Vương Kim Chiến là một giáo viên dạy toán "huyền thoại" tại Trường trung học trực thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc. Ông từng tạo nên thành tích vang dội khi dẫn dắt một lớp 55 học sinh thì có đến 37 em được nhận vào Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh; 10 em được nhận vào Đại học Cambridge, Đại học Yale, Đại học Oxford và học bổng toàn phần vào các trường đại học nổi tiếng thế giới khác; những người còn lại được nhận vào Đại học Phúc Đán, Đại học Nam Khai,...

Không chỉ vậy, giải vô địch bóng đá, vô địch thể thao, vô địch cuộc thi thiết kế trang web của trường và 6 chức vô địch thể thao khác đều bị lớp này "lấy" đi. Tài năng âm nhạc, cao thủ tranh luận, "phù thủy" máy tính và cao thủ taekwondo có rất nhiều trong lớp này. Vương Kim Chiến cũng là một người cha rất thành công. Con gái ông đã được nhận vào Đại học Bắc Kinh với thành tích xuất sắc.

photo-2-1678786958746293904121.jpeg

Thầy giáo Vương Kim Chiến.

Làm thế nào ông có thể giúp những học sinh và cả con cái mình đạt được thành công như vậy? Sau đây là những lời khuyên về giáo dục do ông Vương tổng kết, khuyến khích mọi phụ huynh và học sinh nên đọc.

1. Yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ không phải là nhà trường mà là gia đình. Nếu giáo dục gia đình có vấn đề, con cái có thể gặp khó khăn ở trường và trở thành "đứa trẻ có vấn đề". Luống ươm cây con phải khỏe mạnh, như trong gia đình, cha mẹ phải là tấm gương.

2. Thiếu thốn cũng là một nguồn tài nguyên giáo dục quan trọng. Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh.

3. Cha mẹ có thể coi con cái là trung tâm của thế giới, nhưng đừng quên rằng trẻ cũng phải sống một cuộc sống tự lập. "Bạn không thể thuần hóa một con ngựa chạy ngàn dặm trong một sân nhỏ, và không thể trồng cây tùng vạn năm tuổi trong một chậu hoa". Sự sắp đặt của cha mẹ là liều thuốc độc đối với trẻ em.

4. Cha mẹ cần có trách nhiệm giáo dục con cái nhưng không cần phải làm tổn thương con mình. Kỷ luật bất thường sẽ khiến trẻ nổi loạn và sinh lòng thù hận. Ngay cả khi thành công, chúng cũng sẽ buộc tội cha mẹ mình.

5. Mối quan hệ vợ chồng ảnh hưởng đến tính cách của con cái. Sức mạnh của các hình mẫu là không đo đếm được.

6. Đừng mong dạy trẻ biết vâng lời bằng cách đánh đập, mắng mỏ chúng. Kết quả của việc "giết một con gà và cho con khỉ thấy là con khỉ sau đó cũng học cách giết con gà". Dạy con bằng đòn roi sẽ chỉ khiến con nổi loạn, chán ghét cha mẹ.

7. Hãy để các em có cả đam mê vui chơi và học tập. Giáo dục được đánh giá cao là có thể khơi dậy niềm đam mê học tập nhưng vẫn không bị mất hứng thú với cuộc sống. Không ai muốn con mình trở thành "mọt sách" nhưng ngu ngơ trong những lĩnh vực khác.

8. Tử tế. Cả học vấn và nhân cách nên được đầu tư như nhau.

9. Sức sống của cơ thể mang lại sức sống của tâm trí. Sức khỏe thể chất và tinh thần sẽ mang lại nguồn năng lượng học tập dồi dào. Đừng xem nhẹ rèn luyện thể chất.

10. Đừng nghĩ rằng trẻ từ 1 đến 6 tuổi chỉ là độ tuổi cơ thể đang phát triển. Đây là giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển trí tuệ của trẻ. Sự hỗ trợ của gia đình là chất dinh dưỡng tốt nhất.

11. Hãy thường làm 3 việc với con: ăn, làm việc/học hành và kể chuyện. Đây là những cách vừa kết nối tình cảm gia đình, vừa giúp con phát triển trí tuệ.

12. Đồng hành cùng con không phải là bỏ tiền cho con học càng nhiều càng tốt, cho con đầy đủ về vật chất. Đó còn là sự quan tâm, chăm sóc về mặt tinh thần.

13. Việc hình thành những thói quen tốt đáng giá hơn ngàn lời nói. Biết tự chăm sóc bản thân quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.

14. Tôn trọng lựa chọn riêng của con bạn. Đừng sợ lựa chọn sai, hãy tin rằng con cái chúng ta sẽ học hỏi từ những sai lầm của chúng, và có thể trẻ thông minh hơn chúng ta tưởng.

15. Hãy chú ý đến lời nói của bạn. Một lời nói tích cực của cha mẹ sẽ truyền cảm hứng cho đứa trẻ suốt đời. Những lời chỉ trích, mắng chửi sẽ là vết thương lòng khó phai khiến trẻ tự ti.

16. Đừng ép con bạn chia sẻ bí mật của chúng. Trong gia đình, sự tôn trọng nên đến từ hai phía. Nếu bạn tôn trọng quyền riêng tư của trẻ, con cũng có thể coi cha mẹ như một người bạn tốt nhất.

17. Giáo dục hiệu quả trước hết phải nghiêm khắc rồi mới buông lỏng. Nghiêm khắc trước tiên là phát triển những thói quen tốt. Sau đó mới thả dần để con tự lập.

18. Bạn phải quan tâm đến thành tích học tập của con mình, nhưng không cần phải quá chú ý đến thứ hạng. Điểm số không thể đại diện cho toàn bộ khả năng của một người, thứ hạng chỉ là tạm thời và sẽ tiếp tục thay đổi.

19. Dạy con học cách hòa đồng với bạn bè. Học hỏi những điểm mạnh của nhau, những kiến thức, kỹ năng không có trong sách giáo khoa để đặt nền tảng cho việc hòa nhập xã hội trong tương lai.

20. Đề phòng trẻ sa vào những thói hư tật xấu. Đừng bỏ qua những hành vi tiêu cực dù nhỏ của trẻ. Đây là "quả bom hẹn giờ" chôn vùi con đường trưởng thành tốt đẹp sau này. Cha mẹ cần phải quan sát cẩn thận, can thiệp kịp thời và hướng dẫn thích hợp. Trẻ phải nhận ra hậu quả từ hành vi của chúng để hiểu đã làm sai. Việc này giúp chúng hiểu và lường trước hậu quả, cũng như biết cách chịu trách nhiệm.

21. Những đứa trẻ có kỹ năng tự học luôn đạt thành tích tốt. Xây dựng kỹ năng và thói quen tự học ngay từ khi còn nhỏ rất cần thiết.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022