Hòa ái, thân thiết như anh em
Trần Thánh Tông là vị vua tham gia cả ba cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông, là một (trong các) vị vua có công lao lớn trong công cuộc giữ nước và xây dựng đất nước Đại Việt hùng mạnh..
Trong hoàng tộc, ông cư xử rất đàng hoàng, giữ tình thân tôn nghiêm, nhưng hòa ái thân thiết như anh em của một gia đình thường dân. Sử sách còn ghi được những câu chuyện rất cảm động trong cách cư xử của nhà vua thể hiện lòng hiếu thuận đối với cha mẹ và ân tình đối với anh em họ hàng.
Tượng vua trần nhân tông!
Ví như sau những buổi triều hội, vua thường họp mặt mọi người trong tông thất mà truyền rằng: "Thiên hạ là của tổ tông nên cùng với anh em trong họ hưởng phú quý. Tuy bên ngoài thì ta là người tôn quý, cả thiên hạ phụng sự, nhưng trong nhà thì ta cùng các khanh là anh em ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên đem câu nói ấy mà truyền lại cho con cháu để ghi nhớ. Thế là phúc của tôn miếu xã tắc vậy".
Sau đó, vua truyền cho các vương hầu tôn thất xong buổi chầu thì vào điện Lan đình cùng nhau ăn uống. Có khi trời tối không về được thì đặt gối dài chăn rộng cùng ngủ liền giường với nhau, để tỏ hết lòng yêu quý nhau.
Việc ấy cũng gần như thành lệ, chỉ trừ những khi bàn công việc, lễ chầu mừng hoặc yến tiệc đãi khách mới phân biệt ngôi thứ chức phận rõ ràng. Sử sách cho rằng, chính vì vua Thánh Tông "trung hiếu nhân thứ" như vậy nên các vương hầu không ai không kính sợ, yêu quý mà không dám kiêu nhờn... Một lần "mắc lỗi" với anh
Nhưng cũng có một lần Thánh Tông "mắc lỗi" với anh. Đó là vào mùa đông năm Mậu Thìn (1268), Thánh Tông đã làm vua được 10 năm. 28 tuổi nhưng ông đã tỏ ra một vị quốc vương có tài. Mọi việc nội trị, ngoại giao nhà vua đều giải quyết ổn thỏa khiến cho đất nước Đại Việt thái bình thịnh trị, Thượng hoàng Trần Thái Tông không phải lo lắng gì.
Trong không khí thanh bình như vậy, một hôm vua cùng anh là Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang đùa vui trước mặt cha. Lúc ấy Thượng hoàng mặc chiếc áo vải bông trắng. Muốn cho cha vui, Tĩnh Quốc múa kiểu người Hồ. Điệu múa uyển chuyển, bay bướm, Thượng hoàng thích, cởi chiếc áo đang mặc ban cho Quốc Khang.
Liền lúc ấy, vua cũng bước ra múa kiểu người Hồ để xin chiếc áo ấy. Quốc Khang nói: “Quý nhất là ngôi hoàng đế, hạ thần không dám tranh với chú hai, nay đức chí tôn cho thần vật nhỏ mọn này mà chú lại muốn cướp lấy chăng?”. Thượng hoàng nghe xong cười lớn, nói: “Thế ra mày coi ngôi vua với chiếc áo xoàng này không hơn kém gì nhau”. Thái Tông khen ngợi hồi lâu rồi cho Tĩnh Quốc cái áo ấy.
Thái Tông là một người cha công bằng, ông yêu các con, nhưng mỗi người con có một sứ mệnh và trọng trách khác nhau đối với xã tắc. Dù vậy, trước cha, họ đều vẫn là "đứa con nhỏ", muốn làm vui lòng cha và cũng muốn được cha cho phần hơn.
Thánh Tông(*) trong lúc này đã như vậy, "quên" cương vị một ông vua mà chỉ còn là chú hai "đành hanh" tranh quà với anh, đã bị anh nhắc bảo và bị vua cha "xử lý". "Chú hai" không bị cha mắng, nhưng không được cho áo, không được cha khen. Không thấy sử chép Thánh Tông tỏ thái độ gì, như thế chắc nhà vua đã biết lỗi. Các sử gia đời sau đều chép câu chuyện này và có lời khen: "Trong chỗ cha con, anh em hòa thuận vui vẻ như thế đấy"(Theo bee.net.vn)