Bằng nghị lực vượt khó, chàng trai trẻ đã tạo nên sự đổi thay cho bản thân và gia đình trên chính mảnh đất quê hương.
Đất nghèo nở hoa từ công sức của chàng trai chăm chỉ
Khởi nghiệp từ 4 triệu đồng
Ngày chào đời, cậu bé Khoa bụ bẫm, xinh xắn như bao đứa trẻ nhưng càng lớn lên, đôi tai Khoa càng không nghe rõ. Cậu bé Khoa cũng không phải là người con duy nhất trong nhà mắc chứng bệnh này, bởi di chứng từ người cha trở về từ chiến trường…
Trước năm 1975, ba Khoa từng là chiến sĩ liên lạc, đưa thư cho bộ đội chiến đấu trên chiến trường ác liệt ở tỉnh Quảng Ngãi. Công việc nguy hiểm và gian khó khiến không nơi rừng thiêng, nước độc nào trên địa bàn Quảng Ngãi, ông không có mặt. Với nhiệm vụ đưa thư, ba nhiều lần đã đi vào nơi Đế quốc Mỹ từng rải chất độc hóa học dioxin.
Vì nhiễm chất độc do chiến tranh để lại, học xong cấp 3, biết mình không đủ sức khỏe thi đại học, Khoa chấp nhận ở lại quê. Anh bàn bạc cùng gia đình thành lập mô hình VAC, chăn nuôi, trồng trọt phụ giúp bố mẹ.
Chàng trai kể: “Năm 2012 tôi mua hai con heo rừng, trị giá 4 triệu đồng về nuôi thử nghiệm. Gia đình tôi đất rộng nên thiết kế chuồng trại thoáng mát, xung quanh rào lưới thép B40 cao khoảng 1,5m. Để heo rừng có môi trường tự nhiên, tôi cố tình làm chuồng dưới những tán cây rừng”.
Việc nuôi heo rừng được thực hiện đúng quy trình nên từ 2 chú heo giống, anh đã thu được hiệu quả bất ngờ. Sau đó, Khoa đã mở rộng chuồng trại lên 5000m2 tiếp tục mua heo rừng về nuôi. Hiện nay trong chuồng của gia đình anh có 17 con heo rừng thịt và 2 con heo nái. Bình quân mỗi con heo rừng nái mỗi năm đẻ 7- 9 heo con.
Khoa có mặt trong nhiều hoạt động tình nguyện
Bắt đất nghèo nở hoa…
Đặc điểm của heo rừng là khi sinh sản tự tìm ổ đẻ, không cần sự giúp đỡ của con người. Heo con khi ra đời khá khoẻ mạnh, khoảng 30 ngày sau là tự tách mẹ. Heo rừng nuôi khoảng 1 năm là có thể bán, mỗi con nặng khoảng 30kg trở lên.
Với giá mỗi kg thịt hơi 150 nghìn đồng, hàng năm từ việc nuôi heo rừng, anh Khoa thu về trên 80 triệu đồng. Đựơc sự giới thiệu của bạn bè và tự tìm hiểu giới thiệu bán heo rừng trên các trang mạng xã hội nên đầu ra của sản phẩm rất thuận lợi.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi heo rừng, anh Khoa nói: Nuôi heo rừng bởi vì nó dễ nuôi, ít dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là bã bia, bã mỳ. Heo rừng sống trong môi trường bóng mát. Những ông chủ có thể tận dụng hoặc đào ao, hồ cho heo tắm hoặc có thể để nó tự đào bới, lội bùn đất.
Cùng với nuôi heo rừng anh Khoa còn nuôi 5 con bò lai, trong đó có 3 con bò lai sinh sản, mỗi năm đẻ 3 con bê con. Trung bình mỗi con bê có giá 15 -18 triệu đồng. Nguồn thức ăn cho bò dồi dào bởi vì anh trồng được khoảng 10 sào cỏ voi ở gần kênh mương Thạch Nham. Anh đặt hệ thống phun nuớc tự động cho cỏ.
Bên cạnh đó anh Khoa còn thực hiện ươm cây lâm nghiệp, hằng năm làm 2 đợt mỗi đợt khoảng 300.000 cây, có thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Cùng với đó anh trồng thêm 21 gốc chanh xung quanh vườn và đã cho trái.
Đàn heo rừng của gia đình Khoa
Ngoài ra vào mùa mưa anh còn thả nuôi khoảng 1.000 con cá gáy, cá mè trên diện tích ao 4.200m2. Chi phí mua cá giống 8 triệu đồng, sau khoảng 5 tháng nuôi, anh thu hoạch bán ra thị trường được cá khoảng 40 triệu đồng. Vào dịp gần tết anh lại thả nuôi trên 200 con gà thịt để cung ứng cho thị trường.
Hạn chế về sức khỏe, mải mê bận việc làm giàu nhưng chàng trai sinh năm 1988 không quên tham gia các hoạt động Đoàn của huyện Bình Sơn và Tỉnh đoàn Quảng Ngãi.
Khoa cho biết: "Những hoạt động tuổi trẻ khiến mình rất vui. Mình từng là con chiến sĩ hoạt động cách mạng. Ông nội mình từng là liệt sĩ. Ba bị địch bắt tù đày, đánh đập dã man nhưng ông vẫn quyết không khai. Vậy nên trong thời bình, phát huy tinh thần bất khuất đó của cha ông, không bao giờ mình đầu hàng trước số phận".
Anh Khoa cho biết về những dự định trong tương lai: "Mình sẽ tiếp tục gây dựng mô hình VAC, nhân rộng đàn heo rừng. Với đàn bò, mình mở rộng lên từ 5 đến 7 con bò cái lai sinh sản và một con bò đực lai giống. Bây giờ mình đang học hỏi kinh nghiệm để phối hợp nuôi heo thịt và nuôi gà đẻ trứng siêu phẩm.
Mình sẵn lòng sẻ chia kinh nghiệm với tất cả các bạn thanh niên, để đất quê mình không còn nghèo nàn. Thêm nhiều mô hình làm kinh tế mới là giúp mảnh đất Quảng Ngãi bom đạn ngày nào, hồi sinh và đơm bông, kết trái".
Theo Anh Vũ
Tuổi trẻ thủ đô