smartphone-1643824312925.jpeg

(Ảnh: Getty Images).

Bạn có đang kiểm soát được smartphone của mình không, hay đang để nó kiểm soát bạn? Đôi khi thật khó trả lời. Một phút trước bạn còn đang chuyện trò với người thân qua FaceTime, phút sau đã đăng story cảm thán về bộ phim bạn gần đây mê mẩn. Sau đó nữa, bạn bị mắc kẹt trong danh sách phát video dài vô tận của TikTok và một buổi tối cứ thế trôi qua, bạn không còn thời gian cũng như sức lực để làm bất kỳ việc gì cả.

Ngày nay chúng ta thường không thể rời mắt quá lâu khỏi các thiết bị điện tử. Nhiều người nhận thức được điều này và tìm mọi cách để chống lại sự thôi thúc sử dụng smartphone. Một cuộc khảo sát vào năm ngoái của công ty nghiên cứu thị trường GWI cho thấy mọi người ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người trẻ, đang dần giới hạn thời gian dành cho mạng xã hội. 23% "Gen Y" và 25% "Gen Z" cho thấy sự quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần và cố gắng ít sử dụng mạng xã hội hơn.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng không phải cứ sử dụng mạng xã hội thì đều là vô bổ. Lướt Facebook một cách thụ động và so sánh cuộc sống của bạn với cuộc sống người khác chưa bao giờ là công thức để có được niềm vui. Mặt khác, biết cách tận dụng nó để tham gia hỗ trợ cộng đồng lại có thể.

Vì vậy, thay vì lên kế hoạch gạt phăng điện thoại ra khỏi cuộc sống của bạn, để rồi lại thấy bứt rứt khó chịu vài ngày sau đó, chi bằng thử điều chỉnh cài đặt trên các ứng dụng điện thoại để chúng ngốn ít thời gian của bạn hơn.

Facebook: Quản lý news feed

Nếu như không thể hoàn toàn từ bỏ Facebook, hãy thử nghĩ đến việc xóa ứng dụng này khỏi điện thoại và chỉ xem Facebook trên laptop. Sau đó, bạn có thể giảm bớt những thông tin ngớ ngẩn hay quảng cáo rác trên news feed bằng cách cài đặt tiện ích mở rộng trình duyệt, ví dụ như "News Feed Eradicator" dành cho Chrome. Tiện ích này sẽ ẩn bớt news feed của bạn, thay vào đó hiển thị những câu nói truyền cảm hứng, truyền động lực cho bạn bắt đầu mỗi ngày mới tràn đầy năng lượng tích cực. Tiện ích này cũng áp dụng được trên cả Twitter.

Instagram: Ẩn số lượt thích

Nhiều khi bạn nghĩ rằng mình thực sự không quan tâm đến việc bài đăng mới nhất nhận về bao nhiêu lượt thả tim, nhưng rồi thỉnh thoảng lại cầm điện thoại lên trong vô thức để xem đã có những ai bày tỏ quan tâm đến bài đăng của mình. Nếu đúng là như vậy thì việc bạn nên làm ngay bây giờ là ẩn lượt thích đi.

Trên bài đăng của bạn, hãy nhận vào ba dấu chấm ở góc trên cùng bên phải và chọn "Ẩn lượt thích". Giờ thì chỉ có bạn mới xem được số lượt thích bài đăng thôi.

Thậm chí, bạn còn có thể ẩn lượt thích của mọi người khác trong phần "Cài đặt", nhấn vào "Quyền riêng tư", chọn "Bài đăng" và bật "Ẩn lượt thích và lượt xem". Điều này giúp cho Instagram không trở thành một cuộc thi so bì số lượt thích với bạn bè của bạn, và bạn cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều.

Twitter: Tắt tiếng người theo dõi và các chủ đề

Một số người gọi hành động này là Block/Chặn, nhưng bạn hãy nghĩ đơn giản rằng đó chỉ là một cách quản lý thông minh hơn mà thôi. Bạn có thể cải thiện trải nghiệm Twitter của mình bằng cách "Tắt tiếng" (Mute) những thứ mà bạn không muốn xem, chẳng hạn như những chế độ ăn kiêng đã lỗi thời, ưu đãi ngày Black Friday hay "spoilers" phim ảnh.

Thao tác này rất dễ thực hiện và dễ hoàn tác nếu như bạn thay đổi suy nghĩ. Đối với người bạn theo dõi, chỉ cần nhấn vào ba dấu chấm ở đầu bên phải trang profile của họ và chọn "tắt tiếng". Bạn sẽ không còn thấy các tweet của họ nữa, nhưng họ sẽ không biết điều đó.

Làm tương tự đối với các từ, cụm từ, tiêu đề phim hay bất kỳ chủ đề nào mà Twitter gợi ý. Chọn "Cài đặt" (Settings), tìm "Quyền riêng tư và an toàn" (Privacy and safety), chọn "Tắt tiếng và chặn" (Mute and block) rồi nhấn dấu "+" và chọn những chủ đề bạn muốn xóa.

Youtube: Xóa các video liên quan

Tương tự như với Facebook, hãy xóa ứng dụng YouTube ra khỏi điện thoại và chỉ xem Youtube trên laptop thôi. Sau đó, bạn cũng có thể cài đặt tiện ích mở rộng trình duyệt, chẳng hạn như "Improve YouTube" dành cho Chrome có nhiều tính năng giúp kiểm soát video gợi ý cho bạn, trong đó có tính năng ẩn các video liên quan (Related video), giúp bạn đỡ bị phân tâm, thu hút bởi một loạt những video tương tự và dành cả ngày để xem hết chúng.

TikTok: Đặt giới hạn thời gian

TikTok có thể ngốn rất nhiều thời gian của bạn trong ngày. Bạn đã tự nhủ là mình chỉ dành ra năm phút thôi để xem video về những chú chó đội mũ đáng yêu, thế rồi quay qua quay lại một tiếng đồng hồ quý giá của bạn đã trôi qua trong chớp mắt. Hãy kiểm soát thời lượng xem TikTok bằng cách đặt giới hạn thời gian cho bản thân.

Vào trang profile của bạn, nhấn vào 3 gạch ngang ở đầu góc bên phải màn hình để đi tới "Cài đặt và quyền riêng tư". Ở dưới mục "Nội dung và hoạt động", bật "Sức khỏe Kỹ thuật số", ấn vào "Quản lý Thời gian Sử dụng Màn hình" và chọn giới hạn thời gian là 40, 60, 90 hay 120 phút mỗi ngày (bạn cũng nên dần dần giảm thời lượng xem xuống). Khi hết thời gian, TikTok sẽ yêu cầu bạn nhập mật mã để tiếp tục xem, giống như một lời nhắc nhở bạn đã xem đủ rồi và nên làm việc khác đi thôi.

Email: Kiểm tra email hai lần/ngày

Cách đơn giản nhất để hạn chế bị quá nhiều email làm phiền đó là chỉ kiểm tra email của bạn một lần mỗi ngày, hoặc nếu công việc của bạn thực sự cần thiết thì hai lần. Đây là một mẹo nhỏ giúp tăng năng suất công việc đã được khuyến khích từ lâu.

Trừ phi bạn đang rất mong đợi email từ đâu đó gửi đến, hãy tắt thông báo email đi và đặt báo thức vào 1, 2 mốc thời gian cố định để nhắc bạn kiểm tra hộp thư. Bạn cũng có thể tạo email trả lời tự động cho tài khoản của mình để người gửi biết rằng bạn sẽ không phản hồi trong thời gian ngắn.

Messenger: Cho mọi người thấy bạn đang offline

Có thể bạn không để ý điều này, nhưng sự thật là chấm xanh lá bên cạnh tên bạn trên Messenger hiếm khi cho thấy đúng tình trạng online/offline của bạn. Hầu hết thời gian chúng sẽ đều sáng lên như thể thông báo với bạn bè rằng bạn đang rảnh, trong khi thực sự thì không phải thế. Hãy bỏ đi chấm xanh phiền phức đó bằng cách nhấn vào profile của bạn, chọn "Trạng thái hoạt động" và chỉ đơn giản là tắt tùy chọn này đi.

Khi có thông báo đến: Giữ lập trường kiên định

Có phải bạn hay bị phân tâm mỗi khi có thông báo mới hiện lên màn hình điện thoại? Sau khi bạn quyết định mở máy lên, mở khóa và ấn vào xem cụ thể thì thấy thông báo đó cũng chẳng có gì cả? Hãy suy nghĩ thật kỹ, chắc là bạn cũng không muốn bị những thứ không quan trọng liên tục "tinh tinh" khó chịu vào đầu và khiến bạn mất tập trung đúng không? Vậy thì hãy quyết định xem cái nào bạn thực sự cần xem và cái nào có thể xem sau, nhất là lúc đang làm việc.

Tin nhắn cấp trên gửi đến thì cần xem ngay, nhưng thông báo một người nào đó bạn không biết rõ lắm vừa thích tấm ảnh bạn mới đăng thì không cần thiết.

Điều thú vị là một nghiên cứu năm 2021 đã cho thấy 89% trường hợp công việc bị gián đoạn bởi điện thoại là do nhu cầu kiểm tra linh tinh, chứ không phải do có thông báo đến. Dù vậy thì biết cách phân loại và xử lý thông báo mới đến có thể giúp bạn bỏ được thói quen động tí là cầm điện thoại lên xem đấy. Chỉ cần cố gắng kiềm chế đôi tay hay "ngứa ngáy" trong vài ngày là bạn sẽ quen.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022