V-Med là cuộc thi Hòa giải thương mại đầu tiên bằng tiếng Việt cho sinh viên với mục tiêu phổ biến kiến thức và kỹ năng về phương thức giải quyết tranh chấp thương mại thông qua hòa giải. Năm 2022, V-Med lần đầu được tổ chức với sự phối hợp của Trung tâm Hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC) và trường Đại học Ngoại thương.
Thông qua cuộc thi, thí sinh được trau dồi, bổ sung kiến thức và kỹ năng giải quyết tranh chấp qua phương thức hòa giải. Mỗi vòng thi với một đề thi riêng biệt sẽ đưa các đội thi đến nhiều lĩnh vực tranh chấp khác nhau trong thực tiễn, giúp thí sinh được cọ sát và đánh giá đúng năng lực của bản thân, từ đó mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp sau này.
Sau thời gian mở đơn đăng ký, 52 đội đến từ 17 trường đại học, học viện, cơ sở đào tạo trên cả nước, gồm 186 thí sinh được lựa chọn tranh tài tại chặng 1: thi lý thuyết về hòa giải. Các đội có thời gian 1 ngày để gửi bài thi theo đề đã được ban tổ chức gửi.
Sau vòng này, 12 đội thi xuất sắc nhất bước vào thi đấu trực tiếp tại chặng 2: thực hành phiên hòa giải giả định, từ các khóa đào tạo lý thuyết đến các khóa tập huấn thực hành.
Đội thi đạt giải Bên tham gia hòa giải xuất sắc nhất (Ảnh: T.Thủy).Đến ngày 29/8, lễ bế mạc, trao giải được tổ chức tại trường ĐH Ngoại thương. Ban tổ chức đã trao 3 HCV, 3 HCB và 6 HCĐ cho hạng mục Hòa giải viên; 3 HCV, 3 HCB và 6 HCĐ cho hạng mục Bên tham gia hòa giải và 4 giải Đặc biệt gồm: Đội được yêu thích nhất, Hòa giải viên xuất sắc nhất, Bên tham gia hòa giải xuất sắc nhất, Đội thi có triển vọng nhất.
Bạn Hoàng Thị Thùy Dung, Thành viên đội Well Suited - đội thi đạt giải Hòa giải viên xuất sắc nhất chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên mình thử sức với một cuộc thi về hòa giải thương mại. Cuộc thi đã đem đến cho mình rất nhiều điều, ngoài kiến thức về lĩnh vực hòa giải thương mại còn là những mối quan hệ với các bạn từ Bắc - Trung - Nam.
Chúng mình đều đến đây với tinh thần không chỉ thi đấu mà còn kết bạn, học hỏi lẫn nhau. Mình mong rằng sau cuộc thi, những kiến thức về hòa giải thương mại có thể lan truyền đến các bạn sinh viên nhiều hơn".
Theo TS Hà Công Anh Bảo, Phó trưởng khoa Phụ trách Khoa Luật, trường Đại học Ngoại thương, cho rằng hiện nay, định hướng đào tạo, nghiên cứu về hòa giải thương mại là bước đi đúng đắn, khi hòa giải thương mại là phương thức được các bên trong xã hội, bao gồm cả doanh nghiệp, giới nghiên cứu rất quan tâm. Đây cũng là xu hướng tất yếu khi các trung tâm hòa giải đã được lập nên rất nhiều.
"Việc các trường đại học triển khai nghiên cứu, đào tạo về lĩnh vực này nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, tôi nghĩ là xu hướng đón đầu rất hợp lý", TS Bảo nhấn mạnh.
TS Bảo cũng chia sẻ, qua việc đồng tổ chức cuộc thi V-Med, nhà trường mong muốn có thể tạo nên một sân chơi chung cho các bạn sinh viên trên toàn quốc, giúp các bạn hiểu rõ hòa giải thương mại là gì, triển khai các tình huống được xây dựng trên thực tế để nhìn nhận rõ những đặc điểm của hòa giải thương mại.
TS Hà Công Anh Bảo, Phó trưởng khoa Phụ trách Khoa Luật, trường Đại học Ngoại thương (Ảnh: T.Thủy).Được biết, cuộc thi còn có sự tham dự của ông Nguyễn Biên Thùy, thẩm phán của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao với vai trò ban giám khảo, cùng TS Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp.
Ngoài ra, V-Med cũng nhận được sự ủng hộ không chỉ từ các hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC) mà cả các trung tâm hòa giải khác như Trung tâm hòa giải VMC, Trung tâm hòa giải Opic.
Cũng trong ngày 29/8, trường Đại học Ngoại thương kết hợp cùng Trung tâm Hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC) đã tổ chức hội thảo khoa học cấp trường với chủ đề: "Hòa giải thương mại tại Việt Nam: Thực trạng và triển vọng tương lai".
Các đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh: T.Thủy).
Hội thảo trao đổi về thực trạng và giải pháp hoàn thiện khung pháp lý về hòa giải thương mại tại Việt Nam hiện nay; thực trạng hoạt động hòa giải thương mại, hoạt động của các trung tâm hòa giải thương mại; thực trạng và xu hướng hòa giải thương mại trực tuyến; đội ngũ hòa giải viên hiện nay và giải pháp phát triển.
Đồng thời, trao đổi về vấn đề nhu cầu, xu hướng, tiềm năng sử dụng dịch vụ hòa giải thương mại tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới nói chung và trong một/một số lĩnh vực cụ thể nói riêng; cơ hội, thách thức, đề xuất việc Việt Nam tham gia Công ước Singapore về hòa giải...