Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Dạy nghề sửa đổi với hai luồng ý kiến trái chiều là việc nên giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo hay Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Dự luật quy định Bộ Lao động chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Thừa nhận sự chồng chéo trong quản lý giáo dục nghề nghiệp hiện nay, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng, nên chuyển hoạt động này cho Bộ Giáo dục. Việc tập trung vào một đầu mối quản lý sự nghiệp giáo dục sẽ giải quyết được tình trạng phân tán, chồng chéo, chia cắt trong quản lý, dàn trải lãng phí trong đầu tư phân bổ cho giáo dục, khó khăn trong tổ chức đào tạo. Việc này có thể làm khối lượng công việc của Bộ này tăng lên nhưng lại đúng chức năng quản lý - như thế dù khối lượng công việc nhiều cũng sẽ giải quyết thuận lợi.

Đại biểu đề nghị Thường vụ Quốc hội cho lấy phiếu ý kiến về chi tiết này trong luật.

nguyet1-5931-1415176351.jpg

Đại biểu Lê Thị Nguyệt cho rằng vẫn nên giao cho Bộ Lao động quản lý công tác dạy nghề như hiện nay. Ảnh: Thanh Thanh. 

Đồng tình với việc giao cho Bộ Giáo dục quản lý, đại biểu Lê Tuấn Tú cho rằng, nếu giao Bộ Lao động thì phải hình thành thêm bộ máy để chỉ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Ở 63 tỉnh, thành đã có 63 Sở Lao động, nay lại thêm 63 phòng giáo dục chuyên nghiệp thì con số tăng biên chế không dưới 500.

“Nếu Quốc hội ấn nút thông qua dư luật thì đồng thời ấn nút cho Bộ Lao động tuyển thêm bằng đấy biên chế. Nếu Bộ Giáo dục quá nặng thì nên tách giáo dục ra làm hai, mầm non và phổ thông giao cho Bộ này, còn nghề nghiệp và đại học giao cho Bộ Khoa học”, đại biểu Tú nói.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt phân tích, nhiều năm trước Bộ Giáo dục được giao quản lý đào tạo nghề. Thời gian ấy, công tác dạy nghề bị thu hẹp, ít được đầu tư, hiệu quả thấp vì thế từ năm 2001 mới giao về cho Bộ Lao động. Từ đó, công tác dạy nghề đã có nhiều tiến bộ.

“Giao cho Bộ Giáo dục quản lý thì giống như báo cáo giải trình đã nêu có ưu điểm là thống nhất một cơ quan quản lý, nhưng nhiều phần việc ngành lao động đang làm, ngành giáo dục khó có thể thực hiện được. Tôi đề nghị tiếp tục để ngành lao động quản lý lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp", bà Nguyệt nói.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Trọng Sanh nhận định: “Không thể phủ nhận thực tế Bộ Lao động đã tạo được kết quả nhất định. Theo tôi trước mắt vẫn giao cho ngành lao động quản lý, tránh tác động xấu đến giáo dục nghề nghiệp".

Theo ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng, giáo dục nghề nghiệp đang bị phân tách thành hai bộ phận do hai Bộ thực hiện quản lý nhà nước, trong đó Bộ Lao động quản lý hệ thống dạy nghề gồm ba trình độ đào tạo sơ cấp nghề, trung cấp và cao đẳng nghề, Bộ Giáo dục quản lý hệ thống trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng.

Điều này dẫn tới tình trạng phân tán, chồng chéo, chia cắt trong quản lý; dàn trải, lãng phí trong đầu tư, phân bổ nguồn lực; gây khó khăn trong tổ chức thực hiện đào tạo; trùng lặp về ngành nghề đào tạo; khác biệt trong xây dựng chương trình đào tạo dẫn tới khó khăn trong liên thông.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định giáo dục nghề nghiệp sẽ gồm ba trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Đồng thời vẫn giao Bộ Lao động làm đầu mối.

Lý giải việc này, ông Thi cho biết, thực tế trước đây toàn bộ hoạt động đào tạo và dạy nghề được giao cho Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, trong thời gian dài lĩnh vực này ít được quan tâm đầu tư nên đã không tạo được sự phát triển cần thiết, quy mô đào tạo nghề bị thu hẹp.

“Bộ Giáo dục quản lý các cấp, bậc học từ mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp cho tới đại học và sau đại học. Nếu giao thêm quản lý với toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có thể làm tăng gánh nặng công việc. Do đó có thể ảnh hưởng nhất định tới việc phát triển đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ”, ông Thi nói.

Dự luật Dạy nghề sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này.

Nam Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022