co-gai-phu-tho-gianh-hoc-bong-toan-phan-bac-thac-si-tai-dai-hoc-hang-dau-trung-quoc-1-1661064126645.jpeg

Cao Thị Nhung (1998, Phú Thọ) tốt nghiệp loại Xuất sắc chuyên ngành Giáo dục Hán ngữ Quốc tế, Đại học Nam Khai, Trung Quốc. (Ảnh: NVCC)

Đại học Bắc Kinh (Peking University) là trường đại học chất lượng hàng đầu Trung Quốc và châu Á. Năm 2022, trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu trên thế giới Đại học Bắc Kinh xếp hạng 16 theo bảng xếp hạng Times Higher Education (THE) và xếp thứ 18 theo bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS).

Nhận học bổng 1,2 tỷ cho chương trình đại học

Xuất phát từ tình yêu với tiếng Trung, năm 18 tuổi Nhung đã chọn trường Đại học Hà Nội để theo đuổi chuyên ngành bản thân yêu thích mặc dù không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Chính tại môi trường đại học này đã khơi dậy cho Nhung ước mơ đi du học tại Trung Quốc. Tuy nhiên, sau 3 kỳ học bạn trẻ gặp áp lực lớn trong cả vấn đề học tập và kinh tế nên cô đã quyết định bảo lưu chương trình học.

"Hết kỳ một năm 2 mình bảo lưu chương trình học tập tại trường Đại học Hà Nội do bản thân gặp rất nhiều áp lực từ trước đó. Kỳ học đầu tiên vì phải đi làm thêm nhiều nên thành tích học tập của mình không tốt, vừa phải học lại vừa phải thi lại, trong khóa có khoảng 150 bạn thì mình đứng thứ hơn 100.

Đến cuối kỳ mình nhìn thấy các bạn được nhận được học bổng bằng mấy tháng đi làm thêm lúc đó của mình nên sang đến kỳ 2 mình quyết tâm học tử tế hơn để lấy học bổng. Kết quả cuối kỳ 2 mình đứng thứ 13 cả khóa, kết quả này khiến mình rất tự tin để giành học bổng nhưng trớ trêu thay, kỳ đó trường chỉ cấp học bổng cho 12 bạn và mình không có.

Sang đến kỳ học thứ 3, mình học tập "điên cuồng" hơn và đứng thứ 2 toàn khoa, chắc suất học bổng mà mình vẫn luôn mong muốn. Thế nhưng, vì suốt 3 kỳ học mình tự tạo rất nhiều áp lực cho bản thân nên kết thúc kỳ học thứ 3 mình cảm thấy mệt mỏi và đã quyết định bảo lưu để nghỉ ngơi.

Một lý do quan trọng nữa khiến mình tạm dừng việc học lúc đó là kinh phí học tập. Điều kiện gia đình mình khá khó khăn, tiền học cũng là vấn đề rất lớn trước mỗi kỳ học của mình, tiền đóng học 3 kỳ mình đã học đều là do bố mẹ mình đi vay mượn họ hàng", Nhung chia sẻ.

Trong thời gian bảo lưu, Nhung tham gia rất nhiều hoạt động cũng như các buổi chia sẻ của Viện Khổng Tử, trường Đại học Hà Nội và từ đó bạn trẻ quyết tâm xin học bổng để đi du học. Với 2 chứng chỉ tiếng Trung quốc tế là HSK 5 đạt điểm 293/300 và HSKK Trung cấp đạt điểm 89/100 cùng sự tư vấn của thầy cô, cử nhân chuyên ngành Giáo dục Hán ngữ Quốc tế đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ các trường và cuối cùng cô đã chọn Đại học Nam Khai, Trung Quốc với học bổng toàn phần trị giá khoảng 1,2 tỷ cho 4 năm đại học.

bai-viet-cao-thi-nhungdocx-1661064109826.png

Mặc dù một nửa lớp đại học là các bạn nói tiếng Trung từ nhỏ nhưng dựa vào sự nỗ lực, Nhung vẫn luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về bí quyết học tốt tiếng Trung, Nhung cho biết: "Mình xem rất nhiều chương trình truyền hình, phim truyện và âm nhạc Trung Quốc. Khi học tiếng Trung như vậy, mình không đặt mục tiêu lớn lao nào mà chỉ yêu cầu bản thân nhớ được một từ mới hoặc một cấu trúc sau mỗi lần xem phim. Vậy nên bí quyết học tốt tiếng Trung của mình chính là học mà chơi, chơi mà học.

Còn về khả năng giao tiếp tiếng Trung, khi ở Việt Nam mình không có cơ hội thực hành nhiều nên mình hay tự tạo ra những bài hội thoại trong đầu và nói chuyện một mình. Dù khi đó chưa có dịch bệnh Covid-19 nhưng đi đâu mình cũng đeo khẩu trang để lẩm nhẩm nói tiếng Trung. Đặc biệt, khác với các ngôn ngữ khác, chữ Hán là chữ tượng hình do đó mình cũng phải viết thường xuyên. Nếu một thời gian dài không viết sẽ quên cách viết của nhiều chữ ngay".

Học bổng toàn phần Đại học Bắc Kinh với ước mơ làm giảng viên đại học

Thời điểm là sinh viên năm nhất tại trường Đại học Hà Nội, Nhung mải mê làm thêm, bỏ bê học tập, hay ngủ gật, nghỉ học trên lớp tuy nhiên nữ sinh ấy vẫn nhận được sự quan tâm, ân cần của cô chủ nhiệm thay vì sự trách móc. Chính vì vậy, từ đó Nhung đã mong muốn trở thành một giảng viên đại học vừa truyền tải tri thức vừa ấm áp như cô chủ nhiệm của mình.

Đặc biệt, Nhung muốn được giảng dạy tại chính ngôi trường này một phần là để bù đắp cho sự tiếc nuối của bản thân khi phải nghỉ học dang dở ở đây, một phần là vì cô yêu mến môi trường học tập năng động này. Để làm được điều đó Nhung tiếp tục học lên Thạc sĩ sau khi tốt nghiệp bằng Xuất sắc chuyên ngành Giáo dục Hán ngữ Quốc tế tại Đại học Nam Khai.

"Từ kỳ 2 năm 2 học tại Đại học Nam Khai, mình đã có ý định xin vào Đại học Bắc Kinh khi ngay từ bài luận đầu tiên mình đã được thầy giáo khen và khuyên mình nên đi xa hơn trên con đường nghiên cứu. Tuy nhiên trong khoảng thời gian 2 năm sau đó, Covid-19 bùng phát và mình phải học online ở Việt Nam, cũng không nhận được chu cấp sinh hoạt phí hàng tháng mà vừa học vừa làm.

Thành tích học tập trong thời gian này của mình có sự giảm sút, ý định xin vào trường đại học top đầu thế giới cũng nhiều lần bị lung lay. Nhưng cuối cùng sau những nỗ lực của bản thân, mình đã tốt nghiệp cử nhân bằng Xuất sắc với GPA 3,93 và quyết định nộp hồ sơ xin học bổng Thạc sĩ vào Đại học Bắc Kinh để không phải nuối tiếc.

bai-viet-cao-thi-nhungdocx-1661064110002.png

Ngoài nhận được học bổng toàn phần chương trình Thạc sĩ ở Đại học Bắc Kinh, Nhung còn nhận được học bổng toàn phần chương trình Thạc sĩ ở Đại học Nam Khai. (Ảnh: NVCC)

Quá trình chuẩn bị hồ sơ của mình rất suôn sẻ, thuận lợi, mình gửi hồ sơ đi sau một tuần chuẩn bị và sau hơn 2 tháng chờ đợi mình đã nhận được tin báo đỗ học bổng toàn phần từ trường.

Trước khi nộp hồ sơ, mình có tìm hiểu thông tin trên các hội, nhóm xin học bổng du học Trung Quốc và mọi người đều nói để xin vào được các trường đại học hàng đầu như Đại học Bắc Kinh thì ngoài điểm số còn phải có giải quốc gia, quốc tế và chứng chỉ tiếng Anh mà mình thì lại không có những thứ đó.

Nhìn lại hồ sơ của mình, có thể nói thành tích học tập lớn nhất trong đó chính là GPA 4 năm đại học nên ban đầu mình cũng khá lo lắng. Thế nhưng việc hồ sơ của mình vẫn được thông qua và vào vòng phỏng vấn, viết tay chứng tỏ GPA cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, mình nghĩ một yếu tố quan trọng khác nữa để hồ sơ của mình được thông qua đó là bản kế hoạch học tập cho chương trình Thạc sĩ mà mình xin học bổng. Bản kế hoạch này khá chi tiết khi vạch ra những kế hoạch cụ thể cho từng học kì và cho cả những kì nghỉ dài.

Bên cạnh đó, mình còn lên kế hoạch tham gia những cuộc thi dành riêng cho sinh viên theo học ngành này, điều đó giúp các thầy cô thấy được rằng mình hiểu rất rõ và nghiêm túc với ngành học đã chọn. Tất nhiên không thể thiếu kế hoạch sau khi tốt nghiệp, định hướng nghề nghiệp của mình hoàn toàn khớp với chuyên ngành học từ đại học lên thạc sĩ nên đây cũng là một điểm cộng lớn", Nhung chia sẻ.

Gói gọn bí quyết học tập xuất sắc khi du học tại Trung Quốc bằng 2 chữ "chăm chỉ", Nhung luôn cố gắng học tập hết mình. Để hoàn thành ước mơ trở thành giảng viên đại học, Nhung dự định sau khi học xong chương trình Thạc sĩ tại Đại học Bắc Kinh sẽ tiếp tục học Tiến sĩ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022