Mới đây, một sự việc xảy ra trong rạp chiếu phim ở Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi.
Cặp vợ chồng nọ đưa con 3 tuổi đi xem phim. Đáng nói, trong quá trình phim đang chiếu, đứa bé liên tục dùng điện thoại di động với âm thanh lớn khiến người khác bị ảnh hưởng. Một sinh viên nhắc nhở nhẹ nhàng, rằng anh chị nên cho bé đeo tai nghe.
Cha mẹ của đứa trẻ hợp tác và giảm âm lượng trên điện thoại di động. Lúc này, sinh viên nọ không nói thêm gì nữa. Mọi chuyện tưởng đã xong, ai ngờ sau khi bộ phim kết thúc, cặp vợ chồng này lại phản ứng gay gắt: "Vừa rồi ai nói gì về con tao? Chúng mày soi mói điều gì ở một đứa trẻ 3 tuổi?", bà mẹ nói.
Người mẹ bắt sinh viên này đến xin lỗi con. Bản thân em sinh viên để "yên chuyện" đã phải quỳ xuống xin lỗi một đứa trẻ 3 tuổi, vừa quỳ lạy vừa hét lên: “Xin bỏ qua cho tôi với, tôi xin lỗi”.
Cặp vợ chồng cùng sinh viên trong câu chuyện
Chồng của người phụ nữ lúc này vẫn tương đối bình tĩnh, vừa ẵm con vừa ôm vợ, vừa an ủi em sinh viên, nói rằng không sao, đứng dậy đi đi, chú xin lỗi con. Không ngờ hành động này khiến vợ anh như đổ thêm dầu vào lửa, hét lên: "Tại sao chúng ta phải xin lỗi?". Em sinh viên lúc này càng đập đầu mạnh hơn.
Cuối cùng, trước sự khuyên can của những người xung quanh, cả hai bên đều rời đi. Tưởng chừng mọi chuyện sẽ kết thúc nhưng không ngờ đoạn video lại được tung lên mạng và nhanh chóng làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi.
Cha mẹ "hư", đừng trách đời con hỏng
Rõ ràng việc để con sử dụng điện thoại di động đã ảnh hưởng đến người khác nhưng cặp bố mẹ không hề xin lỗi mà vẫn nói chuyện rất ngang ngược. Không chỉ vậy, khi thấy video trên mạng, cha của đứa trẻ còn gửi tin nhắn riêng cho em sinh viên, yêu cầu xóa video, nếu không sẽ kiện.
Trong đoạn chat có nội dung: "Tôi đã gọi cảnh sát, ngày mai tôi sẽ gửi thư cho luật sư và biên bản để cảnh sát mời đến làm việc". Tuy nhiên, em sinh viên cũng đã tìm được luật sư và đang chuẩn bị đấu tranh với cha của đứa trẻ đến cùng.
Một số người bức xúc đã gọi đến nơi làm việc của hai vợ chồng và trường học của đứa trẻ để "tố" sự việc. Có cư dân mạng còn đăng tải hình ảnh đời thường của hai mẹ con lên mạng.
Nhìn chung, cư dân mạng cho rằng cách hành xử của cặp cha mẹ không những thiếu phép giao tiếp văn minh mà còn xâm phạm quyền lợi của người khác. Dù phản ứng sinh viên có thể thái quá nhưng mục đích ban đầu của em là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Cặp đôi này đã mắc ít nhất ba sai lầm trong toàn bộ sự việc:
Đầu tiên, họ đưa con đến rạp chiếu phim, không những không chủ động đeo tai nghe mà còn tức giận vì những lời nhắc nhở thiện chí của người khác.
Thứ hai, dù đã hạ âm thanh cũng nên bày tỏ lời xin lỗi với những người xung quanh. Nhưng người phụ nữ không những không hối lỗi mà còn yêu cầu người khác xin lỗi con mình, tính cách rất kiêu ngạo và độc đoán.
Thứ ba, khi video sinh viên suy sụp và quỳ lạy xin lỗi được tung lên mạng, bị trách mắng, cặp đôi này đã không tự kiểm điểm mà thay vào đó gọi cảnh sát để buộc các sinh viên phải chịu trách nhiệm. Chẳng khác nào "vừa ăn cướp vừa la làng.
Trẻ con vốn sôi nổi, năng động, ở nơi công cộng rất dễ làm phiền người khác. Nếu cha mẹ có thái độ thân thiện, thẳng thắn thừa nhận con mình nghịch ngợm, khó kỷ luật và chủ động xin lỗi thì mọi người sẽ hiểu. Nếu cha mẹ áp đặt những ràng buộc đạo đức lên những người xung quanh và cảm thấy rằng cả xã hội nên để con mình thoải mái vì "con còn bé, biết gì", thì đừng trách sau này có người giáo dục lại con cái bạn.
Con nít có thể không biết và chưa ý thức được những việc chúng làm nhưng hãy nói cho chúng biết đâu là đúng đâu là sai, đâu là trách nhiệm của mình và biết cách khắc phục. Đừng bao che, ngụy biện, xóa bỏ những lỗi lầm của chúng. Điều đó không giúp ích cho đứa trẻ ấy mà chỉ càng đang âm thầm đồng ý, chấp nhận, tạo động lực để chúng tiếp tục.