Thứ ba và thứ năm hàng tuần, học sinh lớp 3B, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, lại chuyển sang phòng học đặc biệt để học tiếng Anh. Căn phòng được trang bị tivi, loa, micro, máy tính và đường mạng riêng để phục vụ cho việc học ngoại ngữ của năm lớp 3 với 148 học sinh trong trường.

30 học sinh người Mông lớp 3B ngồi khoanh tay lên bàn, hướng mắt lên màn hình tivi trên bảng, mấp máy môi và lắc lư cơ thể theo giai điệu bài hát tiếng Anh vui nhộn mở đầu buổi học. Theo hiệu lệnh từ đầu cầu Hà Nội của cô Đặng Thị Linh, giáo tiếng Anh trường Marie Curie, cả lớp đồng thanh đọc đi đọc lại từ mới, sau đó từng em được gọi nhắc lại. Đó là lần đầu tiên những đứa trẻ ở đây được học tiếng Anh.

"Các em rất háo hức, tập trung vào những gì cô giảng trên màn hình và cố gắng nói thật to qua micro để tôi nghe thấy", cô Linh kể.

-4756-1663854389.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=f_JlLoYecaSqgKxmYGoUmg

Học sinh lớp 3B, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, Hà Giang, học tiếng Anh cùng cô giáo trường Marie Curie hôm 22/9. Ảnh: Trường PTDTBT Tiểu học Giàng Chu Phìn

Ở đầu cầu Mèo Vạc, giáo viên chủ nhiệm kiêm trợ giảng, cô Nguyễn Thị Hằng Nga, đứng bao quát lớp và hướng dẫn học sinh phát âm theo cô Linh. Thỉnh thoảng, cô Nga trở thành phiên dịch, giúp giải thích cho những em còn chậm, chưa rõ tiếng Kinh.

"Tôi cũng bị cuốn vào bài giảng hấp dẫn, dễ hiểu và học được những từ đơn giản. Cô Linh nhiệt tình, lại có phương pháp tốt nên dù phải đọc nhiều lần, các con vẫn vui", cô Nga nhận xét.

Cô Linh đang cùng 19 giáo viên khác của trường Marie Curie tham gia dạy tiếng Anh cho 18 trường tiểu học ở huyện Mèo Vạc. Hàng tuần, cô hỗ trợ trường Giàng Chu Phìn dạy 12 tiết cho học sinh của bốn lớp 3.

Theo ông Bùi Văn Thư, trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc, huyện hiện thiếu giáo viên các môn, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh. Từ năm học 2022 - 2023, cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 3, học sinh phải được học bốn tiết tiếng Anh một tuần.

"Năm nay là lớp 3, sang năm sẽ triển khai lên lớp 4, năm nữa sẽ lớp 5, do đó giáo viên tiếng Anh càng ngày càng thiếu. Hiện huyện cần khoảng 10 thầy cô tiếng Anh", ông Thư cho biết.

Huyện Mèo Vạc có 2.609 học sinh với 76 lớp 3 nhưng có 27 giáo viên tiếng Anh, trong đó chỉ một người dạy tiểu học. Lúc đầu, địa phương có phương án đưa giáo viên THCS xuống dạy tiểu học nhưng chỉ hỗ trợ được một phần.

Ông Thư đã chia sẻ khó khăn này với thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng trường Marie Curie ở Hà Nội. Ông ngỏ ý nhờ thầy Khang hỗ trợ dạy trực tuyến ba tiết một tuần từ điểm cầu Hà Nội, một tiết còn lại do các thầy cô huyện Mèo Vạc phụ trách.

"Tôi sững người trước đề nghị này và chưa đồng ý ngay vì không biết làm nổi không. Đây là chương trình chính khóa, đã nhận lời phải làm chất lượng và nghiêm túc. Tôi suy nghĩ một ngày", thầy Khang kể.

Khi ấy, gần 70 giáo viên tiếng Anh người Việt của trường đều đã được phân công giảng dạy cho năm học mới, thầy Khang không biết xếp thời khóa biểu ra sao. Cuối cùng, thầy quyết định tuyển mới 20 giáo viên để thực hiện dự án.

Hôm 12/9, dự án chính thức bắt đầu tại 18 trường tiểu học của Mèo Vạc. Dự tính chi phí cho hoạt động này khoảng 1,5 tỷ đồng, do trường Marie Curie hỗ trợ.

giao-vien-ha-noi-day-tieng-anh-online-cho-hoc-sinh-meo-vac-1663863436.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4NJFIek-1efvQOub5nyQDQ
Giáo viên Hà Nội dạy tiếng Anh online cho học sinh Mèo Vạc

Học sinh lớp 3 trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Máng, Mèo Vạc, Hà Giang, trong một giờ học tiếng Anh trực tuyến cùng cô giáo trường Marie Curie Hà Nội. Video: Trường Marie Curie

Đây là lần đầu tiên cô Linh dạy tiếng Anh cho học sinh vùng cao. Dạy online nên đôi lúc mất kết nối, cô không thể nghe được học sinh ở Mèo Vạc nói gì. Có hôm bị cắt điện, cô phải dời buổi học sang hôm sau. Học với cô giáo mới, học sinh lúc đầu ngại ngần, chưa dám giơ tay phát biểu.

Khác với học sinh dưới xuôi được tiếp xúc tiếng Anh từ nhỏ, các em ở Mèo Vạc chưa từng được học môn này nên cô Linh phải điều chỉnh cách dạy để các em làm quen dần.

"Tôi áp dụng cách học đến đâu chắc đến đấy, nhắc đi nhắc lại kiến thức, dùng ngôn ngữ hình thể và khẩu lệnh ngắn để các em dễ dàng làm theo", cô giáo 21 tuổi chia sẻ.

Cô Đặng Thị Quỳnh Trang, 26 tuổi, phụ trách hai lớp 3 tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tả Lủng, cũng gặp khó khăn tương tự. Để tạo hứng thú cho học sinh, đầu buổi học, cô Trang mở video, bài hát hay hình ảnh theo chủ đề giúp các em mường tượng bài học.

"Nhiều em tiếp thu nhanh còn quay sang hướng dẫn cho bạn khác và cuối buổi đã có thể nói được", cô Trang cho hay.

Theo cô Trang, các giáo viên phải gửi kế hoạch giảng dạy cho nhà trường trước một tuần để được phê duyệt và góp ý. Cô thường dành thời gian chuẩn bị bài, các trò chơi và sắp xếp từ vựng sao cho học sinh dễ dàng tiếp nhận. Cô cố gắng dạy chậm, cho các con luyện tập và có nhiều hoạt động tương tác.

Cô Nguyễn Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn, nhận thấy thay đổi tích cực ở học sinh trong mỗi giờ học tiếng Anh. Cô Tâm cho hay, nhiều em học ở điểm trường, năm nay mới được về trường chính, lại được học với tivi nên rất háo hức.

"Từ chỗ nhút nhát, hai tuần nay các con nói to, xung phong phát biểu nhiệt tình", cô Tâm nói, cho biết, trong lúc hỗ trợ học sinh, giáo viên chủ nhiệm cũng học được bảng chữ cái và biết đọc số.

-3494-1663821968.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MG592-dkV9S2let5EfVCpQ

Học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc, Hà Giang, nhún nhảy theo bài hát tiếng Anh ở đầu buổi học. Ảnh: Trường Marie Curie

Theo cô Tâm, học sinh nơi đây chưa được học tiếng Anh từ lớp 1, 2 nên vào luôn chương trình lớp 3 sẽ hơi nặng. Cô trao đổi với giáo viên ở Hà Nội, lồng ghép kiến thức lớp ba và các lớp thấp hơn để dạy học sinh.

Sau buổi học, các em có phiếu bài tập về nhà. Bài làm được chụp lại rồi gửi cho giáo viên ở Hà Nội. Việc đánh giá học sinh sẽ dựa trên sự phối kết hợp giữa chủ nhiệm lớp, giáo viên tiếng Anh THCS của Mèo Vạc và giáo viên dạy trực tuyến.

"Trường tôi không có giáo viên tiếng Anh. Hỗ trợ của trường Marie Curie đã cứu nguy cho chúng tôi cũng như cho tình trạng thiếu giáo viên chung của huyện", cô Tâm nói.

Cô Trương Thị Lưu, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Pải Lủng, cảm ơn sự nhiệt tình của các giáo viên ở Hà Nội. Trường cô Lưu có ba lớp 3 với 106 học sinh nhưng thiếu nhân lực nên cô giáo tiếng Anh khối THCS được tăng cường xuống tiểu học.

"Biết các cô ở Hà Nội hỗ trợ, giáo viên trong trường và học sinh phấn khởi lắm. Tuần đầu tiên cũng khó khăn nhưng các cô dạy online nhiệt tình, thầy cô của trường ham học hỏi, học sinh lại hứng thú nên các bên cùng khắc phục", cô Lưu cho hay.

Các cô hy vọng mô hình trường giúp trường sẽ được nhân rộng, giúp học sinh ở những nơi khó khăn có cơ hội học tiếng Anh.

Cô Trang luôn chủ động vào lớp sớm 15 phút để chuẩn bị và kiểm tra đường truyền. Mỗi lần như vậy, cô đều thấy học sinh ở đầu cầu Mèo Vạc đã vào lớp đầy đủ, ngồi ngay ngắn và khoanh tay lên bàn chờ cô.

Với cô Linh, vẻ mặt hồn nhiên, ánh mắt chăm chú dõi theo bài giảng là ấn tượng khó quên sau mỗi buổi học.

"Trải nghiệm dạy học này là dấu ấn trong sự nghiệp giáo dục của tôi", cô Linh chia sẻ.

Nhiều ngày qua, thầy Khang nhận được các bức ảnh chụp vở viết tiếng Anh sạch đẹp của học trò Mèo Vạc gửi cho mình.

"Những gương mặt hồn nhiên, những trang vở học trò nắn nót khiến tôi nghẹn ngào", thầy Khang nói, cho biết dự án hỗ trợ tiếng Anh trước mắt được thực hiện trong một năm, sau đó sẽ có đánh giá hiệu quả làm cơ sở cho kế hoạch tiếp theo.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022