Khả năng decoding (bắt từ khóa)
Hầu hết người nghe tiếng Anh kém đều dựa rất nhiều vào "bối cảnh", gồm chủ đề và những từ xung quanh để xác định từ khóa. Điều này không xấu, thậm chí là một kỹ năng quan trọng để nâng cao khả năng nghe, nhưng hãy nghĩ về cách bạn nghe tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt). Bạn có cần dựa vào những từ xung quanh để xác định một từ được phát âm là gì không? Ví dụ, khi ai đó nói "bác" và "bắc" - không hề có bối cảnh, bạn có nghe và phân biệt được không?
Người nghe giỏi sẽ bắt được từ khóa mà không cần phải dựa vào các từ xung quanh, và họ làm việc này dễ dàng, không cần tập trung nhiều. Phát âm tiếng Anh đóng vai trò quan trọng trong khả năng nghe và bắt từ khóa, vì phát âm sai thì bạn sẽ không nghe được. Ngược lại, nghe không tốt thì khả năng cao là bạn phát âm cũng không rõ ràng.
Vốn từ vựng
Học phát âm sẽ giúp bạn nhận diện được chính xác các âm trong một từ, biết cách xử lý những trường hợp giảm âm, nối âm, nuốt âm. Nhưng phát âm không thể thay thế từ vựng.
Nếu từ vựng yếu, kể cả khi phát âm và nhận diện âm tốt, thậm chí nghe được một từ mà đã biết, bạn vẫn luôn băn khoăn: "Không biết âm mình nghe được có đúng là từ này không nhỉ?". Ngược lại, khi bạn đã có nền tảng từ vựng hoặc cách diễn đạt tự tin, bạn sẽ chắc chắn về từ mà mình nghe được.
Ngoài ra, nếu gặp một từ mới, bạn sẽ rất khó "luận" ra được. Một thói quen của những bạn có vốn từ vựng hạn chế là thường "suy luận" ra một từ quen thuộc với mình, mặc dù cái mà bạn nghe được không "khớp" với cách phát âm của từ bạn biết.
Ví dụ, khi nghe từ "tatoo" (hình xăm), một bạn học viên của tôi suy ra thành "task two" (nhiệm vụ hai), mặc dù nó chẳng phù hợp với bối cảnh. Đơn giản vì đó là từ bạn ấy biết.
Thầy Quang Nguyen trong thời gian sống tại Chicago, Mỹ, năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ngữ pháp
Nếu ngữ pháp yếu, bạn rất khó suy luận nghĩa cả câu, dù nghe được từ. Ví dụ, khi nghe cụm "they might have gone away" (họ có thể đã biến mất), có một bạn học viên nghe thành "they might of gone away" và không hiểu tại sao là "might of". Những lỗi liên quan tới nền tảng ngữ pháp yếu khi nghe nhiều vô kể, dẫn tới việc "decode" (bắt từ khóa) sai và đôi khi bạn nghe được từ, nhưng không hiểu ý của cả câu là gì.
Vậy làm sao để "decode", từ vựng và ngữ pháp tốt? Phương pháp luyện nghe sâu (intensive listening) là một trong những giải pháp.
Nghe sâu có nghĩa là bạn lựa chọn một tài liệu nghe ngắn (thường 1-3 phút), nghe chi tiết nhất có thể nhằm nắm bắt phát âm, từ vựng, và ngữ pháp. Khi nghe sâu, bạn phải tìm hiểu chính xác lý do mình không nghe được: do phát âm, từ vựng, tốc độ nói, ngữ pháp hay cách diễn đạt mới.
"Nghe sâu" giống mang kính lúp ra để soi xem mình mắc lỗi gì và làm thế nào để hoàn thiện. Về cơ bản, nghe sâu phù hợp với người học tiếng Anh ở trình độ chưa cao. Kỹ năng nghe sâu phù hợp với việc làm bài thi nghe tiếng Anh, IELTS, TOEFL.
Để giao tiếp được cơ bản, thông thường bạn sẽ cần khoảng 1.000 từ/cụm từ thông dụng. Một bài nghe dài một phút thường có 150-180 từ. Dù số lượng từ lặp lại (cấu trúc cũng vậy), khi liên tục nghe trong thời gian đủ dài, khả năng "decode", từ vựng, và ngữ pháp đều sẽ tiến bộ.
Các phương pháp nghe sâu
Với nhiều người tự học, nghe sâu chỉ đơn giản là nghe và chép chính tả. Đây là một trong những hiểu lầm tai hại dẫn tới việc "luyện nghe mãi nhưng không giao tiếp được". Mình biết có những học viên ngồi chép chính tả tới 4-5 năm và không bao giờ tự tin giao tiếp, lý do đơn giản là "nếu không viết ra giấy, em sẽ không hiểu người ta nói gì."
Do đó, để luyện nghe sâu hiệu quả, bạn cần một hệ thống các phương pháp tương đối toàn diện, gồm:
- Quy trình để nghe một bài nghe sâu: đơn giản là bạn phải nghe để hiểu được ý chính, ý phụ của bài trước đã.
- Cách nhận biết từ khóa (keywords): bạn phải hiểu thế nào là từ khóa, và cách cảm nhận từ khóa khi nghe.
- Cách xử lý từ khóa khi không nghe được: nếu không "bắt" được từ khóa, bạn phải làm thế nào?
- Cách xử lý khi tài liệu nghe sâu vượt quá khả năng hiện tại: nếu gặp một tài liệu nghe quá khó, làm thế nào để khắc phục?
- Cách học từ vựng, ngữ pháp: làm thế nào để học từ vựng, ngữ pháp đúng cách và hiệu quả?
- Phát âm tiếng Anh trong nghe sâu: để hiểu tại sao bạn không nghe được, do nghe sai âm, trọng âm, do nối âm, giảm âm, nuốt âm, hay do người nói có "accent".
- Ngữ pháp tiếng Anh trong nghe sâu: bạn không hiểu có phải do ngữ pháp không, và làm thế nào để luyện ngữ pháp khi nghe?
- Phương pháp take-note khi nghe sâu: nếu cần hiểu bài nghe một cách hệ thống, đặc biệt là những bài nghe có nhiều thông tin, làm thế nào để ghi chép mà không ảnh hưởng tới sự tập trung khi nghe?
- Chép chính tả đúng cách: làm thế nào để sử dụng việc chép chính tả nhằm nâng cao khả năng nghe? Nếu viết sai chính tả khi chép chính tả thì có phải lỗi nặng không?
- Làm thế nào để cải thiện khả năng phát âm tiếng Anh thông qua các bài nghe tiếng Anh?
Tóm lại, mục đích cốt lõi của luyện nghe sâu là giúp bạn nâng cao khả năng phát âm, vốn từ vựng, ngữ pháp, bắt từ khóa. Phương pháp này sẽ hỗ trợ bạn đạt điểm cao trong các kỳ thi chuẩn hóa như IELTS, TOEFL, TOEIC. Nhưng quan trọng hơn, nó giúp bạn tự tin khi sử dụng tiếng Anh trong thực tế. Đó là nền tảng quan trọng để bạn bắt đầu quá trình nghe rộng: TED talk, tin tức, xem phim, Youtube.
Quang Nguyen