Tại lễ tốt nghiệp của sinh viên Đại học Thủy lợi năm 2017, Hiệu trưởng Nguyễn Quang Kim đưa ra lời đề nghị với Lương Thị Giang, thủ khoa ngành Kế toán. Nhà trường sẽ tạo điều kiện để Giang ở lại trường giảng dạy. Điều này gây bất ngờ cho cả giảng viên và sinh viên vì chưa từng có tiền lệ trong suốt 10 năm qua.

“Em thực sự rất vui và bất ngờ khi thầy hiệu trưởng thông báo sẽ đặc cách tuyển thẳng em vào trường công tác nếu như có nguyện vọng. Em được biết từ khi thành lập khoa, trường chỉ tuyển thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp từ Học viện Tài chính hay Đại học Kinh tế quốc dân”, Giang xúc động nói.

Giang-2-3418-1502354811.jpg

Lương Thị Giang là sinh viên duy nhất được đề nghị làm giảng viên ngành Kế toán của Đại học Thủy lợi. Ảnh: NVCC

Đỗ Đại học Thủy lợi năm 2013, cô gái đến từ Thái Bình luôn quan niệm xuất phát điểm không quá quan trọng, điều cần thiết hơn là nỗ lực của bản thân. Kết quả, Giang trở thành thủ khoa đầu ra của trường với số điểm 3.79/4.0. Trong bốn năm học, em là sinh viên giỏi hai kỳ và sinh viên xuất sắc sáu kỳ.

Giang rất tích cực nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động của trường. Năm 2015, em đạt danh hiệu “Bí thư giỏi thủ đô”. Một năm sau, em giành giải nhất cuộc thi Nghiên cứu Khoa học tuổi trẻ lần thứ 29 với đề tài về chính sách thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam.

Giang chia sẻ, để học đều các môn, bao gồm cả những môn đại cương và môn chuyên ngành, em đặt ra chiến lược học tập xuyên suốt bốn năm. “Khối lượng kiến thức rất lớn. Vì vậy em luôn xác định phải học nghiêm túc ngay từ đầu, không để dồn đến lúc thi”, Giang nói và cho biết thường sử dụng sơ đồ tư duy Mind map trong tất cả môn học để ghi nhớ kiến thức dễ dàng hơn.

Cô gái sinh năm 1995 luôn giữ nguyên tắc không học gì vào buổi tối trước ngày thi. “Em sẽ đi chơi cùng bạn bè hoặc ngủ một giấc dài chứ không bao giờ động vào sách vở thời điểm đó. Làm vậy giúp em tránh được căng thẳng”, Giang khẳng định.

Giang-9746-1502354811.jpg

Ngoài học tập, Giang còn tham gia nghiên cứu khoa học và các hoạt động ngoại khóa của trường. Ảnh: NVCC

Mặc dù trường chỉ yêu cầu thực tập trong khoảng ba tháng nhưng xác định từ đầu kinh nghiệm thực tế rất quan trọng, Giang đã xin đi thực tập từ năm ba. “Em đăng ký học dồn vào một buổi cố định trong ngày để dành thời gian đi thực tập. May mắn được làm việc đúng ngành học nên thực tập phục vụ khá nhiều cho việc học của em”, Giang thông tin.

Thủ khoa đầu ra Đại học Thủy lợi chia sẻ nhiều người hỏi sao không lựa chọn khối trường kinh tế để theo học vì điểm đầu vào khá cao (23 điểm), nhưng Giang cho rằng chương trình học ở trường Thủy lợi phù hợp với mình và em được học đúng ngành yêu thích.

Cô Vũ Thị Nam, Trưởng bộ môn Kế toán, Đại học Thủy lợi, cho biết Giang là sinh viên thứ ba tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Kế toán nhưng là sinh viên đầu tiên được đề nghị ở lại làm giảng viên.

"Giang chăm chỉ, tư duy tốt, có khả năng nghiên cứu chuyên sâu và có mục đích sống rõ ràng. Đây là những ưu điểm rất cần ở một giảng viên. Việc hiệu trưởng quyết định trao cho Giang cơ hội giảng dạy ở trường vừa chứng minh khả năng của em, vừa khẳng định chất lượng đào tạo của Đại học Thủy lợi, đặc biệt ở một ngành mới thành lập 10 năm như Kế toán", cô Nam nói.

Hiện tại, Giang đã quyết định hoàn thiện hồ sơ gửi nhà trường để đón nhận cơ hội được ở lại làm giảng viên. “Chính các thầy cô Đại học Thủy Lợi đã truyền lửa, giúp em có tình yêu với công việc đứng trên bục giảng này”, Giang chia sẻ.

Để đáp ứng yêu cầu tối thiểu với một giảng viên Đại học Thủy lợi, bao gồm điểm IELTS 6.0 và bằng thạc sĩ, Giang lên kế hoạch tập trung học tiếng Anh trong năm tới. "Em cũng mong muốn xin được du học bậc thạc sĩ ở nước ngoài trước khi chính thức trở thành giảng viên trong trường", Giang nói.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022