Julia Zelazo, sinh viên năm thứ nhất tại Đại học Manchester, cho biết chỉ còn 83 bảng Anh (2,5 triệu đồng) mỗi tháng sau khi trả tiền thuê nhà. Cô đang tìm một công việc bán thời gian để có thêm tiền sinh hoạt.

"Cuối tuần, tôi thường chỉ ăn một bữa. Bất cứ khi nào tôi biết có chỗ phát đồ ăn miễn phí, tôi sẽ tìm tới tận nơi", Julia chia sẻ.

Còn Natalia Gromek, 22 tuổi, học viên chương trình thạc sĩ Tâm lý học tại Đại học Bristol, phải cố gắng làm thêm ba ngày một tuần để trang trải chi phí sinh hoạt.

Julia và Natalia cũng như nhiều sinh viên khác ở Anh, đang rất chật vật để tồn tại, trong khi gia đình không có điều kiện hỗ trợ. Thực tế, ngoài học phí, họ được vay bổ sung thêm khoảng 7.600 bảng (226 triệu đồng) một năm để chi tiêu. Tuy nhiên, giá thuê nhà trung bình ở các thành phố lớn đã khoảng gần 7.500 bảng, theo thống kê hồi cuối tháng 10 của Viện chính sách giáo dục đại học Anh.

Thậm chí, giá thuê nhà ở Bristol, nơi Natalia đang sống lên tới 9.200 bảng/năm. Những thành phố khác cũng có giá thuê nhà cao như Exeter (gần 8.600 bảng) hay Nottingham (hơn 8.400 bảng). So với năm 2021, giá thuê phòng ở Anh đã tăng ít nhất 6,7%, cao nhất tới 20,4%.

Thành phố Giá thuê nhà (bảng/năm) Mức tăng (%) so với 2021

Bristol

9.200

9

Exeter

8.558

16,1

Nottingham

8.427

15,5

Leeds

7.627

14,7

Glasgow

7.548

20,4

Bournemouth

7.396

11,2

Portsmouth

7.183

9,4

Cardiff

6.632

11,1

Liverpool

6.467

6,7

Sheffield

6.451

10,2

Tình trạng kiệt quệ về tài chính khiến Natalia và nhiều sinh viên ở Anh đổ đi làm thêm. Theo UCAS, một tổ chức hỗ trợ tuyển sinh đại học, 2/3 sinh viên năm thứ nhất muốn làm việc bán thời gian để duy trì việc học. Nhiều người phải bỏ bữa, làm tăng ca và dựa vào thẻ tín dụng để "tồn tại". Số sinh viên đang làm thêm khoảng hơn 50%, tăng so với tỷ lệ 45% của năm 2022 và 34% năm 2021.

Với Natalia, làm thêm liên tục khiến cô khó sắp xếp thời gian cho việc học, trong khi đầu óc luôn lo âu, căng thẳng. Trong khi đó, theo Victoria Tolmie-Loverseed từ Tổ chức thiện nguyện về chỗ ở sinh viên (Unipol), nhiều sinh viên đang phải ở ghép bất hợp pháp, làm thêm nhiều giờ hơn hoặc thậm chí bỏ học.

Charlotte, sinh viên năm thứ tư tại Đại học Edinburgh, thuê chung căn hộ hai giường ngủ với một cặp vợ chồng để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, tên của cô không có trên hợp đồng và cũng phải tháng 11 cô mới có thể chuyển đến ở. Hiện tại, Charlotte đang lang thang quanh nhà bạn bè và chị gái.

"Chắc chắn rằng việc học và làm thêm của tôi sẽ bị cản trở vì không có không gian riêng để học và làm", Charlotte chia sẻ.

21993115-10155010700678597-378-4437-9058-1699973866.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iSO4P7tB1eScZ42e1gD5GQ

Sinh viên chuyển đồ đạc trong khuôn viên Đại học Nottingham. Ảnh: University of Nottingham

Trước tình trạng trên, nhiều chuyên gia đề xuất chính phủ có các biện pháp để kiểm soát giá cho thuê nhà cũng như tăng giá trị các khoản vay cho sinh viên. Một đại diện của Bộ Giáo dục cho biết hệ thống tài chính sinh viên đảm bảo mức hỗ trợ cao nhất cho những người thuộc các gia đình có thu nhập thấp. Vị này cũng nhìn nhận sinh viên cần tìm thêm sự trợ giúp từ trường đại học.

Còn hiện tại, để giúp sinh viên có thời gian đi làm thêm, nhiều đại học áp dụng lịch học tập trung trong 2-3 ngày mỗi tuần chứ không học rải rác cả tuần như trước. Cách này nhận được phản hồi tích cực từ sinh viên.

Huy Quân (Theo The Guardian )

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022