Tại Hội thảo Giáo dục đại học chiều 5/11, Đại tá Dương Xuân Phượng, Phó giám đốc Học viện Viettel, nhận định khoảng cách giữa nội dung đào tạo của trường đại học với thực tế nhu cầu doanh nghiệp vẫn còn rất xa.
Ông Phượng cho biết chương trình thực tập sinh tài năng Viettel Digital Talent từng nhận được 2.000 hồ sơ. Đây đều là các sinh viên xuất sắc, nhưng đơn vị này chỉ chọn được 100 ứng viên. Khảo sát kỹ hơn 100 người được chọn, ông Phương cho biết chỉ 2/3 đáp ứng được 75% công việc, 2% cho rằng kiến thức, kỹ năng của mình có thể đáp ứng 90% yêu cầu, còn lại doanh nghiệp phải đào tạo lại.
"Không biết các cơ quan nhà nước đánh giá ra sao, nhưng sinh viên bằng giỏi, xuất sắc ra trường thì chúng tôi đều phải đánh giá, đào tạo lại", ông Phượng nói.
Đại tá Dương Xuân Phượng, Phó giám đốc Học viện Viettel, phát biểu tại Hội thảo Giáo dục đại học Việt Nam, chiều 5/11. Ảnh: VEC
Trong tham luận gửi đến hội thảo, TS Thiều Huy Thuật và thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên, cũng nhìn nhận đa số doanh nghiệp chưa hài lòng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp, tình trạng thiếu người nhưng khó tuyển hoặc phải đào tạo rất phổ biến.
Theo báo cáo thị trường công nghệ thông tin Việt Nam 2021, trong hơn 55.000 tân cử nhân công nghệ thông tin, chỉ khoảng 30% đáp ứng yêu cầu về kỹ năng và chuyên môn mà doanh nghiệp cần.
TS Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đánh giá việc này dẫn đến lãng phí về nguồn nhân lực, tài chính và thời gian, làm chậm nhịp phát triển của xã hội.
Ở chiều ngược lại, PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, cho rằng bản thân doanh nghiệp cũng chưa tích cực tham gia đào tạo nhân lực với các trường.
Dẫn lại khảo sát được công bố tháng 6/2021 của Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Ngọc cho biết 135 trường đại học được khảo sát đang hợp tác với hơn 6.120 doanh nghiệp, tỷ lệ trung bình là 60 doanh nghiệp/trường.
Tuy nhiên, hoạt động liên kết chính giữa trường và doanh nghiệp là tiếp nhận sinh viên thực tập, kiến tập với tỷ lệ hơn 90%. Hoạt động hợp tác phổ biến thứ hai là trao học bổng, tổ chức ngày hội việc làm với gần 70% doanh nghiệp tham gia. Nhưng việc tham gia góp ý chương trình đào tạo, giảng dạy và thỉnh giảng tại các trường đại học chỉ có 30% làm, chủ yếu là chia sẻ kinh nghiệm.
Trong khi đó, theo bà Ngọc việc doanh nghiệp tham gia góp ý chương trình, đưa tiêu chí chuẩn đầu ra cho sinh viên là cần thiết để có nhân lực thỏa mãn yêu cầu.
PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, phát biểu tại Hội thảo Giáo dục đại học Việt Nam, chiều 5/11. Ảnh: VEC
Để tăng chất lượng sinh viên tốt nghiệp, ông Phượng nhìn nhận các trường đại học nên đổi mới chương trình dựa trên khảo sát nhu cầu doanh nghiệp. Trường có thể mời doanh nghiệp tham gia đào tạo, cấp một số chứng chỉ để sinh viên bắt nhịp được hơi thở của thị trường lao động, biết mình cần thêm kỹ năng gì.
Trong tham luận, TS Thiều Huy Thuật và thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc cũng cho rằng chương trình đào tạo của các trường đại học nên dành một tỷ lệ nhất định cho các nhà quản lý, chuyên gia từ doanh nghiệp đến chia sẻ. Giảng viên của trường cũng cần chủ động tham gia hợp tác với doanh nghiệp.
Nhằm hạn chế tình trạng đào tạo lại sau tuyển dụng, bà Ngọc đề xuất doanh nghiệp thiết lập bộ phận chuyên trách để phản biện, xây dựng chương trình đào tạo cùng trường đại học; có chiến lược "nuôi dưỡng" tài năng tại các trường thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, tuyển dụng trước và sau tốt nghiệp; tăng thông tin cho các trường về nhu cầu tuyển dụng của đơn vị mình.
Thanh Hằng