Tiếng sáo từ trái tim
Anh Tuấn vẫn nhớ rõ những ngày lên 4, lên 5 được ngồi cùng ông nội để đợi nghe chương trình 30 phút dân ca và nhạc cổ truyền. Để rồi từ những lần ấy, cậu bé con nhà nghèo đã bị cuốn hút kỳ lạ bời âm thanh của tiếng sáo trúc và mãi đến khi lớn lên, Tuấn mới biết tác phẩm "ám ảnh" mình một thời tuổi thơ chính là “Trăng sáng quê tôi“ của cố nhạc sỹ NSƯT Đinh Thìn.
Phạm Anh Tuấn phiêu diêu với cây sáo trúc.
Mê mệt tiếng sáo, Tuấn nhờ bố làm cho một cây sáo bằng nứa và cũng chính bố là người đặt cây sáo lên môi cậu, dạy cậu cách thổi để phát ra tiếng kêu. Những ngày tháng sau đó, Anh Tuấn tự mày mò, tập luyện và bắt đầu thổi được một số bản dân ca, làn điệu chèo đơn giản như “Bèo dạt mây trôi”, “Đào liễu”… Thế mà cũng đã 20 năm, Tuấn gắn bó với cây sáo trúc như một “người bạn tri kỷ”.
“Tôi luôn cảm thấy cuộc đời mình may mắn khi được trời phú cho một đôi tai tinh tường, một đôi tay khéo léo, một trái tim dễ rung động theo từng giai điệu lời ca từ tiếng sáo. Hạnh phúc là khi được thổi lên những tâm sự của lòng mình mà đôi khi lời nói không thể truyền tải được”, chàng sinh viên đến từ miền quê nghèo Lâm Thao- Phú Thọ chia sẻ.
Say mê sáo trúc và yêu thích những làn điệu mang âm hưởng dân gian, Tuấn được nghệ sĩ sáo trúc Triệu Tiến Vượng dìu dắt, đỡ đầu. Ngày trước Tuấn chơi sáo vì đam mê nhưng từ khi được thầy dẫn dắt, Tuấn đã biết kết hợp niềm đam mê ấy với những kĩ thuật rất bài bản và có định hướng. Tiếng sáo của Tuấn ngày càng đẹp chuẩn hơn không chỉ về nhạc lý mà còn ở nội dung và khả năng truyền tải đến người nghe.
Nhưng Phạm Anh Tuấn luôn hiểu rằng khi đã cầm trên tay chiếc sáo, khi đã thả hồn với giai điệu thì cái mà cậu muốn mang đến cho mọi người là tiếng sáo xuất phát từ tâm hồn, từ trái tim. “Khi tôi chơi một bản nhạc, tôi không còn nhớ mình phải sử dụng kỹ thuật gì cho hợp lý nữa và thay vào đó, tôi hòa mình vào trong bản nhạc, phản ứng và xử lý một cách tự nhiên nhất”, Anh Tuấn chia sẻ thêm.
Có lẽ, vốn xuất thân từ nông thôn nên chất dân ca đã ngấm trong con người Anh Tuấn, giúp Tuấn đến với nghệ thuật sáo trúc một cách dễ dàng hơn. Tình yêu với cây sáo cũng đã giúp Tuấn dành Huy Chương Đồng Tài năng trẻ 2015, như một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực miệt mài của chàng sinh viên chuyên ngành sáo trúc của Học viện Âm nhạc quốc gia.
Kết nối đam mê
Tiếng sáo là nhạc không lời nên xưa nay, người ta vẫn mặc định là khó hiểu, khó phổ biến, chỉ dành để biểu diễn chuyên nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng người yêu thích sáo đã tăng lên nhiều, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Vì giá trị cây sáo không quá cao và sáo trúc hiện nay cũng đã được cải tiến lên 10 lỗ nên có thể chơi được nhiều dòng nhạc, thậm chí, là cả nhạc cổ điển phương Tây.
Chỉ cần vài cây sáo là nhóm bạn trẻ đã có thể tụ họp với nhau trao đổi kinh nghiệm, kĩ thuật thổi sáo sao cho hay, truyền cảm… Tiếng sáo là một cách để những sinh viên xa nhà trút bầu tâm sự, giải tỏa stress sau những giờ học tập căng thẳng, hoặc cũng có thể nhờ tiếng sáo để nói hộ lòng mình trong tình yêu, trăn trở cuộc sống…
Rất nhiều bạn trẻ tìm đến Anh Tuấn để được hướng dẫn cách chơi sáo.
Nhu cầu học thổi sáo cũng ngày càng nhiều hơn nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện tham gia các lớp học bài bản, chuyên nghiệp. Để giúp giới trẻ đến gần hơn với cây sáo một cách dễ dàng, Phạm Anh Tuấn đã mở các lớp dạy chơi sáo cho những người yêu thích.
“Mong muốn lớn nhất của mình là đưa sáo trúc đến gần với đông đảo mọi người, đặc biệt là những người trẻ”, Phạm Anh Tuấn tâm sự.
“Tôi rất yêu những khúc dân ca nên đã chọn học thổi sáo. Tiếng sáo giúp tôi thấy tinh thần thoải mái, khỏe khoắn, phấn chấn hơn”, bạn Nguyễn Anh Tú (học viên của Tuấn) cho biết. Lớp học của Tuấn có những bạn sinh viên mới chớm đôi mươi, nhưng cũng có cả những “học sinh” ngoài 60 tuổi và các doanh nhân. Chỉ cần mọi người say mê tiếng sáo, Tuấn sẽ dạy nhiệt tình.
Theo Nhã Khanh
Tiền phong