Dẫu phải đón một cái Tết xa nhà hay được trở về nhà sau hơn 3 tháng chi viện phòng chống dịch Covid-19, nhưng với họ "mùa xuân ở lại" này sẽ là ký ức đẹp nhất về một thời sinh viên tại ngôi trường kỷ luật thép mang tên Học viện Cảnh sát Nhân dân (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Cây đào đã nở, Tết này con có về không?
9 tháng kể từ ngày kết thúc khóa huấn luyện tại K02, Anh Thư vẫn chưa được về thăm bố mẹ, gác lại nỗi nhớ "bông hồng thép" vẫn quyết định tình nguyện ở lại trực Tết Nguyên đán.
Phạm Hoàng Anh Thư (giữa, sinh năm 2001, quê Lạng Sơn) hiện là học viên lớp B1B-D46, Học viện Cảnh sát Nhân dân (Ảnh: Dương Ngô).
Anh Thư chia sẻ: "Là năm đầu tiên phải đón Tết xa nhà, cảm xúc của em bây giờ thật khó tả có một chút buồn nhưng cũng tràn đầy niềm tự hào. Mang trên mình màu áo xanh của người học viên Cảnh sát Nhân dân, em nghĩ đó chính là góp một sức nhỏ cho những bạn ở xa, có hoàn cảnh khó khăn được về đoàn viên".
Nhận được cuộc gọi từ mẹ báo hoa đào đã bắt đầu nở và đối mặt với câu hỏi: "Tết này con có về không?". Anh Thư như chết lặng và không giấu được cảm xúc mà bật khóc trả lời: "Năm nay con ở lại trực, bố mẹ ở nhà ăn Tết giữ gìn sức khỏe ạ!".
Anh Thư sẽ cùng hơn 200 học viên trực đợt 1 từ ngày 21/1 đến ngày 2/2 (tức mùng 2 Tết). Nhiệm vụ chính là trực tại các chốt gác và sẵn sàng chi viện khi cần thiết.
Anh Thư cùng ở lại đón Tết với những học viên Lào, nhờ đó mà tình hữu nghị Việt - Lào thân thiết nay lại càng keo sơn hơn (Ảnh: Dương Ngô).
Từ một tân sinh viên Đại học Luật, Anh Thư đã quyết tâm thi lại để trở thành học viên Học viện Cảnh sát Nhân dân. Chính điều đó đã giúp nữ học viên mạnh mẽ, tự động viên mình và bố mẹ bởi "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?".
"Con cứ yên tâm trực, ông bà sẽ chờ con về"
Đêm giao thừa, mỗi người một góc rưng rưng nước mắt gọi về cho người thân. Vũ cũng không giấu được cảm xúc mà gọi về cho bố mẹ ở nhà.
Trần Thế Vũ (sinh năm 2002, quê Lạng Sơn) hiện là học viên lớp B1E-D46, Học viện Cảnh sát Nhân dân.Các học viên khóa D46 của Vũ được cùng nhau gói bánh chưng, cũng chuẩn bị và thực hiện các công đoạn y như lúc ở nhà.Với Vũ, điều đáng sợ nhất không phải là ở lại trực Tết mà là nỗi buồn của bố mẹ ở nhà những ngày này.
"Điều đáng sợ nhất không phải là ở lại trực Tết mà đó chính là nỗi buồn của người ở nhà. Bố mẹ em thì rất ít khi bộc lộ cảm xúc của mình bằng lời nói mà chủ yếu là hành động. Nhưng cảm xúc cũng chẳng thể đánh lừa được đôi mắt đỏ hoe ấy.
Vũ tình nguyện vì biết mình vẫn còn may mắn khi có cả bố mẹ ở đó chờ ta trở về, nên Vũ sẽ nhường cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn, ở xa về trước.
Ông bà năm nay cũng đã ở cái tuổi đèn đã "cạn dầu", hơn ai hết Vũ hiểu Tết này quan trọng với ông bà biết nhường nào. Suốt cuộc nói chuyện ông bà vẫn cố gắng động viên mình "Con cứ yên tâm trực, ông bà chờ con về" đã tiếp thêm cho em sự mạnh mẽ và niềm hạnh phúc"", Vũ nói.
Vũ chọn một góc yên tĩnh để gọi về nhắn nhủ, động viên bố mẹ khi phải đón Tết thiếu đi con trai.
May mắn hơn Anh Thư và Vũ khi được trở về nhà cùng đón Tết với bố mẹ, nhưng Ngọc Anh vẫn chọn quay trở lại trường vào mùng 2 Tết để tình nguyện trực Tết.
Hoàng Ngọc Anh (sinh năm 2002, quê Tuyên Quang) hiện là sinh viên lớp B11-D46, Học viện Cảnh sát Nhân dân.
"May mắn hơn các bạn là được chuẩn bị Tết cùng gia đình, em cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì đã rất lâu rồi chưa được về thăm gia đình.
Em "thèm" lắm cái cảm giác đầm ấm của bữa cơm gia đình. Hơn nữa, em lại là con một, bố mẹ em cũng rất vui khi được Tết này cả gia đình được sum họp đầy đủ, quây quần hạnh phúc bên nhau", Ngọc Anh bộc bạch.
Là "bông hồng thép" mang trên mình bộ quân phục màu xanh thì việc tình nguyện quay trở lại trường trực Tết có ý nghĩa rất lớn đối với Ngọc Anh.
Cô coi đó như là "một sứ mệnh" của bản thân. Khi thực hiện nhiệm vụ này, dường như cô nàng đã trưởng thành, có trách nhiệm và hiểu hơn về công việc của người cảnh sát là chuyên chăm lo cho hạnh phúc của mọi người.
"Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ Quốc, Đảng và Nhân dân cần đến dù là Tết"
Phan Sỹ Hùng (sinh năm 1996, quê Hà Tĩnh) hiện là sinh viên lớp B8 - Khóa liên thông 35, Học viện Cảnh sát Nhân dân.
"Là một người chiến sỹ Công an nhân dân, mình luôn xác định trách nhiệm thiêng liêng của mình là "sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ Quốc, Đảng và Nhân dân cần đến".
Chính vì vậy, mình đã tình nguyện cùng đồng chí đồng đội xung phong vào tuyến đầu chống dịch hỗ trợ các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch Covid-19.
Việc học rất quan trọng tuy nhiên với tinh thần "vì nước quên thân, vì dân phục vụ" và muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vào cuộc chiến chống "giặc Covid-19", mình đã tiếp tục quyết tâm xung phong chi viện vào các tỉnh phía Nam", Hùng cho hay.
Bà ngoại của Sỹ Hùng mất từ ngày anh đi chống dịch ở Bắc Ninh, đến tận khi trở về lại vẫn chưa được về quê nhà ở Hà Tĩnh để thắp nén hương đưa tiễn bà mà tiếp tục xung phong chi viện vào Nam.
Tấm hình gia đình nhỏ theo anh trên mọi nẻo đường, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh trong mọi khó khăn, gian khổ.Công việc trực chốt tuy vất vả và nguy hiểm, nhưng từ giúp Hùng và các đồng đội cảm nhận rất rõ tình quân dân.
Là học viên năm cuối hệ liên thông tại Học viện Cảnh sát nhân dân, "mùa xuân này sẽ ở lại" trong ký ức đẹp nhất của Sỹ Hùng, bởi một mùa xuân mà tất cả đã cùng cố gắng góp sức mình cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh, không có gì ấm áp hơn khi chúng ta được quây quần bên mâm cơm gia đình sau một năm học tập và làm việc vất vả.
Bằng khen Sỹ Hùng mang về cho mẹ để nhìn lại về một năm đã qua.Món quà năm nay mình mang về cho bố mẹ là sức khỏe và những tấm bằng khen, giấy khen sau một năm đặc biệt và tôi luôn cảm ơn bố mẹ đã luôn ủng hộ, đồng hành cùng tôi trong mọi nhiệm vụ".
"Trả lại màu xanh cho những vùng đỏ khắc nghiệt", mang mùa xuân ấm áp đến mọi nhà
Nguyễn Vương Anh (sinh năm 1997, quê Sơn La) hiện là học viên lớp B12, khóa liên thông 35, Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Với sự cố gắng không ngừng nghỉ, thành quả khiến Vương Anh tự hào nhất chính là việc đã góp phần "Trả lại màu xanh cho những vùng đỏ khắc nghiệt" trên địa bàn tỉnh Long An, đó cũng là một "mùa xuân ở lại" về những ngày tháng không quên.
"Hai tháng chi viện chống dịch tại Long An tuy ngắn ngủi nhưng đầy gian nan, thử thách. Nhờ sự nỗ lực đêm ngày không ngừng nghỉ của cả đoàn công tác, từ tuần tra kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự; tăng cường các chốt kiểm soát dịch Covid-19, hướng dẫn, phân luồng giao thông và xử lý các vụ việc. Tham gia vào các tổ truy vết Covid-19 trong cộng đồng để nhanh chóng thực hiện khoanh vùng, dập dịch, giảm thiểu lây nhiễm trong cộng đồng.
Tham gia thực hiện các chương trình an sinh xã hội, vận chuyển, giúp đỡ, tặng quà hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho nhân dân gặp khó khăn trong đại dịch. Chính vì sự đồng lòng chung tay cùng cố gắng đó, chúng mình đã từng bước kiểm soát được tình hình dịch bệnh và từng bước tiến tới trạng thái bình thường mới", Vương Anh bộc bạch.
Nói là kỷ niệm đáng nhớ nhất thì quả thật là khó khăn với Vương Anh, mỗi ngày trôi qua đều là những kỷ niệm khó quên đối với mình về những tình cảm quân dân như cá nước, tình cảm đồng chí đồng đội quyết tâm, chặt bền (Ảnh: NVCC).
Tham gia chống dịch nhưng Vương Anh đã xuất sắc "mang giải về cho mẹ" với hơn 20 cuộc thi và đều giành giải cao nhất.Có thể nói, ở mùa xuân của cuộc đời, "mùa xuân ở lại" của những sinh viên của Học viện Cảnh sát Nhân dân mang trong mình nhiệt huyết căng đầy của mùa xuân tuổi trẻ.
Trong họ luôn có một niềm tin cháy sáng và lý tưởng sống cao đẹp được tôi luyện, hun đúc trong một môi trường thép đầy tri thức, tổ chức kỷ luật và văn hóa truyền thống.
Ảnh: Dương Ngô