Chia sẻ với VnExpress, một thí sinh của kỳ thi THPT quốc gia bày tỏ bức xúc khi thấy có nhiều bạn được ưu tiên 2-3,5 điểm, thậm chí có người tới 6 điểm. Em này cho biết thi được 26 điểm, bạn kia được 24 nhưng cộng điểm ưu tiên lại thành 27,5. "Để vào đại học phải cạnh tranh. Điểm của em cao hơn mà tự dưng lại bị thấp hơn bạn được cộng ưu tiên kia khiến cơ hội đỗ vào trường yêu thích trở nên mong manh. Em thấy ức chế dễ sợ", thí sinh tâm sự.
Em cho biết thêm, khi theo dõi bảng tổng hợp đăng ký xét tuyển đại học của các trường, phát hiện thấy hầu hết thí sinh được cộng điểm ưu tiên cao lại nằm chủ yếu ở đại học tốp đầu như: Y Hà Nội, Ngoại thương, Luật, Bách khoa… Sự cạnh tranh điểm ở các trường này vốn rất lớn nên khi nhiều bạn được cộng điểm ưu tiên cao khiến những thí sinh khác không phục.
Thảo, một thí sinh đăng ký vào Đại học Luật Hà Nội cũng chia sẻ bức xúc khi thấy năm nay có nhiều bạn được cộng điểm ưu tiên, khuyến khích. Thí sinh biết điểm mới nộp vào các trường, nhiều bạn điểm thi trung bình nhưng điểm cộng lớn lại có cơ hội đỗ cao hơn các bạn điểm khá mà không được cộng ưu tiên. Bản thân em dù đạt điểm cao nhưng đang bị xếp hạng bằng người có điểm thi kém mình đến 3,5.
"Hơn kém nhau 0,25 điểm trong thi đại học đã có thể là câu chuyện của người đỗ và người trượt. Đằng này, có bạn được cộng đến 3,5 điểm, trường hợp ở Đại học Y Hà Nội còn được cộng đến 6 điểm ưu tiên thì còn gọi gì là công bằng", Thảo nói.
Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Giang Huy.
"Để tăng thêm một điểm trong kỳ thi học sinh đã phải cố gắng mới đạt được, vậy mà nhiều người được cộng điểm quá dễ dàng. Dù một số thực sự khó khăn và nỗ lực nhưng chắc gì tất cả những người ở thành phố đã sướng. Bạn của tôi sống ở Hà Nội vẫn phải đi làm thêm kiếm tiền nhưng có được cộng điểm nào đâu", Hùng Phạm chia sẻ.
Bên cạnh những ý kiến không đồng tình, nhiều người lại cho rằng, việc cộng điểm ưu tiên là hợp lý. Nhóm này phân tích, đa phần thí sinh được cộng 0,5 điểm khu vực. Những bạn được cộng 1-1,5 điểm là ở vùng nông thôn, xã khó khăn. Nhóm được cộng tới 4 điểm là con thương binh, liệt sĩ, dân tộc thiểu số và đạt một số thành tích khác.
"Tôi muốn đi học thêm, nhưng nhà trường không mở lớp do không có giáo viên và giáo viên cũng không giỏi. Tôi đã phải học rất vất vả, nhất là với môn Ngoại ngữ. Trong điều kiện học tập như thế, điểm thi của tôi không cao, điểm cộng giúp tôi có khả năng được học tập ở môi trường tốt hơn", Lý Thị Thanh Thảo, một học sinh dân tộc thiểu số chia sẻ.
Triệu Anh Tuấn, thí sinh của năm 2014 cho biết, em có hộ khẩu ở khu vực 2 nhưng học cấp 3 ở TP HCM và hoàn toàn không được cộng điểm nào khi thi đại học. Tuy nhiên, em hoàn toàn thấy hợp lý trong cách tính điểm ưu tiên.
Theo em, các giáo viên ở tỉnh phần lớn có trình độ không tốt bằng giáo viên thành phố. Ở quê cũng ít trung tâm, lò luyện thi hoặc có nhưng học phí rất cao nên ít học sinh theo học được. Trong khi những điều kiện đó ở thành phố đều có. "Bạn ở thành phố thi được 27 điểm, bạn ở tỉnh thi được 26 điểm và được cộng thêm 1,5 vậy, hơn nhau 0,5 điểm. Nhưng mình nghĩ nếu 2 bạn học cùng một lớp thì khoảng cách có thể không dừng lại ở 0,5 điểm", Anh Tuấn nói.
Trường hợp được cộng 3 điểm khuyến khích, theo những người này vẫn là hợp lý vì đây đều là thí sinh đã xuất sắc giành giải học sinh giỏi quốc gia. So với mọi năm, nhóm thí sinh này được tuyển thẳng thì việc năm nay phải thi và chỉ được cộng điểm là "có phần bất lợi hơn".
Nhiều độc giả của VnExpress phân tích thêm, quy định tính ưu tiên khu vực không phụ thuộc vào hộ khẩu thường trú mà căn cứ vào trường THPT thí sinh theo học. "Nếu có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn sẽ được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học một trường hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Điều này để tránh tình trạng đến lớp 12 học sinh lại xin về quê để cộng điểm ưu tiên", bạn Trần Như Hồng giải thích.
Cách tính điểm cộng ưu tiên khu vực theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạoĐiểm cộng ưu tiên khu vực được cộng tối đa 1,5 điểm, giữa mỗi khu vực ưu tiên chênh lệch 0,5 điểm.
Phân chia khu vực ưu tiên như sau:
Khu vực 1: Các xã, thị trấn thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo trong đó có các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo qui định của chính phủ.
Khu vực 2: Các thành phố trực thuộc tỉnh (không trực thuộc trung ương) và các thị xã, các huyện ngoại thành của các thành phố trực thuộc trung ương.
Khu vực 2 nông thôn (viết tắt là KV2-NT): Bao gồm các xã, thị trấn không thuộc KV1, KV2, KV3.
Khu vực 3: Các quận nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương.
Quỳnh Trang
Xem thêm: