Tối 23/12, Trường ĐH Công đoàn tổ chức đêm chung kết cuộc thi "Đại sứ du lịch Trường ĐH Công đoàn" lần thứ nhất năm 2022. Cuộc thi do Khoa Du lịch phối hợp cùng Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên nhà trường tổ chức.
Phát biểu khai mạc đêm chung kết, PGS. TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn đánh giá, đây là một hoạt động thực sự có ý nghĩa nhằm nâng cao năng lực của sinh viên; đồng thời cũng là cơ hội để sinh viên gặp gỡ, trao đổi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và kết nối với các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực du lịch.
"Lãnh đạo nhà trường luôn mong muốn tạo ra cho các em sinh viên sân chơi bổ ích, kết hợp các hoạt động phong trào với việc rèn luyện toàn diện đối với người học, đồng thời, tăng cường sự kết nối với các doanh nghiệp", PGS. TS Lê Mạnh Hùng nói.
16 thí sinh xuất sắc bước vào đêm chung kết (Ảnh: Quang Trường).Thông qua cuộc thi, Ban tổ chức mong muốn lan tỏa niềm đam mê du lịch đối với thế hệ trẻ, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của sinh viên về các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, qua đó thể hiện niềm tự hào về quê hương, đất nước.
Cuộc thi là sân chơi để sinh viên thể hiện khả năng thuyết minh, giới thiệu về các điểm đến du lịch; tạo điều kiện cho sinh viên gặp gỡ, trao đổi kiến thức và kỹ năng liên quan đến lĩnh vực du lịch. Đồng thời, đây cũng là dịp tôn vinh nét đẹp trí tuệ, sự tự tin vào chính mình, năng động và sáng tạo của thầy và trò khoa Du lịch nói riêng, Trường ĐH Công đoàn nói chung.
Trong hơn 1 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận về hàng trăm hồ sơ đăng kí dự thi. Sau vòng sơ khảo, 16 thí sinh xuất sắc nhất đã tiến vào đêm chung kết. Tại đây, cuộc thi tìm ra những sinh viên tài năng trở thành những Đại sứ du lịch đầu tiên của nhà trường.
Đêm chung kết đã được diễn ra với 3 vòng thi. Ở vòng thi đầu tiên, 16 thí sinh thi trang phục tự chọn. Các thí sinh trình diễn trang phục các dân tộc Việt Nam hoặc trang phục của các quốc gia trên thế giới.
Ở vòng thi trang phục tự chọn, 5 thí sinh đầu tiên khoác lên mình trang phục của người Lô Lô, Dao đỏ, áo dài Chăm Pa, trang phục lấy cảm hứng từ nhà nước Âu Lạc xưa. Nam sinh Sụ Văn Say diện trang phục Lào truyền thống của đất nước mình (Ảnh: Quang Trường).
Thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Huyền thi với trang phục Âu Lạc lấy cảm hứng từ họa tiết trống đồng, điểm thêm hình ảnh chim lạc (Ảnh: Quang Trường).
Nữ sinh Phu Tha Vông (người Lào) biểu diễn với trang phục truyền thống của nữ giới Lào. Chiếc váy được làm bằng lụa và bông kết hợp với những họa tiết dệt, thêu ren tinh xảo, được mặc cùng một chiếc áo và khăn quàng trên vai (Ảnh: Quang Trường).
Lần lượt từ trái qua phải, các thí sinh diện bộ váy, áo Cóm của dân tộc Thái, trang phục Thái Lan, dân tộc Mông và áo Nhật Bình (Ảnh: Quang Trường).Thí sinh Phạm Lê Phương Ngân mặc cổ phục là áo Nhật Bình. Trang phục này xuất hiện từ thời vua Gia Long đến cuối thời nhà Nguyễn. Trong khoảng thời gian đó, bất kể nữ nhân quý tộc nào cũng đều mặc áo Nhật Bình, vấn khăn vành (Ảnh: Quang Trường).
Đến vòng thi thứ hai. Các thí sinh thuyết minh về một điểm đến du lịch, trong đó kèm theo video clip minh họa một trong những nét đặc sắc của điểm đến.
Thí sinh Lê Anh Tùng thuyết minh về Nhà tù Sơn La (Ảnh: Quang Trường). Thí sinh Phạm Ngọc Ngân Hà giới thiệu về Đền Ngọc Sơn (Ảnh: Quang Trường). Thí sinh Nguyễn Bích Loan đóng vai hướng dẫn viên du lịch đưa du khách đi thăm điểm cao 468 và Hang Dơi tại Hà Giang (Ảnh: Quang Trường). Thí sinh Hà Thị Hồng Anh đưa du khách "thăm quan" Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ (Ảnh: Quang Trường).Ban Giám khảo đã chọn ra 5 thí sinh có kết quả thi 2 vòng trước tốt nhất để bước vào vòng thi ứng xử. Các thí sinh trả lời câu hỏi của Ban giám khảo xoay quanh kiến thức về du lịch.
5 thí sinh vượt qua 2 vòng thi đầu tiên bước vào phần thi ứng xử (Ảnh: Quang Trường). Thí sinh Phạm Lê Phương Ngân nhận được câu hỏi "Em hiểu như thế nào về vai trò của đại sứ trong phát triển du lịch tương lai?" (Ảnh: Quang Trường).Trả lời câu hỏi của Ban tổ chức, Phương Ngân cho rằng, đại sứ là cầu nối để phát triển du lịch nước nhà. Từ những bước nhỏ nhất, đại sứ du lịch lan tỏa hình ảnh du lịch Việt Nam đến mọi người xung quanh, để du khách đến gần hơn và trải nghiệm những dịch vụ du lịch tốt nhất. Đại sứ còn là cấu nối phát triển quan hệ quốc tế.
"Với vốn ngoại ngữ dồi dào của mình, em sẽ cố gắng lan tỏa hình ảnh nước ta tới bạn bè năm châu", nữ sinh nói
Thí sinh Phu Tha Vông trả lời câu hỏi "Em nghĩ thế nào về hoạt động du lịch phượt của các bạn trẻ hiện nay?" (Ảnh: Quang Trường).Kết quả chung cuộc, cuộc thi đã trao 2 giải Đại sứ du lịch, 3 giải Phó Đại sứ du lịch, 11 giải Đại sứ du lịch tương lai và 5 giải phụ.
Thí sinh Lê Anh Tùng, sinh viên khoa Luật và Phạm Lê Phương Ngân, sinh viên khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Công đoàn, cùng sinh năm 2003 đã trở thành 2 Đại sứ du lịch đầu tiên của nhà trường.
3 Phó Đại sứ du lịch là Phạm Diệp Anh - khoa Du lịch, Hà Thị Hồng Anh - khoa Luật và nữ sinh người Lào Phu Tha Vông - khoa An toàn lao động và Sức khỏe nghề nghiệp.
2 Đại sứ du lịch đầu tiên của Trường ĐH Công đoàn (Ảnh: Quang Trường). Ban tổ chức khen thưởng các Đại sứ du lịch và Phó Đại sứ du lịch (Ảnh: Quang Trường). Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 11 giải Đại sứ du lịch tương lai Trường ĐH Công đoàn và 5 giải phụ (Ảnh: Quang Trường). Tiết mục múa Cô đôi thượng ngàn ấn tượng của thí sinh Nguyễn Thị Hồng Nhung (Ảnh: Quang Trường).