Dù bị đau, chảy máu nhưng vẫn cố gắng vượt qua
"Mình cầm tấm bằng Luật trên tay nhưng lại vào quán cà phê năn nỉ chủ quán cho mình đi làm để lấy kinh nghiệm. Lần đầu bưng bê, mình bê nước mời khách bị khách nặng lời "ai cắt rốn cho mà rót cốc nước ít thế?", lúc ấy tim đập chân run không dám nói gì.
Lương khởi điểm đâu đó 13.000đ/giờ, làm cả ngày chỉ vừa đủ trả tiền nhà trọ", Việt Mỹ (27 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.
Người ta vẫn thường nói hãy theo đuổi đam mê đến cùng rồi sẽ hái được quả ngọt nhưng quả ngọt phía trước phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách, thậm chí là chán nản muốn bỏ cuộc, Việt Mỹ cũng không ngoại lệ:
"Trong thời gian gần 5 năm (từ 2014 đến 2019) làm nghề dịch vụ, mình đã làm phục vụ từ các quán cà phê đến khách sạn quốc tế nổi tiếng, không ít lần muốn từ bỏ nhưng mình đã vượt qua. Đi giày cao gót bưng bê hơn 10 tiếng, chân đau và chảy máu nhưng nụ cười luôn trên môi.
Thời đi làm phục vụ, mình bị quản lý mắng giữa quán, mới đầu không biết là mắng mình, về sau mọi người ra an ủi mới biết. Lúc đó mình thấy tủi thân lắm, sau đó là quãng thời gian bị quản lý gây khó dễ, có hôm mệt mỏi quá mình và đồng nghiệp ôm nhau khóc.
Thời gian làm ở khách sạn quốc tế, đôi khi mình bị bất đồng ngôn ngữ, có lần người khách đạo hồi hỏi đồ ăn Halal mà mình không biết là gì nên bị khách phản ánh. Những hôm làm ca muộn, con gái một thân một mình đi về đến phòng đã một hai giờ sáng, khó lắm mới mua được cái bánh bao, hôm đó bánh bao lại bị thiu, bỗng mình thấy rất tủi thân và cô độc.
Cô gái không ngại việc phục vụ tại hàng chục hàng, quán để lấy kinh nghiệm (Ảnh: NVCC).
Mình làm rất nhiều việc trong nhà hàng, từ lau bát đũa đến bồi bàn rồi đón, tiếp khách, có khi còn là việc trông trẻ. Sau một thời gian dài tích lũy kinh nghiệm, mình lên quản lý.
Làm quản lý phải kiểm tiền cuối ngày, nếu thiếu phải bù tiền của mình vào. Minh cũng đã từng kiểm tiền bị thiếu, mà cũng không biết là thiếu ở đâu nên phải tự bù tiền vào và ra khỏi chỗ làm lúc 2 giờ sáng.
Rồi đến khi mình bắt đầu lập nghiệp vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, bị cấm mở cửa hàng, cấm giao hàng, lúc đó mình đã muốn từ bỏ, khó khăn chưa dừng ở đó, khi dịch Covid qua đi, mình đi tìm mặt bằng mở quán, chuyển đi chuyển lại trên chục lần, mỗi lần chuyển chi phí lên đến hàng chục triệu. Có lần mình đã chuyển đồ đến chỗ thuê rồi nhưng chủ nhà lại không cho thuê nữa".
Mỹ tâm sự bố mẹ đều làm công chức nhà nước nên muốn con gái làm những nghề bàn giấy vì tính ổn định, lâu bền. Khi cô đi theo con đường riêng của mình thì bố mẹ đã không ủng hộ:
"Bố mẹ ban đầu không ủng hộ con đường mình đi, thời gian đầu mình bán sườn nướng online, không có nhân viên, chỉ có mình và chồng làm, bố mẹ hôm nào cũng hỏi hôm nay bán được bao nhiêu.
Bố mẹ cũng khá thất vọng vì mình không đi làm văn phòng như gia đình định hướng. Bố mẹ nghĩ: "Cho ăn học đàng hoàng mà không làm đúng ngành, ngày nào cũng stress vì vài ba miếng thịt".
Mình mặc kệ sự phản đối từ bố mẹ, tuy vất vả, căng thẳng nhưng mình cứ lầm lì làm và chứng minh cho bố mẹ thấy mình có thể làm được. Bây giờ mình đã hái được những trái ngọt đầu tiên, bố mẹ cũng đỡ lo và ủng hộ mình hơn".
Đam mê phải đi kèm với sự kiên trì và chăm chỉ
Tốt nghiệp Đại học Luật nhưng lại mang trong mình niềm đam mê với ẩm thực và ước mơ lập một thương hiệu, chuỗi cửa hàng giống như KFC, Lotte, Việt Mỹ chia sẻ:
"Mình có đam mê với ẩm thực từ nhỏ, mình muốn đi Úc du học ngành liên quan đến ẩm thực nhưng bố mẹ bảo cứ thi đại học ở Việt Nam đã. Mình chọn đại học Luật rồi đi thực tập tại văn phòng luật, cũng đã từng làm rất nhiều nghề như dạy tiếng anh, làm marketing… có thu nhập ở mức ổn định, khá hơn với nghề phục vụ, nhà hàng nhưng vì đam mê nên mình vẫn dấn thân vào ngành F&B (thực phẩm và đồ uống).
Nghề nào cũng có áp lực riêng nhưng chắc nghề nhà hàng, phục vụ là vừa áp lực, vừa luôn tay luôn chân, mình đã biết trước nó vất vả nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi".
Nghề phục vụ vừa áp lực, vừa phải luôn chân luôn tay nhưng cô vẫn theo đuổi (Ảnh: NVCC).Với sự quyết tâm và kiên trì, Việt Mỹ đã hái được những trái ngọt đầu tiên, hiện tại cô đang là chủ của 3 cửa hàng sườn nướng tại Hà Nội. Trải qua rất nhiều khó khăn từ thời còn làm phục vụ đến khi tự mở quán, cô cho biết:
"Tùy vào mục đích của từng người mà có hướng đi khác nhau, với mình nghề phục vụ mang lại nhiều giá trị chứ không hẳn là nghề ít vận dụng đầu óc, chỉ là nghề kiếm tiền đơn thuần" như một số ý kiến trên mạng.
Trong quá trình đi làm, mình gặp gỡ rất nhiều người giỏi, đến khi tự mở quán, mình được bếp trưởng ở khách sạn từng làm giúp đỡ, nếu không đi làm mình sẽ không có cơ hội gặp được.
Kinh nghiệm làm quản lý tập sự ở chuỗi đồ ăn nhanh cũng giúp mình xây dựng quy trình chuẩn bị món ăn được chỉn chu và hài hòa hơn. Chất lượng và sự đồng đều ở các cơ sở cũng được đảm bảo.
Nghề phục vụ một phần tạo nên con người mình bây giờ, ăn nói nhỏ nhẹ hơn, biết cảm thông, tôn trọng người khác, đặc biệt là các bạn cùng làm ngành dịch vụ. Kinh nghiệm làm nhân viên nhiều nơi trước khi làm chủ giúp mình biết cách tâm sự an ủi nhân viên trước những khó khăn, từ đó nâng cao tinh thần làm việc của tập thể.
Còn trẻ thì cứ làm để có thêm kiến thức và trải nghiệm. Khi mình tự mở quán, đã nhiều lần mất tiền vì thiếu hiểu biết, nếu được quay lại thời gian trước, mình sẽ rất vui nếu được đơn vị nào đó "bóc lột" thời gian và công sức cho một công việc chân chính, trả lương sòng phẳng vì lúc đó mình đang được trao tặng kinh nghiệm mà người ngồi không chẳng bao giờ có được".
Việt Mỹ tâm sự còn trẻ nên làm nhiều việc để có kinh nghiệm (Ảnh: NVCC).
Hành trình từ nhân viên phục vụ đến khi tự mở quán không phải dễ dàng, Việt Mỹ đã vượt qua và để ngoài tai những lời bàn tán như "người có bằng cấp mà lại đi làm bồi bàn", "tiểu thư khó có thể bươn chải". Việt Mỹ đã bắt đầu chinh phục được ước mơ, được gia đình và mọi người công nhận.
Việt Mỹ là một trong rất nhiều người trẻ lập nghiệp thành công nhờ vào niềm đam mê và hơn hết là sự chăm chỉ, kiên trì của mình.
Câu chuyện trên như lời động viên, truyền cảm hứng đến các bạn trẻ đang có dự định xây dựng sự nghiệp rằng: "Hãy kiên trì theo đuổi đam mê, thành công sẽ đến với bạn".