3 tháng đến Việt Nam với mục đích khám phá những kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ hình chữ S. Tuy nhiên, con người và văn hóa Việt Nam đã thôi thúc Laura quyết tâm học tập tại vùng đất "Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến".
Laura Sieber (sinh năm 1999, quốc tịch Đức) hiện là sinh viên ngành thiết kế đồ họa, Học viện Thiết kế và Thời trang London, Hà Nội (Ảnh: NVCC).
2 năm, 8 dấu ấn
Gắn bó và yêu mến Hà Nội một thời gian dài, Laura đã quyết định tạo ra một cuốn sách theo hướng nhật ký.
"Khi tới Việt Nam, mình như một trắng tinh khôi được xé ra từ một quyển sách mang tên văn hóa châu Âu. Giờ đây, mình vẫn là tờ giấy trắng đó nhưng được viết bằng ngôn ngữ tiếng Việt và có cả những giọt nước mắt", Laura chia sẻ.
Laura đã cố gắng sử dụng các công cụ kỹ thuật hiện đại và thủ công để thể hiện một cách chân thành, sâu sắc nhất về Hà Nội thông qua những chuyến "phiêu lưu" của sinh viên nước ngoài.
"Tại sao Laura ở Hà Nội?"
Laura chia sẻ: "Mình đã có 6 tháng để đến Đông Nam Á, nhưng 3 tháng mình chọn ở Việt Nam và phần lớn là Hà Nội. Sau khi có những trải nghiệm vô cùng đáng nhớ ở Việt Nam, mình càng quyết tâm để được học tập và sinh sống tại đây.
Thật may mắn khi Học viện Thiết kế và Thời trang London có đúng chuyên ngành mà mình theo đuổi bấy lâu nay - thiết kế đồ họa. Dẫu biết cuộc sống xa nhà ở nước ngoài sẽ chẳng thật dễ dàng nhưng mình chưa bao giờ thấy chán nản và thất vọng".
"Tắc đường".
Đây chính là điều đầu tiên khi Laura thấy khi đến Việt Nam. Hàng trăm, hàng nghìn phương tiện giao thông trên đường mỗi giờ tan tầm chính là nỗi ám ảnh của rất nhiều khách du lịch khi băng qua đường.
"Sau đó, mình đã đọc được một hướng dẫn về cách sang đường ở Việt Nam chính là đi đúng làn đi bộ, chú ý nhìn các phương tiện khác. Mình sẽ chẳng bao giờ quên được cảm giác khí thải ô tô và xe máy phả ra khi tắc đường khiến hai mắt mình cay xè và nghẹt mũi", nữ sinh người Đức chia sẻ.
Rác ở khắp mọi nơi.Laura cho biết, cô vẫn gặp rác ở khắp nơi dù thấy các cô, chú lao công thường xuyên dọn dẹp. Cô mong muốn tất cả mọi người, không kể quốc tịch, cùng chung tay để bảo vệ một Việt Nam "xanh - sạch - đẹp".
"Đồ ăn ngon nhất thế giới".
Laura cho hay: "Dù có rất nhiều nhà hàng Đức ở Hà Nội, nhưng mình vẫn thích được thưởng thức tất cả đồ ăn của Việt Nam, mình đánh giá đây chính là nơi có đồ ăn ngon nhất thế giới. Mình thích ăn cơm tấm, bún cá, bánh xèo, bún chả, bánh cuốn, phở gà, miến trộn và nhiều món khác. Ở Đức sẽ không có nhiều món ăn dân tộc đặc trưng như ở Việt Nam, nhất là cách người Việt kết nối nhau gần hơn qua ẩm thực".
"Áo dài".
Lần đầu tiên chiêm ngưỡng hình ảnh xinh đẹp của những cô gái Việt Nam mặc áo dài, Laura đã nghĩ phải sắm cho mình một chiếc áo như vậy.
"Mình mới chỉ có một chiếc và mình chắc chắn đây sẽ không phải là chiếc cuối cùng, mình yêu những chiếc áo dài thướt tha, nhất định trong bộ sưu tập trước khi về Đức của mình sẽ có đủ 5 màu. Khi khoác lên mình tà áo dài, mình có cảm giác như một thiên thần, cổ tích tao nhã. Đôi tay của mình chuyển động khác đi và mình cũng cảm thấy gắn bó hơn với văn hóa của Việt Nam. Mình yêu Việt Nam", Laura nói.
Hai tháng cách ly phòng chống dịch Covid-19, mình cảm thấy cô đơn.Lần đầu tiên Laura nghe từ "cô đơn" khi nghe một bài hát của Vũ. Cô thấy nó nghe thật đẹp nhưng cũng rất buồn, hay hơn nhiều so với cô đơn trong tiếng Anh. Việt Nam là một trong những quốc gia điển hình mà nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ về cách Nhà nước phòng chống đại dịch Covid-19.
Cô chia sẻ: "Mùa hè năm 2021, diễn biến của dịch Covid-19 trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Lúc đó, mình đang sống một mình và đó có lẽ là một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất mình phải trải qua.
Hơn hai tháng mà mình không thể nói chuyện trực tiếp với bất kỳ ai, rất khó để giữ cho mình động lực để đứng dậy mỗi ngày. Hầu hết thời gian mình mong muốn được ở bên gia đình hoặc chỉ để thỉnh thoảng có thể đến thăm một người bạn để trao nhau cái ôm nhưng những hạn chế phòng chống dịch của Hà Nội là vô cùng nghiêm ngặt".
Người Việt nói tiếng Việt.Điều Laura cảm thấy tiếc nhất là phải sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với những người bạn Việt Nam của mình.
Chia sẻ về cách học tiếng Việt, Laura cho biết: "Mình luôn trò chuyện cùng với các bạn trong lớp để cải thiện vốn từ vựng, dù gặp nhiều khó khăn nhưng đó là cách tốt nhất cho bản thân mình.
Mỗi ngày, mình dành ra 2 tiếng để học từ vựng, trao đổi nhiều vấn đề trong xã hội bằng tiếng Việt. Ngoài ra, mình cũng dũng cảm nhận lỗi khi làm sai, cảm ơn khi được mọi người giúp đỡ, rút ngắn khoảng cách".
Làm thế nào để trở thành một người yêu cà phê ở Hà Nội?Đáp án mà Laura đưa ra chính là: "Bạn hãy chuyển đến đây, bạn yêu thích cà phê ngay lập tức".
Trước khi đến Việt Nam, Laura hoàn toàn không thích uống cà phê. Nhưng ở Việt Nam, cô nhận thấy ngồi quán cà phê là việc nhiều người làm hàng ngày, để gặp gỡ những người mới, học tập, làm việc, hay chỉ đơn giản là để trò chuyện với bạn bè.
"Mình yêu nền văn hóa này và đã nhớ nó rất nhiều khi tôi trở lại Đức. Đi cà phê không phải là việc người Đức thường làm, đó là một điểm nhấn khó phai trong mắt mình", Laura khẳng định.
Một "thành phố hòa bình", đáng sống
Với Laura, có lẽ điều ấn tượng nhất chính là cụm từ "thân thiện" khi nhắc tới Việt Nam.
Cô chia sẻ: "Dù đi đến bất cứ nơi đâu, bạn vẫn cảm nhận được sự thân thiện tuyệt vời của người Việt Nam. Có một lần, mình muốn ăn phở nhưng lại rất bối rối vì người bán không thể hiểu tiếng Anh.
Khi ấy, mình đứng trước quầy hàng, bối rối diễn tả mong muốn. Có một vị khách Việt Nam đã tận tình giải thích cho tôi bằng tiếng Anh. Vì tiếng Anh của bạn đó rất tốt, nên mình đã được thưởng thức một đặc sản nổi tiếng bậc nhất thế giới".
Laura cũng cho rằng: "Hà Nội là một thành phố đáng để sống vì sự hòa bình" (Ảnh: NVCC).
Lý giải điều này, Laura tâm sự: "Hà Nội chính là thành phố duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình", đó là lựa chọn xứng đáng. Khi được chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 vào tháng 2/2019, Hà Nội đã thể hiện rất rõ là một thành phố yêu chuộng hòa bình, bình yên và ổn định.
Hà Nội là thành phố đáng ngạc nhiên, điều này không chỉ thể hiện ở bề dày truyền thống, lịch sử hơn 1.000 năm, mà còn thể hiện ở tốc độ phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. Sống ở Hà Nội hơn hai năm nhưng mình rất thích sống ở đây, bởi Hà Nội luôn cho mình cảm giác thanh bình, dễ chịu".
Bà Hà Thị Hằng, Giám đốc điều hành Học viện Thiết kế và Thời trang London bày tỏ: "Laura là một sinh viên từ châu Âu đến Việt Nam du học nhưng lại có sự hòa nhập rất nhanh với các bạn. Tôi hoàn toàn rất ngạc nhiên khi được thấy những dấu ấn của Laura suốt thời gian học tập tại đây.
Xa nhà từ khi mới 20 tuổi, phải sống xa gia đình và tự lập một mình ở một vùng đất mới nhưng Laura đã nỗ lực cố gắng hết mình, đạt được những thành quả như hôm nay. Mong rằng không chỉ Laura, mà sẽ có nhiều hơn nữa những bạn du học sinh khi tới Việt Nam du học đều cảm nhận về một Việt Nam diệu kỳ".
Bà Hà Thị Hằng chụp ảnh kỷ niệm cùng những dấu ấn về Hà Nội của Laura.
Ảnh: Văn Hiền