Ngày 28/5, thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó hiệu trưởng Đại học Gia Định, cho biết trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt mở ngành bác sĩ Răng-Hàm-Mặt, dự kiến tuyển 50 sinh viên.
Các phương thức xét tuyển gồm: Xét học bạ; Điểm thi tốt nghiệp THPT 2025; Kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM. Học phí dự kiến khoảng 170 triệu đồng một năm.
Để chuẩn bị cho công tác đào tạo, ông Chung cho hay trường đã xây dựng chương trình theo hướng mở, dựa trên ba trụ cột công nghệ - ngoại ngữ - kỹ năng thực hành. Sinh viên sẽ học lý thuyết kết hợp với thực hành trên hệ thống mô hình bệnh nhân ảo, thiết bị giám sát từ xa, nền tảng dữ liệu sức khỏe điện tử. Từ năm thứ nhất, các em có cơ hội tham gia các khóa học mô phỏng lâm sàng để rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống thực tế.
Trường đã ký hợp đồng đào tạo thực hành với Bệnh viện Đa khoa Thành phố Thủ Đức. Người chủ trì khối ngành sức khỏe là PGS.TS.BS Lâm Hoài Phương, Phó hiệu trưởng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương TP HCM. Đội ngũ giảng viên có 58 người, trong đó có 32 giảng viên cơ hữu gồm các phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, I.

Đoàn đánh giá của Bộ Y tế khảo sát công tác chuẩn bị đào tạo khối ngành sức khỏe của trường Đại học Gia Định. Ảnh: Như Ý
PGS.TS.BS Lâm Hoài Phương, Phó hiệu trưởng, đánh giá ngành Răng-Hàm-Mặt có vai trò quan trọng trong hệ thống y tế bởi sức khỏe răng miệng ảnh hưởng trực tiếp đến các bệnh lý toàn thân như tiểu đường, tim mạch, huyết áp. Việc mở ngành không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn đón đầu xu hướng của y học hiện đại.
Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có 35 trường đào tạo bác sĩ, trong đó có 19 cơ sở đào tạo ngành Răng-Hàm-Mặt. Năm ngoái, 999 sinh viên ngành này tốt nghiệp, trong số hơn 11.400 người lấy bằng bác sĩ.
Lệ Nguyễn