Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để họ đánh giá lại mục tiêu muốn theo đuổi và con đường phía trước.

Không ai là ngoại lệ

Từ lâu, mối liên kết giữa các trường đại học về lĩnh vực Khoa học máy tính và các công ty công nghệ lớn đã nổi tiếng về độ bền chặt, tin cậy, sinh lợi, nhưng đồng thời cũng gây nhiều tranh cãi. Các công ty công nghệ tự quảng cáo mình là nơi làm việc trong mơ của những bộ óc ưu việt với mức lương không tưởng. Đơn cử, các kỹ sư phần mềm tại Google có thu nhập khởi điểm là 183.000 USD.

Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông tại Trường Trung học Khoa học Bronx, ngôi trường tốp đầu tại thành phố New York (Mỹ), Eva Xie Did trúng tuyển vào Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Nữ sinh theo học ngành Toán học và Trí tuệ nhân tạo.

Kỳ nghỉ hè năm nhất đại học, Eva Xie có cơ hội thực tập tại Meta, công ty mẹ của Facebook, và được mời trở lại làm việc vào kỳ nghỉ hè năm sau, tức tháng 6/2022. Đối với sinh viên thực tập, đây là dấu hiệu tốt và là bước đệm để được nhận vào làm toàn thời gian.

Đến mùa hè năm 2022, tin đồn lan truyền rằng các công ty công nghệ, trong đó có Meta, có thể dừng tuyển dụng. Eva Xie và nhiều bạn bè không lo lắng vì cho rằng việc các công ty công nghệ tuyển dụng sinh viên từ những trường đại học ưu tú là truyền thống không thể xóa bỏ.

Tuy nhiên, nhóm sinh viên đã nhầm. Eva Xie và các thực tập sinh tại Meta là nhóm đầu tiên bị ảnh hưởng bởi làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ. Đầu tháng 8/2022, họ nhận được email từ Meta bày tỏ rất lấy làm tiếc vì công ty đã quyết định dừng tuyển dụng thực tập sinh cho vị trí toàn thời gian. Sau sự kiện này, Meta cũng thông báo sa thải hơn 11.000 nhân viên, chiếm 13% tổng lực lượng lao động tại công ty.

“Họ sa thải từ những người mới bắt đầu gia nhập thị trường lao động, kể cả những người được đánh giá cao nhất trong thời gian thực tập. Ngay cả với sinh viên MIT, ngôi trường tốt nhất thế giới, việc sa thải cũng không ngoại lệ”, Eva Xie cho hay.

Tương tự, theo báo cáo của tờ New York Times, công ty công nghệ đa quốc gia Amazon (Mỹ), đã tuyển dụng 18.000 thực tập sinh vào năm 2022. Tuy nhiên, công ty đang xem xét cắt giảm hơn 50% số lượng thực tập sinh.

Còn Google đã sa thải 12.000 nhân sự vào tháng 1 năm nay. Công ty thông báo vẫn chào đón thực tập sinh cho mùa hè nhưng quá trình tuyển dụng sẽ chậm lại và số lượng ứng viên cũng bị giới hạn.

Trong những tháng gần đây, nhiều cựu thực tập sinh và sinh viên mới tốt nghiệp nằm trong số hàng nghìn người bị sa thải tại các công ty công nghệ lớn. Điều đó khiến nhiều sinh viên sắp tốt nghiệp như Eva Xie - những người từng nghĩ sẽ dễ dàng tìm việc làm, phải suy nghĩ lại về triển vọng việc làm trong tương lai và giá trị mang lại của những công ty danh tiếng.

Bà Claire Ralph, Giám đốc Dịch vụ Nghề nghiệp tại công ty tư vấn Caltech, cho biết, ngày càng nhiều sinh viên chia sẻ lo lắng về các đợt cắt giảm nhân sự tại các công ty lớn. Ngay cả những sinh viên có thành tích học tập, ngoại khóa tốt cũng không tránh khỏi bất an.

Các công ty công nghệ luôn săn đón và được săn đón bởi sinh viên các trường đại học hàng đầu thế giới như MIT. Họ cũng bị chỉ trích vì phân biệt đối xử trong tuyển dụng nhân sự từ các trường đại học khác nhau.

Theo bà Claire, làn sóng sa thải nhân sự trong lĩnh vực công nghệ đã chỉ ra thực trạng rằng, ngay cả sinh viên tốt nghiệp từ những trường đại học xuất sắc nhất cũng không tránh khỏi bị đào thải. Và tại các công ty công nghệ lớn như Meta hay Google, bằng cấp không phải là tất cả.

Chuyên gia Claire khuyến khích những sinh viên cảm thấy thất vọng bởi làn sóng sa thải chuyển hướng sang các công ty nhỏ hơn. Dù các công ty công nghệ nhỏ không thể trả mức lương cao ngất ngưởng, họ sẽ chỉ tuyển dụng những người thật sự có năng lực và phù hợp với những điều kiện họ còn thiếu.

Họ cũng phải nỗ lực nhiều hơn các công ty lớn để giữ chân người lao động bằng cách giao công việc thực chất và xây dựng văn hóa làm việc hòa nhập.

photo-2-167760327468280956885.jpeg

Nhiều sinh viên cân nhắc chuyển hướng công việc giữa làn sóng sa thải. Ảnh: INT

Tăng trưởng chậm sau Covid-19

Giữa làn sóng sa thải nhân sự hàng loạt trong lĩnh vực công nghệ, các công ty công nghệ giáo dục (EdTech) cũng chịu tác động nặng nề. Công ty EdTech Canada ApplyBoard đã sa thải khoảng 6% nhân sự toàn cầu vào cuối năm 2022. Công ty giáo dục Adventus (Australia) đã cắt giảm nhân viên tuyển sinh, bán hàng và hành chính với lý do “hợp nhất các bộ phận”.

Các công ty công nghệ giáo dục như D2L, 2U, Coursera cũng sa thải hàng loạt nhân sự trong năm qua.

Đơn cử, sau khi sáp nhập với công ty EdTech edX, 2U đã sa thải 20% lực lượng lao động. Theo sau là công ty EdTech D2L, trụ sở tại Canada, cắt giảm 5% nhân sự và nền tảng học trực tuyến Coursera cắt giảm nhân viên từ quý IV năm 2022 với lý do “tốc độ tăng trưởng chậm lại còn môi trường giáo dục trên nền tảng công nghệ thiếu chắc chắn”.

Đại diện Coursera không công bố con số nhân viên bị sa thải nhưng dự kiến cắt giảm 10 - 20 triệu USD dành cho nhân sự, bao gồm cả chi phí bồi thường hợp đồng và phúc lợi.

Công ty giáo dục trực tuyến Harappa thuộc nền tảng đào tạo trực tuyến upGrad cũng tiết lộ đã sa thải hơn 60 nhân viên. Còn tại trường học trực tuyến hàng đầu Vương quốc Anh FutureLearn, trực thuộc Đại học Mở, Giám đốc điều hành Andy Hancock thông báo đã phải nói “lời tạm biệt với một số nhân viên rất tài năng, những người đã góp phần không nhỏ tạo nên thành công cho FutureLearn” như ngày hôm nay. Ngay sau đó, vào cuối năm 2022, FutureLearn đã được Tập đoàn GUS mua lại.

Làn sóng này cũng lan rộng sang châu Á, nhất là Ấn Độ, một trong những quốc gia có tốc độ phát triển EdTech nhanh, mạnh nhất. Đơn cử, công ty EdTech Unacademy, Ấn Độ, đã cắt giảm nhân sự 3 đợt trong năm 2022 với số lượng nhân viên bị sa thải lên đến 1.500 người.

Ngoài lý do là ảnh hưởng của làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ, việc các công ty EdTech sa thải nhân sự còn chịu ảnh hưởng do tốc độ tăng trưởng chậm lại khi người học trở lại trường.

Các công ty EdTech được rót vốn và đầu tư mạnh trong năm 2020, 2021, khi các trường học tạm đóng cửa, học sinh học trực tuyến và học online trở thành xu hướng. Giờ đây, mức tăng trưởng chậm lại, để tiếp tục duy trì hoạt động, họ buộc phải sa thải nhân sự hàng loạt.

Để duy trì sự ổn định, nhiều công ty EdTech đang làm mới hoạt động. Đơn cử, công ty EdTech Outschool tập trung vào dạy thêm để bù lấp lỗ hổng kiến thức do dịch Covid-19 gây ra. Công ty New Oriental, Trung Quốc, hướng đến tệp khách hàng là sinh viên, người lớn cần học bổ túc, học tiếng Anh thay vì nhóm khách hàng là học sinh phổ thông.

Xoay chuyển tình thế

photo-1-16776032708611037619908.jpeg

Thực tập sinh là nhóm đầu tiên chịu ảnh hưởng từ làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ. Ảnh: INT

Bất chấp những đợt sa thải gần đây, trên thực tế, các công ty công nghệ có nhu cầu tuyển dụng vẫn còn rất nhiều. Theo dữ liệu từ báo cáo việc làm công nghệ vào tháng 1/2022 của Tập đoàn CompTIA, dù tin tuyển dụng trong ngành giảm nhẹ, số lượng các vị trí tuyển dụng vẫn tương đương với cùng kỳ năm 2018.

Chỉ các công ty công nghệ lớn đã giảm nhu cầu tuyển dụng còn thị trường việc làm trong nhiều lĩnh vực khác vẫn sôi động như chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, tài chính...

Nhiều sinh viên tốt nghiệp đã suy nghĩ lại về triển vọng nghề nghiệp và dần chấp nhận thực tế này. Họ cũng chuyển sang các công việc không thuộc lĩnh vực công nghệ nhưng có nhu cầu về công nghệ thông tin như sản xuất, tự động hóa, nghiên cứu khoa học... Nhiều người quyết định học lên cao hơn để chuẩn bị tốt nhất cho thị trường việc làm trong thời gian tới.

Dù vẫn còn lo lắng về triển vọng việc làm, Eva Xie đã tìm cách giải quyết từ cú sốc mà Meta mang lại. Trước đây, nữ sinh chưa bao giờ đặt câu hỏi về tương lai hay công việc nào sẽ mang lại giá trị đích thực cho bản thân và xã hội. Nữ sinh chỉ biết rằng trúng tuyển vào một công ty công nghệ lớn là điều mà các sinh viên MIT khác sẽ thực hiện.

Giờ đây, Eva Xie đang lên kế hoạch theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu Khoa học thần kinh máy tính và Công nghệ máy học. Nữ sinh dự định sẽ học lên thạc sĩ sau khi tốt nghiệp. Một số bạn bè của Eva Xie chuyển sang làm công nghệ thông tin trong các lĩnh vực khác như bất động sản, thương mại hay chăm sóc sức khỏe...

“Trong cuộc sống thực, kỹ năng mềm, nền tảng kỹ thuật và khả năng học hỏi chính là những điều quan trọng đối với một người lao động. Công việc chỉ là một trong những điều chúng ta muốn đạt được trong sự nghiệp của mình”, Eva Xie cho biết.

Ngoài ra, sinh viên hiện nay không đơn độc. Nhiều trường đại học đang tích cực hỗ trợ sinh viên vượt qua làn sóng sa thải quy mô lớn này, khi tìm việc làm ngày càng trở nên khó khăn. Một trong những biện pháp phổ biến nhất là khuyến khích sinh viên chuyển hướng sang các công ty công nghệ nhỏ hoặc trong các lĩnh vực như sản xuất, hành chính công...

Bà Sue Harbor, Hiệu trưởng Trường Đại học California tại Berkeley (Mỹ), cho biết: “Thị trường việc làm vẫn còn nhiều cơ hội cho sinh viên. Nhà trường tăng cường hỗ trợ sinh viên trau dồi kỹ năng để các em có thể làm việc trong những môi trường khác nhau. Chúng tôi không cắt giảm kỳ vọng của sinh viên mà điều chỉnh kỳ vọng của các em”.

Đối với sinh viên nước ngoài tại Mỹ, việc thích nghi với triển vọng của các công ty công nghệ lớn khó khăn hơn bởi ngoài tìm được một công việc, đây sẽ là “tấm vé” đảm bảo cho việc ở lại nước ngoài của du học sinh. Tuy nhiên, khi bị sa thải khỏi các công ty công nghệ, nhiều sinh viên sẽ phải trở về nước sau khi tốt nghiệp.

Làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ nói chung đã mang lại một điểm nhìn mới cho người trẻ, nhất là sinh viên sắp tốt nghiệp. Họ không chỉ thấy vẻ hào nhoáng của các công ty công nghệ, mà còn thấy điểm không chắc chắn, không đáng tin cậy, thiếu công bằng... Từ đó, nhiều sinh viên cũng quan tâm hơn đến các công việc mang tính ổn định.

Theo cuộc khảo sát của tổ chức giáo dục Handshake vào năm 2022, 73% sinh viên khóa 2022 - 2023 trả lời muốn tìm kiếm công việc ổn định, cao gấp đôi số người lựa chọn công việc tại công ty có danh tiếng hoặc lĩnh vực đang phát triển nhanh như công nghệ... Khảo sát nhận định, trong giai đoạn xáo trộn hiện nay, những người trẻ vốn gắn với đặc điểm “dám nghĩ dám làm” đang dần giống với các thế hệ cũ khi hướng đến hai từ “ổn định”.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022