Mỗi đứa trẻ lại sở hữu cá tính khác nhau, cha mẹ muốn tìm ra phương pháp giáo dục đúng đắn cần thời gian quan sát con lâu dài. Bên cạnh đó, một số nhóm tính cách phổ biến sau sẽ giúp phụ huynh tìm ra cách giáo dục thích hợp cho con em mình.

1. Trẻ thuộc nhóm hướng ngoại

Hòa đồng, nói nhiều, quyết đoán và luôn biểu hiện cảm xúc là đặc trưng của trẻ có tính cách hướng ngoại. Trẻ luôn có nhiều năng lượng để có thể tham gia nhiều các hoạt động thường ngày. Nguồn năng lượng này của trẻ lan tỏa mạnh mẽ đến mọi người xung quanh, giúp cho mọi người vui vẻ và phấn khích theo trẻ.

Về việc định hướng tương lai và giúp trẻ phát triển tính cách tối ưu, nhóm trẻ này nên được khuyến khích tham gia các hoạt động được tổ chức theo hình thức nhóm hoặc mang tính cộng đồng như các hoạt động câu lạc bộ, các cuộc thi theo nhóm,... để tạo môi trường cho trẻ có thể tương tác với những người xung quanh, cổ vũ và động viên trẻ tạo ra những giá trị tích cực cho bản thân và cộng đồng. Điều này giúp trẻ ngày càng phát triển, khai thác được lợi thế của bản thân mình.

Bên cạnh đó, nhóm trẻ hướng ngoại thường rất dễ biểu lộ cảm xúc ra bên ngoài, yêu ghét rõ ràng. Nhờ đó, bố mẹ cũng dễ dàng hơn trong việc hiểu con. Thế nhưng, nhược điểm là trong một số tình huống, trẻ khó mà giấu được cảm xúc nóng giận hay tiêu cực của mình, dễ làm phật ý đối phương.

photo-2-16638857931171858846613.jpg

2. Trẻ thuộc nhóm tâm lý nhạy cảm

Trẻ nhạy cảm sống dựa vào cảm xúc, bé sẽ có chiều hướng sống tình cảm, không chỉ nghĩ cho bản thân mà còn nghĩ cho người xung quanh. Những trẻ thuộc nhóm này thường được mọi người yêu quý. Tuy nhiên, nhược điểm là bé dễ bị rơi vào cảm xúc tiêu cực khó lòng thoát ra, hoặc đa sầu đa cảm, dễ trải qua những cảm xúc tiêu cực như lo âu, buồn chán, tự ti... Từ đó, trẻ có xu hướng nản chí, không kiên trì với những mục tiêu đặt ra ban đầu.

Để giúp con cái thuộc nhóm tính cách này phát triển cần có sự động viên và đồng hành của bố mẹ qua những sự việc cụ thể. Nếu trẻ cảm thấy buồn, cha mẹ nên khuyên trẻ nói ra những điều buồn phiền để cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Đồng thời cha mẹ hãy giúp trẻ cải thiện tâm trạng bằng cách chơi cùng trẻ, cho trẻ đọc truyện tranh hoặc xem những bộ phim hoạt hình vui nhộn...

Sau đó, cha mẹ hãy giải thích với trẻ là ai cũng sẽ trải qua những cảm xúc này, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Cha mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ cách đạt được mục tiêu ban đầu đề ra bằng nhiều cách khác nhau như chia nhỏ mục tiêu ra và từng bước hoàn thành các mục tiêu nhỏ. Khi trẻ gặp thất bại, cha mẹ hãy khuyến khích, động viên trẻ thử lại và gợi ý, hướng dẫn trẻ những giải pháp khả thi. Qua đó, trẻ sẽ tự tin hơn vào bản thân.

photo-1-16638857887681814356181.jpg

3. Trẻ thuộc nhóm tận tâm

Những em bé thuộc nhóm này thường có tính cách chu đáo, tỉ mỉ trong các hoạt động hàng ngày. Trẻ thuộc nhóm tận tâm biết cách tổ chức và thường có chú ý đến các chi tiết xung quanh. Đặc biệt, trẻ luôn kỷ luật nghiêm túc với bản thân. Bên cạnh đó, trẻ có nhóm tính cách này cũng rất biết quan tâm mọi người xung quanh, thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ và an ủi người khác.

Để giúp trẻ trong nhóm này phát triển tính cách, cha mẹ nên khuyến khích con tham gia những hoạt động xã hội. Các hoạt động này có tác dụng khơi nguồn cho tình yêu thương, sự sẻ chia, quan tâm bên trong trẻ. Đồng thời, thông qua các hoạt động này trẻ cũng học thêm được nhiều kiến thức mới và phát triển các kỹ năng mềm thiết yếu như kỹ năng quan sát, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng hoạt động đội nhóm…

4. Trẻ thuộc nhóm dễ chịu

Trẻ có tính cách dễ chịu thuộc nhóm trẻ an toàn, thường có xu hướng dễ thỏa hiệp và chấp nhận yêu cầu của người khác mà ít khi lăn tăn, đắn đo. Trẻ có tính cách này dễ dàng kết nối và xây dựng được cho mình những mối quan hệ, sự tương tác với mọi người xung quanh một cách nhanh chóng. Nhưng, điểm bất lợi cho trẻ cũng là dễ bị lợi dụng, bị người khác chi phối.

Với trẻ thuộc nhóm tính cách này, cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ làm quen với các hoạt động mà trẻ được tự mình quyết định và khuyến khích trẻ giải thích về lựa chọn của mình. Cụ thể, cha mẹ có thể thường xuyên đặt ra cho trẻ những vấn đề như đi đâu, mua gì, tô màu gì, chơi như thế nào... để trẻ ra quyết định và hỏi trẻ tại sao lại quyết định như vậy.

Đồng thời, cha mẹ nên dạy trẻ phân tích, đánh giá và đặt câu hỏi tại sao đối với những yêu cầu từ người khác. Việc này sẽ giúp trẻ rèn luyện tư duy phản biện và biết cách cân nhắc các điều kiện trước khi đưa ra quyết định. Dần dần, trẻ sẽ cải thiện được việc dễ chấp nhận, dễ thỏa hiệp trong tính cách của bản thân.

5. Trẻ thuộc nhóm sẵn sàng trải nghiệm

Trẻ thuộc nhóm sẵn sàng trải nghiệm luôn có tâm thế thích thú, sẵn sàng khám phá và tìm hiểu những điều mới lạ. Trẻ không ngại khó khăn, luôn có ý chí xung phong đi đầu. Tuy nhiên, tính cách của trẻ sẽ khiến trẻ dễ rơi vào tình trạng "cả thèm chóng chán". Trẻ có thể dễ dàng từ bỏ chuyện cũ để chuyển hướng sang chuyện khác vui hơn, lạ hơn, hấp dẫn hơn.

Nhóm trẻ này cần được cha mẹ, thầy cô quan tâm nhiều về chất lượng các hoạt động hàng ngày. Bởi một khi trẻ đã nắm bắt được bản chất của hoạt động thì sẽ có xu hướng từ bỏ, không còn hứng thú, không còn đam mê. Vì vậy, cha mẹ và thầy cô có thể tăng mức độ cũng như sáng tạo thêm nhiều tình huống khác nhau cho trẻ. Qua đó, trẻ sẽ có cơ hội chậm lại để nhìn nhận và quan sát trải nghiệm tốt hơn.

Mọi trẻ em khi ra đời đều mang những nét cá tính rất riêng của mình, và cá tính này chi phối hầu hết các trạng thái và thậm chí quyết định một số các cột mốc quan trọng của cuộc đời bé. Nên nếu biết cách giáo dục và định hướng đúng theo từng nét tính cách thì mọi đứa trẻ đều đi đến thành công.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022