"Thương thương" trong mùa dịch
Ở mỗi người dùng Faceboook, khi cập nhật thêm biểu tượng "thương thương" này, đội ngũ Facebook đều gửi đến một thông báo để giới thiệu: "Xa mặt nhưng không cách lòng. Chúng tôi đã bổ sung một cảm xúc mới để bạn truyền thêm sức mạnh cho mọi người dù có cách xa. Hy vọng rằng bạn sẽ cảm thấy gắn kết hơn với người thân và bạn bè của mình".
Trạng thái này có hình dáng một gương mặt đang ôm chặt một trái tim đỏ thắm đầy yêu thương và trìu mến, nhìn rất có cảm xúc. Nó hiện đứng thứ 3 sau biểu tượng Like (thích) và Love (yêu thích). Kế đến là các trạng thái Haha (vui sướng), Wow (ngạc nhiên), Sad (buồn), và Angry (phẫn nộ).
Ngay sau khi ra mắt, trên rất nhiều dòng status của bạn trẻ gần đây đều háo hức nhắc đến sự "hiện diện" của gương mặt ôm trái tim này. "Thích quá, từ nay có thể gửi "thương thương" tới crush rồi", "nhìn cái mặt ôm trái tim rồi mắt lim dim cưng dễ sợ", "nhận được icon này cảm thấy xúc động hơn cái trái tim đỏ thắm kia một tí"... là rất nhiều bình luận của bạn trẻ về trạng thái cảm xúc này.
Đỗ Bảo Ngân, sinh viên năm 2 ngành quan hệ công chúng, Trường ĐH Văn Lang, bày tỏ: "Icon này ra đời ngay trong mùa dịch, như để mỗi người có điều kiện bày tỏ sự quan tâm, yêu thương và, sẻ chia và an ủi đến nhau. Rõ ràng, biểu tượng này cho cảm xúc "sâu sắc" hơn biểu tượng trái tim - chỉ đơn thuần là yêu thích, yêu mến, trước đó".
Ngân cho biết mình có có thể thả "thương thương" cho những status (dòng trạng thái) nói về những y bác sĩ đang vất vả chiến đấu với dịch Covid-19, hay của bạn bè có chút "tậm trạng" nhằm để chia sẻ.
Dương Huyền Trân, sinh viên năm cuối ngành quản trị kinh doanh, Trường ĐH Sài Gòn, cho biết mình không thả "thương thương" một cách tuỳ tiện. Trân chia sẻ: "Hiện nay có tới 7 trạng thái cảm xúc, mỗi cái đều thể hiện một tình cảm khác nhau, nên mình sử dụng "đúng mục đích" thì sẽ hay hơn. Khi đọc được dòng mình trạng thái của bạn bè khiến mình xúc động, thấy đồng cảm và muốn sẻ chia với người đó, mình thả gương mặt ôm trái tim. Người đó sẽ cảm nhận được cảm xúc của mình. Còn nếu bạn bè viết một bài viết bình thường, mình chỉ thả "like" để bạn ấy biết mình đang ủng hộ, còn viết cái gì khiến mình thấy thú vị, mỉm cười thì mình thả "love". Nếu cái gì cũng thả "care", và ai cũng thả "care" thì sẽ rất nhàm chán và không còn cảm thấy đặc biệt nữa".
"Sao người khác có "thương thương" mà mình chưa có?"
Tuy đã ra mắt hơn một tuần nhưng cũng giống với biểu tượng "love" trước đây, việc cập nhật trạng thái "thương thương" chưa đến với tất cả người dùng Facebook. Điều này khiến cho những ai còn thiếu biểu tượng gương mặt ôm trái tim cảm thấy nôn nao, chờ đợi.
Trên rất nhiều trang fanpage dành cho giới trẻ, các thành viên đã chế ra hàng loạt hình ảnh hài hước, thú vị về chuyện này để thể hiện sự "ghen tị" khi người khác có mà mình chưa có. "Bạn mình thả "thương thương" ở Facebook của mình suốt cả tuần nay, trong khi đến giờ mình vẫn chỉ có thể thả "tim" với "like". Sốt ruột thật chứ. Đúng là Facebook hiện nay chia là "2 nửa", nửa có thương thương và nửa thiếu thương thương", Hồ Văn Tuấn, sinh viên năm 3 ngành tài chính - ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dí dỏm.
Dòng trạng thái "đáng thương" của Hồ Văn Tuấn xứng đáng được thả icon "thương thương"
"Hai nửa" của thế giới
Một "tôi" vô cùng tội nghiệp vì chưa có biểu tượng "thương thương"
"Bất lực" vì chưa có icon "thương thương"
Sự sắp xếp các trạng thái cảm xúc của Facebook được giới trẻ hài hước cho là "hợp lý"