Yêu cầu trên được đưa ra trong chỉ thị của Thủ tướng về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành ngày 25/12.
Cụ thể, phương án biên soạn một bộ sách giáo khoa phải được đưa ra dựa trên cơ sở tổng kết việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, phát hành để giảm giá thành.
Trước đó, trong Nghị quyết giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ban hành ngày 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88/2014 là "chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, nhất là việc quản lý, cập nhật, phát triển nội dung giáo dục phổ thông; quản lý, điều tiết giá sách giáo khoa".
Chủ trương đổi mới chương trình giáo dục phổ thông bắt đầu từ năm 2013. Năm 2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết 88, nêu rõ ngoài chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, bỏ độc quyền xuất bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ với kinh phí 16 triệu USD từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Bộ Giáo dục và Đào tạo không làm được việc này.
Hiện thị trường có ba bộ sách giáo khoa của hai nhà xuất bản và một số sách lẻ. Với 12 triệu học sinh, 9 khối lớp đã sử dụng sách giáo khoa và các tài liệu mới theo chương trình 2018, hàng trăm triệu bản sách đã được xuất bản.
Năm 2020, lộ trình thay sách giáo khoa được thực hiện, đầu tiên ở lớp 1. Đến năm học này, việc thay sách ở cấp tiểu học đến lớp 4, cấp THCS đến lớp 8, cấp THPT đến lớp 11 và sẽ hoàn tất vào năm 2025.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhiều lần bày tỏ quan điểm không thể quay lại dùng một bộ sách giáo khoa vào lúc này bởi sẽ lãng phí và khó đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Dù vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 88 về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Hồi tháng 8, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ nghiên cứu đề nghị này.
Sách giáo khoa lớp 3 mới do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
Trong chỉ thị, Thủ tướng đánh giá chương trình giáo dục phổ thông 2018 bước đầu mang lại chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số văn bản triển khai chương trình ban hành còn chậm, chưa đồng bộ; việc biên soạn, thực nghiệm và thẩm định sách giáo khoa còn hạn chế; tình trạng thừa, thiếu giáo viên chậm được khắc phục; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.
Từ thực tế trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện và phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Bộ cần hoàn thiện đề án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng yêu cầu chương trình, trình Thủ tướng trong năm 2024.
Để giải quyết tình trạng thừa - thiếu giáo viên, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ đôn đốc các địa phương tuyển dụng giáo viên theo biên chế được giao.
Với các địa phương, Thủ tướng đề nghị rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông, quy hoạch quỹ đất sử dụng cho giáo dục và đào tạo. Các tỉnh, thành cũng cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đáp ứng nhu cầu tối thiểu theo chương trình.
Với giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, trình Thủ tướng trong tháng 12.
Dương Tâm