Thông tin trên được văn phòng khối trung học, trường Quốc tế Mỹ, gửi phụ huynh khối 11 chiều qua.
Đại diện khối trung học bày tỏ sự chia sẻ với tình cảnh chưa từng có tiền lệ mà phụ huynh, học sinh phải trải qua trong thời gian vừa rồi. Dù "không có bất kỳ đảm bảo nào cho năm tới" và nhiều giáo viên nước ngoài sẽ rời Việt Nam vào khoảng tháng 6, phòng trung học khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi cho học sinh lớp 11 trong năm học này.
"Chúng tôi cam kết hỗ trợ học sinh hoàn thành lớp 11, lấy tín chỉ cho tất cả những hoạt động các em đã làm trong năm học này", thông báo có đoạn. "Để đạt được điều đó, học sinh cần theo kịp bài tập mà giáo viên giao, đặc biệt là các bài đánh giá IB chính thức".
Chị Minh Tú, một phụ huynh có con học lớp 11 tại AISVN, cho biết thông báo này như một sự giải phóng tinh thần cho chị và nhiều bố mẹ.
"Tôi cảm động vì ban giám hiệu và giáo viên đã giữ lời hứa. Chưa biết năm sau thế nào, nhưng ít nhất năm nay học sinh được đảm bảo quyền lợi, có thầy cô viết thư giới thiệu, chuẩn bị bảng điểm cho các bậc học cao hơn", chị Tú nói.
Thở phào nhẹ nhõm cũng là cảm xúc của chị Hà Phương, phụ huynh học sinh lớp 11, sau khi nhận được thông báo của trường.
"Mặc dù vẫn còn những nỗi lo về chuyện lâu dài của trường nhưng trước mắt tôi tạm yên tâm việc học của con. Thông báo của cô hiệu trưởng và giáo viên như một lời cam kết con sẽ hoàn thành chương trình lớp 11 và được đánh giá đầy đủ", chị Phương chia sẻ, nói thêm phụ huynh cũng yên tâm làm việc khi thấy việc học của con đã ổn định, đủ giáo viên các bộ môn.
Từ đầu tháng 3 đến nay, chị Phương như "đứng đống lửa, ngồi đống than" khi các giáo viên nghỉ rải rác, con không được học đủ môn. Đỉnh điểm là ngày 18/3, học sinh toàn trường phải nghỉ vì phần lớn giáo viên không đến lớp. Người mẹ lo con trai không có đủ điểm các môn hoặc tệ hơn là dang dở chương trình lớp 11, phải sang trường khác học lại.
IB là chương trình Tú tài quốc tế, kết quả IB được nhiều trường đại học công nhận, nên học sinh dùng kết quả này để xét tuyển vào đại học, đồng thời được miễn giảm một số tín chỉ (đôi khi lên tới cả học kỳ hay năm đầu cử nhân). Việc nộp hồ sơ ứng tuyển vào đại học thường được thực hiện vào đầu năm lớp 12 của học sinh, nên các em chủ yếu dùng kết quả năm lớp 11.
Với chị Tú, nếu năm lớp 11 dang dở và không có bảng điểm, con sẽ "cụt đường" vào đại học. Người mẹ cho biết thêm nhiều học sinh lớp 11 đã chuyển trường, dù vẫn học hệ IB ở trường mới, các gia đình vẫn phải đợi bảng điểm IB từ AISVN để hoàn thành thủ tục chuyển tiếp.
"Xác nhận của phòng trung học đã giải quyết lo lắng nhất của phụ huynh", chị Tú nói.
Còn về lâu dài, chị Phương hy vọng phụ huynh toàn trường chung tay đóng góp để trường có thể duy trì hoạt động đến tháng 6 và năm học tới, trong lúc chờ chủ trường có phương án tái cấu trúc.
Học sinh trường Quốc tế Mỹ. Ảnh: AISVN
AISVN được thành lập năm 2006, khuôn viên ở huyện Nhà Bè. Học phí của AISVN là 280-725 triệu một năm, tùy bậc học. Trường cho biết gặp khó khăn tài chính, cần125 tỷ đồng để vận hành hết năm học. Trung tuần tháng 3, hơn 1200 học sinh phải nghỉ học do giáo viên không đến trường vì bị nợ lương.
Nhiều phụ huynh mắc kẹt vì đã đóng học phí theo gói hàng tỷ đồng, mà chuyển trường khi học kỳ II sắp kết thúc không dễ. Chưa kể, chương trình học của phần lớn học sinh AISVN là Tú tài quốc tế (từ lớp 1 đến 12), nên việc chuyển trường cũng khó khăn do chương trình không tương thích.
Đến nay, 7 trường phổ thông đồng ý nhận học sinh AISVN gồm Đó là Trường Quốc tế Australia (AIS), Quốc tế Châu Âu (EIS), Quốc tế TP HCM (ISHCMC), Quốc tế Anh Việt (BVIS), Bắc Mỹ (SNA), Quốc tế Mỹ (TAS) và trường Quốc tế Anh (BIS). Theo thông tin trên website, học phí các trường khoảng 500-900 triệu đồng một năm với hệ IB. Một số phụ huynh AISVN đã chuyển trường cho con.
Từ đầu tháng 4, nhờ khoản đóng góp của phụ huynh, học sinh AISVN trở lại trường, học theo đúng thời khóa biểu.
Thanh Hằng - Lệ Nguyễn