mà bản thân say mê để “đánh lạc hướng” cơn trầm cảm. Có thể là chơi nhạc, vẽ, nhảy múa, tập võ, tập nấu ăn, pha chế đồ uống, tập viết văn, nuôi thú cưng v.v…

Nghệ sĩ guitar Lê Hùng Phong kể: giai đoạn thanh niên từng có lúc anh bị sa đà vào “thói hư tật xấu” và cảm giác mất thăng bằng. Sau đó, nhờ tập trung chơi guitar, những cảm xúc tiêu cực mất dần đi. Sau này, anh Phong luôn chú ý đến việc dạy guitar cho thanh niên, nhất là lứa tuổi dậy thì, một phần có nguyên nhân để các bạn “tập trung vào việc tốt và quên việc xấu”.

Ca sĩ Văn Mai Hương cũng từng có thời gian dài bị trầm cảm, phải hủy show và bồi thường hợp đồng liên tục. Khi đó mọi chú ý của cô chỉ dồn vào một chú cún cưng. Mất khá nhiều thời gian và cả sự tư vấn tâm lý từ bác sĩ, Mai Hương mới ổn định trở lại.

photo-3-1500164868000.jpg

Học vẽ là một cách thư giãn tốt cho cả người trẻ và người lớn tuổi.

Nữ họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan từng dùng cách “vẽ liên tục” để giúp mình qua giai đoạn trầm cảm. Vào tháng 9 tới, tranh của chị trong giai đoạn này sẽ được triển lãm trong một dự án về chứng bệnh trầm cảm, rối loạn lo lắng tổng quát tại TP. Hồ Chí Minh.

Trong trường hợp những cố gắng thay đổi lối sống không giải quyết được vấn đề, vậy thì bạn nên tìm đến bác sĩ tâm lý để được trợ giúp. Các địa chỉ khám tâm thần và tư vấn tâm lý: Viện sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai; Khoa Tâm thần - Viện 103; Khoa Thần kinh - Viện Nhi TW; Bệnh viện Tâm thần TW I; Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương; Phòng khám số 1- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Phòng khám của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Tại các tỉnh: Bệnh viện tâm thần tỉnh; Khoa Tâm thần trong Bệnh viện Đa khoa Tỉnh.

Theo thống kê của Viện sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ thanh niên và trẻ vị thành niên đến khám và điều trị tại Viện đang tăng. Trong năm qua, Viện khám và điều trị ngoại trú cho hơn 18.000 bệnh nhân mắc trầm cảm, chiếm 30% tổng số bệnh nhân nhập viện.

Theo Hạnh Đỗ

Tiền phong

Tag :, , , , ,

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022