Thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie, tối 4/10 cho biết đã lập "Dự án Làng Nủ". Thầy sẽ chu cấp cho mỗi học sinh ba triệu đồng một tháng, đến hết năm 18 tuổi. Ngoài ra, thầy có thể hỗ trợ thêm những nhu cầu cần thiết của các em trong quá trình học tập.

Danh sách 22 học sinh ở Làng Nủ được nhà trường lập ra đầu tháng 10, sau khi đến Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, thăm gia đình những em còn sống sót sau trận lũ quét rạng sáng 10/9. Đoàn cũng đến bệnh viện, vào từng trường có học sinh Làng Nủ điều trị và học tập để khảo sát.

Danh sách có xác nhận của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Yên, gồm đầy đủ thông tin về hoàn cảnh gia đình, người thân, số tài khoản của 22 học sinh. Trong số này, có em vừa vào lớp 1, trong tích tắc mất cả bố mẹ, hai người anh trai và ngôi nhà; có những em mất bố, hoặc mẹ, hoặc anh chị em ruột, chưa tìm được thi thể người thân.

Ước tính, số tiền hỗ trợ cơ bản của thầy Khang vào khoảng 5,6 tỷ đồng, chưa tính chi phí phát sinh. Thầy Khang cho hay đến năm 2039, dự án mới kết thúc vì đó là thời điểm những em nhỏ nhất trong danh sách tròn 18 tuổi, còn thầy bước vào tuổi 90.

"Bây giờ tôi là người ham sống nhất. 'Ông nội' của 22 bé Làng Nủ mong sống ít nhất 15 năm nữa để thấy tất cả các con trưởng thành", ông Khang nói. "Tôi mất thì gia đình tôi và trường Marie Curie sẽ tiếp tục chăm sóc các con chu đáo".

Thầy Khang cho biết không chỉ mỗi tháng gửi một khoản tiền mà còn theo dõi để hỗ trợ các em. Bởi vậy, danh sách còn có thông tin liên lạc của giáo viên chủ nhiệm. Ngoài ra, thầy sẵn sàng hỗ trợ phòng bán trú, nội trú, trang bị thêm vật dụng cần thiết cho các trường, ký túc xá có học sinh Làng Nủ.

3aee1954-509d-4a6f-8452-b3c374-9563-4092-1728048804.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=szNAYTfCW9GiFDghddGzWA

Thầy Nguyễn Xuân Khang khóc khi cầm danh sách học sinh trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh bị mất và bị thương sau lũ, hôm 19/9. Ảnh: Ngọc Thành

Làng Nủ nằm gần chân núi Voi, có 167 hộ với 760 đồng bào người Tày sinh sống. Trận lũ quét rạng sáng 10/9 khiến 33 hộ dân bị vùi lấp, 40 gia đình bị ảnh hưởng, 55 người chết, 12 người mất tích, 14 người bị thương.

Khi đọc được thông tin những đứa trẻ Làng Nủ mất bố mẹ, nhà cửa, thầy Khang khóc. Nhưng rồi thầy nghĩ "Chỉ khóc thôi ư? Phải làm gì để nguôi ngoai".

Ngày 15/9, sau khi xem được phóng sự về em Nguyễn Văn Hành, học sinh trường THPT Bảo Yên, không còn ai thân thích, đang phải điều trị ở viện và nghĩ đến việc phải bỏ học, thầy Khang nghĩ đến việc nhận "nuôi" trẻ còn sống sót sau trận lũ để các em được đến trường.

Thầy Khang sau đó quyết định chu cấp cho Hành ba triệu đồng một tháng, bởi cô hiệu trưởng chia sẻ trẻ vùng cao cần 2-3 triệu là đủ sống và đi học. Thầy cũng kết nối với ngành giáo dục huyện Bảo Yên để nhờ hỗ trợ.

Cô Đào Thị Thanh Thủy, giáo viên chủ nhiệm của em Hành ở trường THPT Bảo Yên, chia sẻ có nhiều người đến thăm hỏi em Hành trước thầy Khang nhưng thầy là người đầu tiên đề nghị được "nuôi" Hành lâu dài.

"Tôi rất cảm động trước quyết định nhanh chóng của thầy và mừng vì Hành tiếp tục được đi học", cô nói.

Hành cũng là học sinh đầu tiên nhận chu cấp từ trường Marie Curie, bắt đầu từ tháng 9. Thầy Khang còn đưa Hành thêm một khoản để em mua điện thoại, tiện cho việc liên lạc giữa hai thầy trò.

Hôm 30/9, trường Marie Curie đến thăm và trao tận tay học sinh Làng Nủ những bức thư ghi lời yêu thương, cổ vũ từ học sinh của trường ở Hà Nội.

Cô Hoàng Thị Mai Hoa, Phó hiệu trưởng Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh, nơi có 13 học sinh tử vong và 7 em bị thương sau trận lũ, nói xúc động trước tình cảm của thầy Khang và trường Marie Curie.

"Từ sự giúp đỡ và những bức thư của học sinh Marie Curie, học sinh vùng lũ sẽ nguôi ngoai được phần nào nỗi buồn và tiếp tục cố gắng trong học tập để không phụ lòng mong mỏi của mọi người", cô Hoa chia sẻ.

marie-curie-jpeg-1728047908-17-8444-8320-1728048804.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pX6EMGDHWTZeKLjYoVpnXg

Học sinh trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh đọc thư của học sinh trường Marie Curie, hôm 30/9. Ảnh: Trường Marie Curie cung cấp

Đây không phải lần đầu tiên thầy Nguyễn Xuân Khang hỗ trợ học sinh vùng cao. Năm 2022, trường Marie Curie dạy tiếng Anh trực tuyến cho 2.600 học sinh lớp 3 ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, duy trì tới khi các em học xong tiểu học.

Cuối tháng 11 năm ngoái, trước tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh ở Mèo Vạc, thầy Khang chi 6-12 tỷ đồng hỗ trợ 30 sinh viên địa phương học đại học chuyên ngành này. Mỗi tháng, một sinh viên được hỗ trợ 5 triệu đồng, kéo dài trong 4 năm.

Hồi tháng 2, thầy Khang cũng quyết định chi 100 tỷ đồng để xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú ở huyện Mèo Vạc.

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022