Thí nghiệm hóa học thú vị hút sự tham gia của các bạn học sinh (Ảnh: Khánh Hoài).
Lễ hội khoa học là sự kiện thường niên của hai câu lạc bộ Khoa học CNN Science Intelligent (Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ) và Chu Văn An Science Club (Trường THPT Chu Văn An). Năm nay lễ hội khoa học Science Festival 2022 được tổ chức tại trường THPT Chu Văn An.
Sự kiện quy tụ rất đông học sinh, phụ huynh tham gia (Ảnh: Khánh Hoài).
Được lấy cảm hứng từ chủ đề thám tử đầy hồi hộp và mới lạ, hội chợ tập trung mô phỏng những thí nghiệm môn Vật lý, Hóa học, Sinh học với phong cách bí ẩn. Những thí nghiệm hóa học tưởng chừng như chỉ được thực hiện trên trường học nhưng các bạn học sinh đã dùng những nguyên liệu dễ tìm, có sẵn trong đời sống hàng ngày tạo nên một thí nghiệm hóa học thú vị.
Ban tổ chức sự kiện gồm các em học sinh đến từ trường THPT Chu Văn An và THPT Chuyên Ngoại Ngữ Hà Nội (Ảnh: Khánh Hoài).
Thí nghiệm hóa học "Vẽ tranh bằng bột nghệ" của nhóm các bạn trong CLB khoa học. Cách làm: quét nước nghệ lên tranh, nước nghệ có màu vàng. Sau đó lấy NaOH đè lên phần nước nghệ sẽ chuyển màu đỏ. Nếu cho giấm lên phần màu đỏ sẽ trở thành màu vàng giống với màu nước nghệ ban đầu (Ảnh: Khánh Hoài).
Thí nghiệm "Dải ngân hà trong chai" dùng nguyên liệu dễ tìm như: nước, phẩm màu, kim tuyến, chất tạo bọt... (Ảnh: Khánh Hoài).
Thành quả sau khi thực hiện thí nghiệm "Dải ngân hà trong chai" (Ảnh: Khánh Hoài).
Tất cả những thí nghiệm hóa học được thực hiện hết sức đơn giản, nguyên liệu dễ tìm nhưng gây hứng thú rất nhiều đối với các bạn học sinh tham gia (Ảnh: Khánh Hoài).
Chia sẻ về việc tìm nguyên liệu khi thực hiện, cách làm nhằm đạt kết quả, các bạn học sinh cho biết, những chất hóa học được học trong sách vở như Natri, NaOH có thể dễ dàng tìm thấy quanh ta như: nước rửa bát, dung dịch tạo bọt cho trẻ em, bột ngô, màu nhân tạo...
Việc tạo nên thí nghiệm hóa học không chỉ gây tò mò cho khán giả khi xem, bên cạnh đó giúp học sinh tiếp xúc với hóa học gần gũi hơn, áp dụng những kiến thức khô khan trở nên thực tế, mới lạ hơn.
Mô phỏng trò chơi trinh thám thử trí thông minh
Phòng "Escape Room" mô phỏng một vụ án giết người, người chơi cần tham gia giải các câu đố mới có thể tìm ra hung thủ (Ảnh: Khánh Hoài)
Người chơi vô cùng hào hứng và tò mò khi tham gia thử thách (Ảnh: Khánh Hoài).
Người chơi khi tham gia cần dùng rất nhiều dữ liệu, thông tin được cho sẵn nhằm tìm ra hung thủ của vụ án (Ảnh: Khánh Hoài).
Để thực hiện nhiệm vụ giải câu đố, nhóm các bạn học sinh đã dùng rất nhiều dụng cụ dễ tìm như bóng bay, bể bơi dạng nhỏ, bàn cờ vua, bàn cờ bi-a... (Ảnh: Khánh Hoài).
Các thành viên câu lạc bộ khoa học đã dùng không gian lớp học hàng ngày, bàn ghế tại trường, sách, vở và những dụng cụ học tập khác tạo nên những thử thách cho người chơi.
Khi tham gia hoạt động, người trải nghiệm cần giải quyết hết hàng loạt thử thách, toàn bộ nội dung câu hỏi trải đều các môn học trên lớp như địa lý, sinh học, hóa học...
Mục đích tổ chức của sự kiện không chỉ tạo ra sân chơi trải nghiệm cho học sinh khối THPT, mà còn tạo ra chiếc cầu nối giữa các bạn trẻ có cùng đam mê, sở thích, góp phần kiến tạo cộng đồng tri thức trong tương lai.